Việt Long, phóng viên đài RFA
Báo The Economist là tờ báo chú trọng về kinh tế, nhưng gần đây hằng ngày đều đăng nhiều bài về tình hình Miến Điện. Bài mang tựa đề ‘Cuộc Cách mạng áo cà sa” đăng hôm thứ năm nêu ra đề nghị về một viễn ảnh lạc quan cho người dân Miến Điện. Việt-Long tóm lược và trình bày lại cùng quý vị như sau.

Noi tấm gương bất khuất của chư tăng ni, người dân Miến đã hất bỏ thói quen sợ hãi ăn sâu trong tâm khảm từ mấy chục năm nay dưới một chế độ quân phiệt bạo tàn từng giết hơn 3 ngàn người biểu tình đòi dân chủ hồi năm 1988. Thách đố trực diện những tướng lãnh tham ô, bất tài, hung bạo, hằng trăm ngàn người xuống đường cất cao tiếng nói đòi dân chủ.
Họ biết cuộc đàn áp dã man đang chờ đợi họ, chẳng khác gần 20 năm trước. Ngày ấy người dân Miến chẳng phải chỉ bị phản bội do nhóm tướng lãnh độc ác mà còn do cái thế giới bên ngoài chia rẽ, cơ hội, tư lợi, không tạo được đến một phản ứng chung, để những kẻ tội phạm sát nhân sống phè phỡn sau tội ác chúng gây ra. Lần này lính Miến lại bắn vào đoàn biểu tình, thế giới đang hồi hộp chờ đợi một cưộc tắm máu tái diễn, liệu thế giới có tránh được lỗi lầm khi xưa hay không?
Các nhà lãnh đạo phương Tây do Tổng thống Bush dẫn đầu, đồng thanh kêu gọi và lên án nhóm quân phiệt, doạ áp đặt thêm biện pháp trừng phạt. Thủ tướng Úc Alexander Downer phản ánh lập trường đó.
Dường như phương Tây đã lên hết gân sức về chuyện này rồi. Vẫn trừng phạt kinh tế và vẫn thất bại, trong khi các láng giềng châu Á của Rangoon lại theo phương thức khác, gọi là tiếp xúc xây dựng, trong khi thủ lợi ở Miến do sự rút bỏ của phương Tây.
Trung Quốc ở giữa
Ấn Độ cần tranh giành dầu khí với Trung Quốc, và trước bối cảnh Bắc Kinh đã bước qua đất Miến để vươn ra tới vịnh Bangal, đành nuốt cho trôi truyền thống ủng hộ dân chủ để mà ve vuốt nhóm quân phiệt.
Trung Quốc kết thân với Miến Điện hơn ai hết, và hơn bao giờ hết. Hai nước còn chia sẻ nhiều thứ ngoài biên giới chung. Từ thập niên 1980 những cuộc cách mạng dựa vào sức mạnh nhân dân đã quét tan nhiều chế độ độc tài trên thế giới. May thay ít có quân đội nào của chế độ nào sẵn lòng tàn sát đông đảo đồng bào của chính họ để giữ lấy quyền lực cho nhóm lãnh đạo. Chỉ trừ hai nước anh em Trung Quốc và Miến Điện. Sau Rangoon một năm. Băc Kinh cũng tàn sát hằng ngàn sinh viên ở Thiên An Môn.
Trung Quốc lại là kẻ hưởng lợi chính nhờ sự trừng phạt nửa vời của phương Tây. Làm đồng chí với nhóm quân phiệt kia, Băc Kinh được hai phần thưởng vô giá: nguồn khí đốt và đường tiến ra tới vịnh Bangal. Vì thế mà Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất và nước ủng hộ mạnh nhất cho Miến Điện về mặt ngoại giao. Mới tuần này Băc Kinh lại nhắc lại luận điệu phản đối mọi sự can thiệp vào nội bộ nước khác, dù chính họ chắc cũng nghe đã quá nhàm.

Có người vẫn mong Trung Quốc là nước đem lại nhiều hy vọng nhất cho sự đổi thay chế độ ở xứ Miến, trong khi khối ASEAN vừa lên tiếng nghiêm khắc kêu gọi Rangoon ngừng đàn áp, một hành động được Ngoại trưởng Pháp gọi là thắng lợi của những người dân can trường xứ Miến.
