Đội mai táng phụ nữ
2006.11.20
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Theo truyền thống Việt Nam, từ xưa đến nay, bất cứ gia đình nào chẳng may có người thân qua đời, bao giờ cũng phải nhờ đến đội mai táng trong đó qui tụ những đấng nam nhi lo việc chôn cất. Từ khâu tẩm liệm, nhập quan cho đến khi tiễn đưa linh cửu ra đến huyệt mộ …tất cả mọi việc đều do đội mai tang lo liệu.
Hình ảnh cánh đàn ông trong bộ y phục dành riêng cho nhà quàn đã trở nên rất quen thuộc. Thế nhưng, từ 8 năm qua, ở tận vùng ven biển xa xôi, thôn Hà Thủy, xã Chí Công, Tuy Phong- Bình Thuận, đã có một đội mai táng mà toàn là chị em phụ nữ. Trang Phụ Nữ kỳ này xin mời quí vị nghe những chi tiết lý thú về đội mai táng tóc dài này.
Theo lời của bà Hồ Thị Ánh, đội trưởng đội mai táng và cũng là người đứng ra thành lập đội này cho biết thì tại vùng biển này, hầu như làng nào cũng có một đội mai táng riêng, chuyên lo hữu sự mỗi khi có ai qua đời và hoàn toàn miễn phí. Các đội này đều qui tụ cánh đàn ông hành nghề đi biển.
Bị nhiều hạn chế
Vì thế, bị hạn chế là nhiều khi có những trường hợp người chết nằm đó chờ dân đi biển về mới chôn cất được. Có lần, một cụ bà qua đời nằm đó đã 3 ngày rồi mà ông đội trưởng vẫn chưa tìm được đủ người để lo việc an táng vì cánh đàn ông đi biển chưa về. Bức xúc về việc này, bà Ánh liền vận động chị em thành lập một đội nữ để thay thế cánh đàn ông mỗi khi họ bận đi biển. Bà kể lại:
“ Trong vùng của tui, nam đi lao động xa, người quá cố không ai tẩm liệm, nên tui đi động viên những người nữ đi làm thay, không nghĩ gì đến tiền bạc hết.”
Hồi mới đầu, xóm làng thấy kỳ dị, người ta cười chê…,người ta nói chị em tui là nữ tặc..nói bừa bãi lắm. Nhưng chị em cũng kiên tâm, có chị em tức quá khóc. Tui cũng khuyên chị em là mình làm nghĩa, ai nói thì mặc kệ…dần dần thì quen đi, không còn nói nữa.
Tuy đã thành hình nhưng đội mai táng nữ gặp rất nhiều trở ngại. Ngoài việc phải đi mượn quần áo của đội nam, các chị em còn phải chịu bao nhiêu lời dè bỉu của bà con chòm xóm, đó là chưa kể đến sự cằn nhằn của các ông chồng khi thấy vợ mình bị láng giềng chê cười. Bà Ánh kể lại:
“Tụi tui không có tiền để may quần áo, không giầy dép, không nón, không có đồ để mặc đi tẩm liệm…Ban đầu thì đi mượn đồ nam để mặc, sau này chỗ này chỗ kia họ cho thì mới có tiền may. Hồi mới đầu, xóm làng thấy kỳ dị, người ta cười chê…,người ta nói chị em tui là nữ tặc..nói bừa bãi lắm. Nhưng chị em cũng kiên tâm, có chị em tức quá khóc. Tui cũng khuyên chị em là mình làm nghĩa, ai nói thì mặc kệ…dần dần thì quen đi, không còn nói nữa. “
Để có thể hướng dẫn chị em thực hiện theo đúng các lễ nghi của việc đưa tiễn người quá cố như đọc bài “chúc” hay còn gọi là “ai điếu”, hiệu lệnh khênh linh cửu, bà Hồ Thị Ánh đã phải đi học của một đội nam và được một ông đội trưởng tận tình chỉ dẫn. Sau đó, bà tập lại cho các chị em trong đội. Lúc ban đầu, các chị chưa quen, nên việc tẩm liệm còn nhiều lúng túng. Bà nói:
“Lúc đầu, chuyện tẩm liệm cũng còn sơ sót, nên với những gia đình quàng lại hai ba ngày, khi chị em tui vác quan tài, nước chảy trên vai, rồi đường đi dốc, ghềnh đá cheo leo, nhưng vẫn phải cố gắng đưa quan tài ra...Sau này được các bậc trưởng bối chỉ dậy lại thì đỡ hơn nhiều.”
