Những nhận định sai lệch về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền của ông Vũ Đức Tân


2006.12.10

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Tạp chí Văn Học Nghệ thưật, kỳ này là cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và nhà văn Tam Nguyên ở trong nước về hai bài viết liên quan đến nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, sau khi thơ của ông đựơc giới thiêu trên tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam.

ThanhTamTuyen150.jpg
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.

Nguyễn An: Có người nói thơ củaThanh Tâm Tuyền được Tạp Chí Thơ của hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu có vẻ là một hiện tượng lạ và mới. Ông nghĩ sao?

Nhà văn Tam Nguyên: Lần đầu tôi được đọc một số bài thơ của Thanh Tâm Tuyền trên Tạp Chí Thơ, cảm nhận rất thú vị và nể trọng tài thơ của ông. Mấy ngày sau có một ông tên Vũ Đức Tân có bài về Thanh Tâm Tuyền làm tôi rất sốc bởi những nhận định của ông về nhà thơ này.

Ông Vũ Đức Tân kể rằng vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước nhà thơ Thanh Tâm Tuyền chạy từ miền Bắc vào miền Nam và là nhà thơ chống cộng ra mặt. Vũ Đức Tân cho rằng Tạp Chí Thơ phải giới thiệu thật đầu đũa bản chất ấy của Thanh Tâm Tuyền để độc giả khỏi bị mơ hồ “lẫn lộn trắng đen”. Vũ Đức Tân còn tỏ ý phê phán sự nhìn nhận của Tạp Chí Thơ về Thanh Tâm Tuyền là gây “khó hiểu” cho độc giả vì sự lập lờ của mình.

Tôi định viết một bài trao đổi với Vũ Đức Tân về những nhận định ấy của ông là không thích hợp nữa. Nhưng vì phải gấp rút hoàn thiện cuốn sách nên chưa làm được. Rất may, ít hôm sau thấy đăng một bài báo của Thanh Thảo, nhan đề “Quyết tâm ... chụp mũ” chứa đựng hầu hết luận điểm đồng nhất với tôi, nghĩa là phản bác toàn bộ bài của Vũ Đức Tân.

Độc giả rất dễ thấy Vũ Đức Tân đã chụp mũ bừa bãi nhà thơ Thanh Tâm Tuyền bằng những ngôn từ có lẽ chỉ thích hợp vào giai đoạn đất nước ở trong tình trạng chia cắt. Chúng ta đã đi qua trên ba chục năm, kể từ 1975, cả người trong nước lẫn Việt kiều đã từng bước cố gắng xoá đi những dị biệt, hận thù trong quá khứ để chung tay xây dựng một Việt Nam mới, thì vì sao ông Vũ Đức Tân lại nỡ hạ Thanh Tâm Tuyền bằng những câu nghe lạnh cả người:

“Cái tên (Thanh Tâm Tuyền) gắn với giai đoạn sáng tác đắc ý của một sỹ quan cộng hoà Thanh Tâm Tuyền với ý tưởng chống cộng tươi mới vừa chạy ngoài Bắc vào Nam phục vụ cho chính quyền nguỵ? ”.

Văn học là nhân học, chứ không phải đạo đức học, giáo dục hay hay luật học. Vì vậy, thẩm định văn học không thể lấy đúng, sai làm tiêu chí, lại càng không thể soi vào nhân thân tác giả xem người ấy là ai, đạo đức ra sao, lập trường cách mạng đạt mức độ nào ...

Nguyễn An: Quả là lạnh người. Vậy quan điểm của ông như thế nào về sự chụp mũ ấy?

Nhà văn Tam Nguyên: Văn học là nhân học, chứ không phải đạo đức học, giáo dục hay hay luật học. Vì vậy, thẩm định văn học không thể lấy đúng, sai làm tiêu chí, lại càng không thể soi vào nhân thân tác giả xem người ấy là ai, đạo đức ra sao, lập trường cách mạng đạt mức độ nào ...

Một tác giả nào đó mô tả những nhân vật của mình bằng những tình tiết mà rất có thể bị giới này, giới kia chỉ trích hoặc lên án kịch liệt, nhưng nếu những nhân vật ấy tạo nên những rung cảm thật sự, cũng như đưa lại nguồn mỹ cảm dạt dào thì tác giả của chúng xứng đáng được công chúng độc giả tôn vinh.

Và Thanh Tâm Tuyền chính là một tác giả như vậy. Vì thơ của ông vẫn thấm vào lòng bạn đọc một cách tự nhiên, đúng như Tạp Chí Thơ nhận định: “Ông đã có đóng góp đáng ghi nhận trong tiến trình thay đổi, hiện đại hoá thơ Việt Nam” .

Để tăng thêm sức nặng cho sự phản bác của mình, Thanh Thảo còn đưa ra giả thiết: Cựu thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ - người được biết đã từng chống cộng không khoan nhượng - về mặt này có lẽ Thanh Tâm Tuyền nào thấm tháp gì! - Nếu ông làm được thơ hay thì Tạp Chí Thơ vẫn có quyền giới thiệu. Đúng là một quan điểm rất thức thời và cũng rất quả quyết.

Từ hai bài viết về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền ấy, tôi cảm nhận một nỗi mừng vui khó tả, bởi cái định kiến mang tính chính trị về các nhà thơ, nhà văn từng ám ảnh rất nặng nề không khí văn chương trong nhiều năm nay đã được tháo gỡ hoặc ít ra là được một Tạp chí uy tín nhìn nhận lại. Và rõ ràng nó tạo ra sự cởi mở trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật.

Và nó cũng cho tôi niềm tin rằng: những quan điểm cũ rích, lạc điệu, nông cạn, hấp tấp và ác ý kiểu Vũ Đức Tân sẽ không còn cơ hội để khua cho bầu không khí văn chương của Việt Nam bụi mù lên nữa. Đó là hiện tượng rất mới và rất đáng biểu dương.

Nguyễn An: Cảm ơn Nhà văn Tam Nguyên.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.