Còn hai lý do để Trung Quốc có thể thấy ra rằng sẽ hưởng lợi to lớn hơn nhiều nếu giúp chuyển Miến Điện sang dân chủ. Điều thứ nhất là Trung Quốc muốn có vùng biên giới an ninh, là đìều mà nhóm quân phiệt ở Miến không cung hiến được. Tài làm kinh tế của đám nhà binh vừa ngu vừa ác kia chỉ khiến một xứ giàu tài nguyên trở thành nghèo đói. 2 triệu người Miến chạy trốn sang Thái Lan. Giá xăng dầu tăng vọt, là nguyên nhân gần của những cuộc biểu tình hiện nay.
Rangon thương lượng để ngưng chiến với gần hết trong số hơn một chục các lực lượng nổi dậy vũ trang ở vùng biên giới, nhưng chỉ khiến vùng ấy trở thành vô pháp luật, cho bọn sản xuất và buôn bán lậu ma tuý tha hồ tự tung tự tác.
Vùng ba biên giới Tam Giác Vàng Thái Lào Miến sát Trung Quốc từng là thủ phủ ma tuý của thế giới trước khi bị Afghanistan chiếm ngôi. Nay thì đó lại là thủ phủ của methamphetamin với hoá chất chế biến được cung cấp từ Trung Quốc. Ma tuý từ nơi đây đầu độc cả dân Trung Quốc lẫn Thái, Lào, Việt Nam. Rồi thì kim chích chung đem lại thêm HIV, AIDS, thảm hoạ ngày càng tăng.
Điều thứ hai, Trung Quốc không muốn bị tẩy chay trong Olympics 2008 như một số nước tổ chức thế vận hội trước đây. Băc Kinh đã bị lên án vì ủng hộ Sudan, lại có tì vết về nhân quyền ở trong nước, nay thêm chuyện bênh vực độc tài sát nhân ở Miến Điện, có thể là những giọt nước làm tràn ly được chăng? Cao Uỷ trưởng nhân quyền Liên Hiệp Quốc lên tiếng về tình trạng nhân quyền xứ Miến.
Miến Điện trở thành mục tiêu
Miến Điện đang trở thành mục tiêu cho hành động chính nghĩa của bè bạn phương Tây của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc nhất định ngăn cản hành động ấy liệu có thể mất cả bằng hữu và bị tẩy chay trong Olympic sang năm chăng?
Nay thì máu một chục người mới bắt đầu đổ xuống, nếu chẳng may để cho biển máu dâng tràn đến sinh mạng hằng ngàn người thì Trung Quốc không thể tránh khỏi bị quy trách, và chuyện tẩy chay là điều hiển hiện trứơc mắt. Hôm thứ năm Tổng thống Bush đã thảo luận với Ngoại trưởng Trung Quốc ở New York, không biết có nhắc khéo chuyện Olympics kia không.
Tất nhiên Băc Kinh không thể hạ lệnh cho YangGon. Nhưng vai trò của Bắc Kinh là then chốt đối với lập trường của nhóm quân phiệt xứ Miến. Trung Quốc nếu cứ che chở họ và làm cùn nhụt mũi nhọn nỗ lực của thế giới muốn trừng trị đám nhà binh gây tội ác kia, thì khó tránh khỏi sự phẫn nộ của toàn thế giới.
Bây giờ vẫn còn thuốc chữa cho nhóm quân phiệt. Họ chỉ cần ngưng bàn tay đẫm máu, trả tự do cho tù chính trị, kể cả lãnh tụ Ong Xang Xu Chi, hủy bỏ khung hiến pháp dỏm do cái nghị hội toàn quốc dỏm thảo hoạch, đối thoại nghiêm chỉnh với mọi phía, cả đảng của bà Ong Xang Xu Chi. Mục tiêu cuộc đối thoại phải nghiêm chỉnh và rõ ràng: đó là chuẩn bị chuyển giao quyền hành cho một chế độ dân chủ dân sự.
Phía các nhà dân chủ, một khi có cơ hội tổ chức bầu cử công bằng tự do, thì cũng đừng nên bám víu vào kết quả toàn thắng của cuộc tuyển cử năm 1990.
Họ nên dành cho nhóm tướng lãnh sáng kìến nào mà họ cần để mọi chuyện trôi đi êm đẹp. Nghe ra giống như chuyện vĩễn vông. Nhưng tương lai đó sẽ vẫn là viễn vông nếu thế giới không biết đoàn kết nhất trí quanh những đòi hỏi nhất quán, không nhất trí về những cây gậy và củ cà rốt mà khiến nhóm nhà binh tai điếc kia có thể nghe ra.