Ảnh hưởng của kỹ thuật hiện đại ở Ðông Khê, Cao Bằng

Hoàng Khởi Phong, phóng viên đài RFA

Thưa quý thính giả, nhà văn Hoàng Khởi Phong sinh sống và làm việc tại quận Cam tiểu bang California Hoa kỳ. Mới đây, ông có dịp về thăm Việt nam và đi một vòng qua ba miền đất nước. Từ những điều quan sát tại chỗ trong chuyến thăm, ông viết một loạt ký. Hôm nay, nhà văn gửi đến quý thính giả bài viết có nhan đề “Ảnh hưởng của kỹ thuật hiện đại với tương quan giữa người Việt trong và ngoài nước trong đời sống hiện tại” qua giọng đọc của chính ông và Nhã Trân.

0:00 / 0:00
InternetEthnic200.jpg
Một cửa tiệm cho thuê máy vi tính ở Bắc Hà, Lào Cai hôm 27-4-2003. AFP PHOTO

Đời sống hiện tại trong bài viết này không phải là ở New York, San Jose, Paris, London, Tokyo... mà là một địa danh có tên là Đông Khê trong tỉnh lỵ Cao Bằng của nước Việt.

Đối với những ai quan tâm tới lịch sử Việt Nam trong chiến tranh Việt Pháp, thì Đông Khê chỉ là xã nhỏ, nằm trong vùng rừng núi của tỉnh Cao Bằng. Ở nơi đó vào năm 1947 người Pháp thiết lập một đồn binh quan trọng, để hợp với các đạo binh của Pháp đang đồn trú tại Cao Bằng và Lạng Sơn, thành một vòng vây chiến khu Việt Bắc của Việt Minh.

Chính vì vậy mà năm 1950, tại Đông Khê đã diễn ra một trận đánh ác liệt giữa Việt Minh và quân đội Pháp, để từ đó cục diện chiến tranh Đông Dương có sự hoán vị về thế công giữa hai lực lương đối chọi. Sau trận đánh Đông Khê Việt Minh chủ động chiến trường, trong khi quân Pháp phải lui vào cố thủ trong các đồn bót.

Hơn nửa thế kỷ sau tôi đi qua Đông Khê, tất nhiên khu trung tâm của phố huyện cũng là nơi buôn bán cho dân chúng quanh vùng, những bảng hiệu cho tôi thấy ở nơi đèo heo hút gió này bên cạnh các hàng cơm, phở, thịt chó, cũng có một nơi cho thuê máy vi tính. Tuy không ngừng xe bước vào, song tôi biết đây là một cửa tiệm có vài cái máy computer, mà ở đó con nít có thể đến chơi games, người lớn có thể đến thuê máy để vào các trang mạng, có thể gửi một cái Email cho thân nhân ở bất cứ nơi nào trên thế giới, miễn là nơi đó có điện thoại.

Bảng hiệu của tiệm cho thuê máy vi tính này khiến cho tôi hiểu được một điều là: Kỹ thuật truyền thông hiện tại đã góp phần thu nhỏ thế giới vào trong một căn phòng hẹp. Đối với những người thèm học, nó giúp cho người ta mở mang trí tuệ mà không cần phải cắp sách đến trường.

Tất nhiên đến trường đều đặn, cuối năm đi thi thì sẽ được phát bằng, còn ở trong một nơi góc núi, xó rừng chúi mũi vào các trang web, thì chỉ có thể mở mang thêm sự hiểu biết của mình trên tất cả mọi lãnh vực từ khoa học nhân văn sang khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên có một điều khó là những người muốn tìm hiểu đó phải biết sử dụng computer, biết cách vào các trang web. Mà điều này thì cần phải được dậy dỗ, phổ biến chứ không phải cứ vất cái máy conputer vào một chỗ nào đó, rồi thì ai cũng biết cách sử dụng.

Mời các bạn tham gia mục Văn Học Nghệ Thuật do nhà văn Hoàng Khởi phụ trách. Xin email về Vietweb@rfa.org

Kỹ thuật truyền thông cũng sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo xã hội, cũng như cho từng con người. Nó giúp cho người dân những thông tin đang xẩy ra ở trong nước, cũng như ở bất cứ một xó xỉnh nào trên thế giới. Chính quyền sẽ không còn độc quyền thông tin, muốn thông tin như thế nào cũng được. Cách thông tin tuyên truyền như cách đây ba chục năm, hai chục năm đã không còn hữu hiệu.

Sự tăm tối của ngu dốt sẽ bị ánh sáng kỹ thuật đẩy lui dần dần. Lề thói tuyên truyền lấy được trong chiến tranh Nam Bắc Việt Nam, như các phi công Bắc Việt đậu máy bay trong mây, chờ phi cơ của Mỹ tới nhào ra bắn hạ, hay xe tăng, đại bác của Mỹ làm bằng carton đã không còn chỗ đứng. Giờ đây cách thông tin đó chỉ làm cho các cán bộ thông tin tuyên truyền hiện nguyên hình là những tên dối trá.

