Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ
2005.11.09
Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Tổng thống Hoa Kỳ vừa đề cử ông Ben Bernanke lên lãnh đạo hệ thống ngân hàng trung ương Mỹ FED, và hôm Thứ Hai, vài nguồn tin ngoài hành lang Phủ tổng thống cho biết là ông Bush cũng có thể sớm chỉ định thêm hai người làm Thống đốc cho Hội đồng Thống đốc của hệ thống này. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vai trò thống đốc và đặc điểm của Giáo sư Bernanke qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sau đây.
Ảnh hưởng đến cả thế giới
Hỏi: Sau khi Tổng thống George W. Bush đề cử ông Ben Bernanke vào chức vụ lãnh đạo hệ thống ngân hàng trung ương Hoa Kỳ thì từ hôm Thứ Hai, một số nguồn tin còn nói đến việc ông Bush sẽ bổ nhiệm thêm hai chức Thống đốc. Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, kỳ này chúng ta tìm hiểu về hệ thống ngân hàng trung ương và vai trò của người lãnh đạo hệ thống ấy. Câu hỏi đầu tiên là vì sao thế giới chú ý đến tin này và vì sao lại cần bổ nhiệm thêm hai vị thống đốc nữa?
Đáp: Thông thường thì việc chỉ định những người lãnh đạo hệ thống ngân hàng trung ương của một quốc gia chỉ liên hệ đến quốc gia ấy, nhưng vì ảnh hưởng của ngân hàng trung ương Mỹ đến luồng giao dịch toàn cầu và vì sức mạnh của kinh tế Mỹ đối với kinh tế thế giới nên việc Tổng thống Mỹ đề cử một Chủ tịch mới cho ngân hàng trung ương Mỹ mới được các thị trường lẫn truyền thông quốc tế, từ Âu sang Á, theo dõi và tường thuật từ mấy tuần nay.
Về câu hỏi vì sao lại bổ nhiệm thêm hai thống đốc thì trước tiên, xin nói về hệ thống ngân hàng trung ương, đó là cơ chế quyết định về chính sách tiền tệ và tín dụng của quốc gia; Việt Nam thì gọi "ngân hàng nhà nước", nhiều xứ khác gọi là "ngân hàng quốc gia". Tại Hoa Kỳ, đó là Hội đồng Dự trữ Liên bang, mà truyền thông quốc tế hay gọi tắt là "Fed".
Hệ thống này được điều khiển bởi một Hội đồng Thống đốc gồm bảy vị, trong đó một vị là Chủ tịch, hiện là ông Alan Greenspan, và đang thiếu hai người. Vì vậy dư luận hành lang của Phủ Tổng thống Mỹ mới cho là ông Bush có thể sớm điền khuyết vào Hội đồng Thống đốc hai vị có kinh nghiệm về ngân hàng và thị trường tài chính để bổ sung cho vị Chủ tịch mà Tổng thống Bush vừa đề cử hôm 24 tháng 10 vừa qua, là kinh tế gia Ben Bernanke.
Cơ chế của Quỹ dự trữ liên bang Hoa Kỳ
Hỏi: Bây giờ, ta hãy nói về hệ thống ngân hàng trung ương ấy, vì sao không gọi là "ngân hàng nhà nước"mà lại là Hội đồng Dữ trữ Liên bang?
Đáp : Đây là câu hỏi lý thú bất ngờ. Hoa Kỳ có ngân hàng tạm gọi là trung ương đầu tiên từ 1791, rồi theo đà phát triển của xã hội, một ngân hàng thứ nhì vào năm 1816. Trong giai đoạn tự do khá lâu, từ 1837 đến 1862, quốc gia này không có ngân hàng trung ương của nhà nước; từ 1862 đến 1913, họ có hệ thống ngân hàng rất tự do, chủ yếu do tư nhân lập ra để giải quyết việc điều tiết tiền tệ với nhau.
Đến cuối năm 1913 Hoa Kỳ mới có Hội đồng Dự trữ Liên bang, một cơ chế độc lập với cả Hành pháp và Lập pháp trong các quyết định về chính sách và cả ngân sách lẫn nguồn tài trợ.
Hỏi : Như vậy thì ngân hàng trung ương này không phải là công cụ của nhà nước hay sao?