Về tài chính
Đúng như một đội mai táng chuyên nghiệp, từ khâu vệ sinh thi thể, tẩm liệm, nhập quan, cho đến khi đặt quan tài xuống huyệt mộ…tất cả mọi việc đều do đội thực hiện hết và không hề nhận một khoản tiền nào. Có lẽ chính vì các chị em là những người phụ nữ có trái tim nhân hậu nên đứng trước những hoàn cảnh thương tâm, thấy gia chủ than khóc, các chị cũng không cầm được nước mắt. Bà tâm sự:
“Có khi có gia đình đưa một số thù lao, nhưng vì đội này là đội làm nghĩa, nên không lấy đồng thù lao nào hết. Có khi đưa một người quá cố mà y là người già thì thấy ít tủi hơn, còn đi mà gặp người trẻ chết vì đi lặn sò, gia đình người ta khóc, tụi tui cũng khóc theo…
Có khi gặp những người ở xa tới đây lập nghiệp mà chết, thì chị em cũng phải chia nhau đi xin nhà này nhà kia để mua “hàng” ( quan tài) và mua quần mua áo để tẩm liệm. Chị em tui cũng nghèo, toàn là dân lao động không thôi. Hễ có ai mời là chúng tôi sẵn sàng đi làm nghĩa, không nề hà gì hết…Có làng trong rẫy, trong rừng, chúng tôi cũng đi.”
Được biết, sau khi hoạt động gần một năm trời, đội bắt đầu được bà con tín nhiệm. Và cũng từ đó, chính quyền địa phương bắt đầu hỗ trợ để có phương tiện may y phục cho riêng đội. Cho đến nay, đội mai táng nữ qui tụ được 35 chị em để thay phiên nhau mỗi khi có ai cần đến. Chị Hà, năm nay 39 tuổi, cho biết lý do tại sao tham gia vào đội mai táng nữ:
Cũng có một thời gian, một số chị em khác cũng cười lắm, nói tụi em là nữ tặc này, nữ tặc kia, tụi em cũng chỉ biết nín thôi, không bao giờ trả lời lại, vì mình đi làm nghĩa mà, ai nói nặng nói nhẹ thì cũng chịu đựng vậy thôi ! Chỉ biết làm sao để đưa người quá cố “lên đường” cho tốt…Rồi sau đó, cha mẹ của những người đó qua đời, tụi em cũng đến đưa cha mẹ của họ đi, nên bây giờ mấy chị ấy cũng tôn trọng tụi em lắm.
“Em 39 tuổi, em đi làm nghĩa thôi, ở đây cuộc sống khó khăn, chồng con phải đi làm ăn xa, có người trong làng quá cố, chị Hai Ánh mới đứng ra thành lập đội nữ này, nên tụi em cũng tham gia để đi làm nghĩa luôn. Chị động viên mấy chị em vô, từ từ rồi có thêm các chị em khác, dù cực khổ đến đâu chăng nữa tụi em cũng đi.”
Chị cũng cho biết, vào thời gian đầu, khi chị ghi danh vào đội mai táng, cũng bị chê cười không ít. Nhưng sau này, khi những người chê cười chị gặp lúc “tang gia bối rối”, không biết phải chờ đội nam đến lúc nào thì đành phải nhờ đến đội nữ. Qua đó, họ dần dần hiểu ra và ghi ơn đội nữ vô cùng sâu sắc. Chị Hà kể tiếp: “Cũng có một thời gian, một số chị em khác cũng cười lắm, nói tụi em là nữ tặc này, nữ tặc kia, tụi em cũng chỉ biết nín thôi, không bao giờ trả lời lại, vì mình đi làm nghĩa mà, ai nói nặng nói nhẹ thì cũng chịu đựng vậy thôi ! Chỉ biết làm sao để đưa người quá cố “lên đường” cho tốt…Rồi sau đó, cha mẹ của những người đó qua đời, tụi em cũng đến đưa cha mẹ của họ đi, nên bây giờ mấy chị ấy cũng tôn trọng tụi em lắm.”