Ngay giờ phút này đây, nếu như ở Đông Khê có một nhân vật đang âm thầm tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở quê nhà, và nếu được trang bị một dàn máy computer, được nối mạng qua đường dây điện thoại, và được chỉ dẫn cách sử dụng computer, thì bất cứ một biến chuyển gì xẩy ra cho đất Đông Khê này, thí dụ nông dân nổi dậy phản đối cách thu mua ép giá của nhà nước, thì chỉ năm phút sau người Việt toàn thế giới có thể biết những gì đã xẩy ra, với những hình ảnh cụ thể được chụp tại chỗ, ngay khi các sự việc đang xẩy ra tại nơi đèo heo hút gió ấy.

Nếu như một dàn computer có thể thu nhỏ cả thế giới, xóa bỏ các biên cương, vượt qua các giới hạn của thời gian để thấy các tư tưởng của các triết gia, các định lý khoa học, những nền văn minh đã bị chôn vùi, những trận đánh lịch sử, cũng như những phát kiến quan trọng... của hàng ngàn năm trước hiển lộ trước mắt, ngay trong căn phòng nhỏ ở xã Đông Khê, thì một cái TV lại cho phép một gia chủ đang trú ngụ ở một xó núi của tỉnh Cao Bằng, giống như một người khách du lịch chiêm ngưỡng mọi kỳ quan của thế giới.

Vì vậy tôi cũng xin ghi lại tại đây một hình ảnh khác của kỹ thuật hiện đại, sẽ làm thay đổi diện mạo xã hội, cũng như đời sống con người. Đó là những mái nhà gỗ xiêu vẹo, nằm lẻ loi giữa rừng, thế nhưng trên nóc nhà, ở đầu hồi, hay trên những thân cây lớn gần nhà là những cái antena đĩa, để bắt các làn sóng truyền hình. Tất nhiên trong điều kinh tế của xã Đông Khê, không phải là nhà nào cũng có thể trang bị một dàn TV, mà thỉnh thoảng mới có một, hai nhà có antena đĩa.

HoangKhoiPhong200.jpg
Nhà văn Hoàng Khởi Phong trên đường đến Ðông Khê. Hình của Hoàng Khởi Phong.>> Xem hình lớn hơn

Tuy vậy nó cho tôi biết một điều: Khi kỹ thuật đã len lỏi tới thâm sơn cùng cốc, thì ban ngày ở chốn rừng xanh núi đỏ này không phải chỉ có tiếng chim kêu vượn hú, tiếng hổ báo gầm vang trong lúc săn đuổi con mồi. Và ban đêm trong những căn nhà cheo leo, trơ trọi giữa rừng này không phải chỉ có tiếng suối chẩy róc rách, tiếng gió luồn qua những rừng cây hay sự im lặng, câm nín như đã ngự trị từ bao đời nay.

Sau một ngày quần quật ở nương rẫy, hay lần mò trong rừng sâu, buổi tối gia chủ và những người con có thể biết những tin tức quan trọng trong ngày, có thể thưởng thức một chương trình kịch, một ban nhạc. Thế giới sẽ không còn thu nhỏ trong một cánh rừng như từ mấy ngàn năm nay, cái antena đĩa ở đầu hồi đã giúp cho toàn gia biết đến những chân trời xa lạ khác.

Hay ít nhất dàn TV cũng cho gia chủ và các con những giọt lệ và những nụ cười. Và nếu như dàn TV của gia chủ có kèm theo một dàn DVD, biết đâu chừng toàn gia sẽ được thưởng thức những cuốn phim mới sản xuất của Mỹ, Pháp, Đài Loan, Đại Hàn, Hồng Không, Nhật Bản được các tay đánh cắp sản phẩm in lậu, bán với một giá rẻ mạt ngoài các thị trấn đông người.

Do đó việc chuyển lửa về quê nhà, như người Việt ở hải ngoại đã kêu gào từ hai chục năm nay cần phải lấy sự trung thực làm căn bản. Những chuyện tranh cãi trong nội bộ các trung tâm văn bút, những cuộc rủa xả vì chức chủ tịch các cộng đồng, những bài viết đầu ngô mình sở, những thông cáo của các chính phủ "tự lập", những bài viết chống Cộng toàn khẩu hiệu, những bài thơ hũ nút, những bài nhạc ấm ương mà chúng ta thấy được đưa lên trên hàng trăm hàng ngàn trang web mỗi ngày, sẽ không giúp gì được cho những người ở trong nước muốn tìm hiểu người Việt ở hải ngoại. Đó là chưa kể đến một số bài viết chẳng những đã không làm cho cộng đồng ở hải ngoại vốn đã không đoàn kết, mà lại còn bị xé thành nhiều mảnh nhỏ.