Đáp : Về pháp lý thì Hoa Kỳ có một án lệ năm 1982 quy định rằng đây không là cơ quan liên bang của chính phủ mà là một cơ chế tư nhân. Nói sát nghĩa thì đây mới là "ngân hàng nhân dân" chứ không là "ngân hàng nhà nước", và khái niệm "ngân hàng trung ương" được hiểu là trung ương đối các ngân hàng khác, chứ không là ngân hàng của chính quyền trung ương.
Từ nhiều năm gần đây, thế giới bắt đầu chia sẻ quan niệm là nên có ngân hàng trung ương độc lập để khỏi là công cụ của đảng cầm quyền trong chính quyền ấy. Một thí dụ được dư luận Mỹ nhắc mãi là dù theo đảng Cộng hòa, ông Greenspan không hạ lãi suất khi kinh tế Mỹ bị suy trầm nhẹ năm 1991 khiến Tổng thống Cộng hòa là ông Bush cha thất cử năm 1992 vì lý do kinh tế.
Nếu là công cụ của chính quyền hay của đảng, ông Greenspan có thể chi phối chính sách kinh tế sao cho có lợi cho đảng cầm quyền mà có khi phương hại cho dân chúng. Với Việt Nam thì điều này còn là quá mới và nhiều người không tưởng tượng được là người dân có quyền có cơ chế điều tiết công việc của tập thể và độc lập với chính phủ, chính quyền hay nhà nước.
Hỏi : Nhân đây, xin hỏi ông về tổ chức và trách nhiệm của cơ chế độc lập này.
Đáp : Cơ chế này được thành lập từ một Đạo luật của Quốc hội Mỹ năm 1913, với nhiều văn kiện bổ sung về sau, chủ yếu là để khỏi bị Hành pháp chi phối. Bảy vị Thống đốc được Tổng thống bổ nhiệm cho một nhiệm kỳ là 14 năm, lâu hơn thời gian cầm quyền của một vị tổng thống nên không bị tổng thống chi phối, và việc bổ nhiệm phải được Thượng viện đồng ý.
Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ điều trần mỗi năm hai lần trước Thượng viện và Hạ viện, tức là một năm giải trình trước quốc dân bốn lần về những vấn đề liên hệ đến kinh tế tài chính quốc gia.
Vai trò và trách nhiệm của FED
Hỏi : Nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng trung ương này là gì?
Đáp : Chính thức là đảm bảo sự ổn định tiền tệ, là giá trị đồng bạc, để phát triển kinh tế. Cụ thể thì thanh tra và kiểm soát các ngân hàng; quyết định và thi hành chính sách tiền tệ và tín dụng qua các nghiệp vụ mua bán tài chính, gọi là "thị trường mở"; ấn định hai loại lãi suất ngắn hạn có khả năng điều tiết khối lượng và sự vận hành tiền tệ; bảo vệ hệ thống thanh toán lành mạnh của các ngân hàng và kiểm soát số lượng tiền tệ phát hành hay thu hồi trên thị trường. Ngoài ra, ngân hàng trung ương này cũng còn nhiệm vụ nghiên cứu, quảng bá và giáo dục về kinh tế cho quốc dân.
Hỏi : Một câu hỏi hơi chuyên môn, ngân hàng trung ương này điều tiết khối tiền tệ ấy ra sao?
Đáp : Chúng ta biết là các ngân hàng đều phải có một số dự trữ pháp định bắt buộc so với số lượng tiền ký thác, số dự trữ ấy có thể cao hay thấp hơn yêu cầu và nếu thiếu thì nhất thời phải vay nhau để bổ sung. Hội đồng Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định về lãi suất vay nhau trong ngắn hạn ấy, gọi tắt là lãi suất "liên ngân hàng" hoặc "lãi suất qua đêm".
Ngoài ra, các ngân hàng thiếu thanh khoản hay tiền mặt, để cho vay ra chẳng hạn, còn có thể đem thế chấp công khố phiếu với các ngân hàng dự trữ ở địa phương để lấy tiền mặt. Hội đồng Dự trữ Liên bang có thể quyết định về lãi suất thế chấp ấy nhằm điều tiết số lượng tiền bạc lưu hành trong kinh tế.
Hỏi : Thế ai là người quyết định về hai mức lãi suất ấy?
Đáp : Cơ chế điều chỉnh hai loại lãi suất ngắn hạn này là Ủy ban Thị trường mở Liên bang FOMC, là một ủy ban tiền tệ và tín dụng dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hội đồng Thống đốc gồm có các vị thống đốc, và năm đại biểu luân phiên trong số 12 vị chỉ huy 12 Ngân hàng Dự trữ địa phương. Ủy ban này họp một năm tám lần để duyệt xét tình hình kinh tế và quyết định về lãi suất.