Chị Phạm thị Em, năm nay 44 tuổi, cả nhà có đến 7 miệng ăn, cả hai vợ chồng đều cực khổ khiêng sò và cậy sò mướn. Chị tham gia vào đội mai táng chỉ để cầu mong người quá cố linh thiêng phù hộ cho các con của chị. Chị tâm sự:
“Em nghèo khổ, đi làm thuê làm mướn thôi, nhưng em xin vô đội để đi làm nghĩa cho sau này cho con em được mạnh khoẻ, bình yên. Tuy em đi làm kiếm một ngày chỉ được vài ba ký gạo nhưng hễ có đám nào cần đi, thì em đi cho tới khi xuống huyệt mộ an toàn em mới về…
Ngày hôm đó phải đi mượn gạo ăn, em cũng vẫn vui lòng. Em tham gia từ khi chị Ánh thành lập đội cho tới bây giờ, được 8 năm rồi. Chồng em nói bà ráng đi làm nghĩa để cho con được bình yên sức khoẻ, người quá cố phù hộ cho bà được mạnh khoẻ…đám nào ổng cũng nói em đi hết. Có bữa em bị nhức cẳng mà ổng cũng nói em bớt thì ráng đi cho họ.”
Một việc nghĩa
Một phụ nữ khác cư ngụ trong làng, vì có con nhỏ mới sinh nên không tham gia trong đội được, cho biết thêm: “Ở đây, hễ có gì là đội đi hết, đội này tốt lắm… mấy cô ấy nghèo khổ nhưng được lắm, hay lắm. Nay thì đội nam ít đi rồi, đội nữ chỗ nào cũng đi hết.”
Anh Ngô Tấn Thành, một thanh niên trong làng cho biết ý kiến của mình về đội mai táng phụ nữ:
“Tụi tui mắc làm ăn, chị Ánh lo dùm nên cũng tốt. Mới đầu thì thấy cũng ngại, nhưng bây giờ quen rồi, không sao hết. Tụi em mắc đi biển, không có nhà, nhờ đội nữ lo dùm mấy người chết nên cũng tốt.”
Riêng anh Du, năm nay 26 tuổi, rất tán thành công việc từ thiện này của các chị em trong đội mai táng. Anh nói:
“Hồi đó nam làm không thôi, nhưng bây giờ nam phải đi làm biển, nên bây giờ đội nữ làm mạnh lắm, tốt. Nếu mình cảm thấy vợ con trong nhà rảnh công chuyện, mình cho đi làm xã hội, giúp đỡ cho bà con, có sao đâu.”
Bà Huỳnh Thị Cơ, năm nay 73 tuổi, thì cho biết rằng, trước đây, khi đội bắt đầu thành lập, nhiều người có thành kiến cũ, cứ cho là đàn bà không được phép làm những việc như thế, nhất là đụng tới chuyện ma chay. Nhưng nay thì cần phải xoá bỏ tư tưởng cũ, vì nếu không có đội mai táng nữ này thay thế cho cánh đàn ông đi biển thì biết lấy ai là lo chôn cất những người qua đời. Bà nói: “Tui già rồi, không có giúp đỡ gì được, cũng chỉ biết vận động cho các chị em đi làm nghĩa thôi vì đây là việc tốt mà.”
Là những phụ nữ miền biển, nghèo khổ, sống lam lũ cực nhọc với nghề cậy sò, khiêng sò, gánh nước mướn, ngày kiếm được vài ba cân gạo cho gia đình…Thế nhưng, họ lại giàu lòng nhân hậu.
Không nỡ nhìn thấy cảnh người chết nằm đó đôi ba ngày vẫn không có người lo chung sự, họ đã hy sinh và dám phá vỡ truyền thống cũ để đứng ra lo liệu cho người đã qua đời, giúp gia chủ qua cơn tang gia bối rối mà không hề đòi hỏi một bất cứ điều kiện nào. Thật là một nghĩa cử rất cao đẹp phải không thưa quí vị và các bạn? Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Cô Somaly Mam, người từng là nô lệ tình dục giải cứu các trẻ em trong nhà chứa ở Đông Nam Á
- Nữ vận động viên xe đạp địa hình của Việt Nam, cô Phan Thị Thùy Trang
- Tình trạng phụ nữ bị lạm dụng và xâm hại ở Á Châu
- Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam ở Berlin – Đức
- Trầm cảm vì bạo hành trong gia đình
- Hội thảo "Thay đổi Diện mạo của Châu Á: Phụ nữ là một Thế lực Chính trị"
- Ý kiến của nữ giới về đề nghị mức tuổi nghỉ hưu mới
- Hội chứng phụ nữ chụp hình “nude” ở TPHCM
- Chị Vũ Thị Quyên và trung tâm giáo dục thiên nhiên ở Việt Nam