Nhân vì thấy một cửa tiệm cho thuê máy vi tính ở Đông Khê, tôi nghĩ đã đến lúc những người chủ trương các trang web cần phải xét lại hiệu quả những gì mình phổ biến trên mạng lưới điện toán. Giờ đây nếu có ai rỗi rảnh, bỏ một ngày vài tiếng đồng hồ lang thang trên các mạng lưới, rồi thử dọn cỏ dại trên những trang mạng này, tôi e rằng đây là công việc không phải của một người, mà của nhiều người, và không phải chỉ làm trong một vài ngày, mà có lẽ phải nhiều năm kiên trì nhổ cỏ may ra mới khá được.

Tất nhiên những gì tôi viết trong vài dòng ở trên chỉ là giả dụ, vì trong thực tế không một ai có quyền kiểm duyệt, vậy thì chỉ có cách mong mỏi là bất kỳ ai muốn lên trang mạng, cũng nên tự kiểm duyệt mình. Những xung khắc cá nhân thì nên giải quyết trong vòng cá nhân như gửi thư, gọi điện thoại thẳng cho nhau hơn là tung lên mạng, lên báo, lên đài phát thanh.

Các xích mích trong nội bộ một hội đoàn, một đoàn thể nên triệu tập toàn thể hội viên, để hai bên công khai đối chất, đừng ném đá dấu tay, đừng ly gián chỉ vì những chức vụ hết sức hão huyền mà tung hết bài này tới bài khác lên các trang mạng, chiếm lĩnh các trang mạng từ ngày nọ sang tháng kia, khiến cho các tài liệu cần phổ biến thật, những bài nghị luận sâu sắc, các bài tham luận có giá trị bị chìm trong một đống bầy nhầy.

Nghĩ cho cùng kỹ thuật computer giống như là một bảo kiếm, người giỏi võ có thêm nhiều uy lực, nhưng nếu chỉ biết võ mèo quào, e rằng múa may quay cuồng một hồi sẽ tự chém vào chân mình mà thôi.

Sự tăm tối của ngu dốt sẽ bị ánh sáng kỹ thuật đẩy lui dần dần. Lề thói tuyên truyền lấy được trong chiến tranh Nam Bắc Việt Nam, như các phi công Bắc Việt đậu máy bay trong mây, chờ phi cơ của Mỹ tới nhào ra bắn hạ, hay xe tăng, đại bác của Mỹ làm bằng carton đã không còn chỗ đứng. Giờ đây cách thông tin đó chỉ làm cho các cán bộ thông tin tuyên truyền hiện nguyên hình là những tên dối trá.

Đối với những ai không quan tâm tới lịch sử cận đại, và cũng chưa hề đặt chân xuống đất nước Việt Nam từ sau năm 1975, tôi xin nhắc lại Đông Khê chỉ là một xã, đa số dân chúng là người thiểu số như Nùng, Tầy am tường tiếng Hoa nhiều hơn tiếng Việt. Đông Khê chỉ trở thành một địa danh quan trọng sau khi người Pháp thiết lập một đồn binh quan trọng ở đây vào năm 1947, nằm trong địa phận huyện lỵ Thạch An, cách thị xã Cao Bằng 45 cây số về hướng Đông Nam. Nơi đây cách biên giới Hoa Việt chừng ba chục cây số theo đường chim bay, và nếu đi đường bộ thì phải mất độ ba trăm cây số để về Hà Nội.

Chung quanh biên giới Việt Nam và các nước láng giềng, cũng như ngay trong các tỉnh lỵ như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cà Mâu, Rạch Giá, Lâm Đồng, Quảng Trị... có hàng chục ngàn cửa tiệm cho thuê máy vi tính như cái tiệm nhỏ mà tôi thấy ở Đông Khê. Nếu như tin tức của các nhà vận động cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở Sài Gòn và Hà Nội như Hoàng Minh Chính, Trần Khuê, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Đan Quế, Phương Nam, Hòa Thượng Quảng Độ, Linh Mục Chân Tín.

Nếu như những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, nhưng bài nhận định về hội nhà văn của Nguyễn Huy Thiệp, các bài phát biểu của Hoàng Quốc Hải, Đỗ Minh tuấn, Trần Mạnh Hảo trong kỳ đại hội nhà văn vừa qua, cũng như nhận định của người trong nước về kỳ địa hội lần thứ 10 của Đảng Cộng Sản VN

... không thể trực tiếp đến với những người dân, qua lề thói thông tin cố hữu của nhà nước Cộng Sản, thì tiếng nói của các vị này sẽ thông qua các trạm trung chuyển ở Paris, London, Tokyo, San Jose, Little Saigon... để đến được những nơi góc biển chân trời.

Tôi tin tưởng rằng trong một thời gian không xa, kỹ thuật truyền thông hiện đại sẽ góp phần đắc lực vào việc thay đổi đời sống của từng con người, trước khi thay đổi bộ mặt toàn bộ xã hội, cũng như vận mệnh của nước Việt, để dân Việt bắt kịp đà tiến bộ chung của toàn thể nhân loại ngay trong thế kỷ 21 này.