Từ mức lãi suất ấy các ngân hàng tư nhân mới tính thêm, chừng 3%, ra lãi suất cơ bản cho các thân chủ ưu đãi nhất vì an toàn nhất. Mức lãi suất tối thiểu này vì vậy chi phối khối tiền tệ lưu hành trên thị trường. Muốn bơm thêm tiền thì người ta hạ lãi suất, muốn giảm bớt số tiền lưu hành thì người ta nâng lãi suất.
Hỏi : Chỉ qua hai khí cụ ấy mà người ta chi phối được sinh hoạt kinh tế của toàn quốc sao?
Đáp : Dạ, không những toàn quốc mà còn toàn cầu nữa. Thế giới có ba hệ thống ngân hàng trung ương lớn nhất là của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu châu. Vì bị suy trầm quá lâu, ngân hàng trung ương Nhật hầu như để nguyên lãi suất ở mức thấp nhất, thực tế là 0%; bên kia, vì áp lực chính trị của nhiều hội viên, Ngân hàng Trung ương Âu châu hiện vẫn giữ lãi suất ở mức 2% trong khi ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất trước sau 11 lần kể từ tháng Sáu năm ngoái.
Ngân hàng trung ương Mỹ thực sự chi phối lượng tài chính và sinh hoạt kinh tế toàn cầu và vị chủ tịch hệ thống này là người có ảnh hưởng toàn cầu không kém gì tổng thống Mỹ. Vì vậy, việc vị Chủ tịch vừa được đề cử khiến dư luận toàn cầu chú ý và tìm hiểu, thị trường cổ phiếu Mỹ đã tăng vọt khi Tổng thống Bush thông báo việc bổ nhiệm người thay thế ông Greenspan.
Tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ
Hỏi : Bây giờ ta mới nói đến người sẽ kế vị ông Greenspan trong vị trí quá quan trọng này?
Đáp : Ông Ben Bernanke đến tháng tới mới tròn 52 tuổi, tức là rất trẻ, nhưng đã có một sự nghiệp khá dày. Ông tốt nghiệp Harvard năm 75 và MIT năm 79, là nhà kinh tế coi là có thẩm quyền nhất về môn kinh tế tiền tệ; về uy tín có lẽ chỉ kém vị giáo chủ của môn này là Milton Friedman năm nay đã 93 tuổi.
Ông Bernanke dạy kinh tế tại hai trường nổi tiếng là Standford và Princeton, là trưởng khoa kinh tế tại Princeton cho đến khi được ông Bush bổ nhiệm làm Thống đốc năm 2002. Tháng Sáu năm nay, ông được mời làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế cho Tổng thống và năm tháng sau thì được chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc.
Hỏi : Ông Bernanke này có những đặc điểm gì khiến các thị trường chú ý?
Đáp : Không những chú ý mà còn tìm hiểu về từng chi tiết như lý luận kinh tế, tài sản, đặc điểm về đầu tư mà ta không có thời giờ phân tách dù rât thú vị; rồi còn sách kinh tế ông đã soạn, các bài diễn văn hay phát biểu ông đã viết.
Người ta đặc biệt để ý đến lý luận của ông từ năm 1992 về vai trò của khối lượng tín dụng, từ năm 2002 về nguy cơ giảm phát và yêu cầu bơm tiền vào kinh tế để tránh nạn suy trầm, hoặc về vấn đề đang gây sôi nổi trong dư luận là hiện tượng "tiết kiệm thừa" trên thế giới mới giải thích nạn khiếm hụt cán cân vãng lai của Mỹ.
Đáng quan tâm nhất, Giáo sư Bernanke cũng là người đề xướng ra việc xác định một "tiêu chí lạm phát" để định hướng chính sách tiền tệ của một ngân hàng trung ương. Nói chung, người ta yên tâm và hài lòng về kiến thức kinh tế của ông ta, chỉ còn chờ xem ông Bernanke này có kinh nghiệm hay khả năng ứng phó khi ở vào vị trí cực kỳ quan trọng và phải gây được niềm tin cho quần chúng và thị trường hay không.
Hỏi : Riêng ông thì ông phân tách thế nào?
Đáp : Nói chung, ai làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc cũng phải qua một thời kỳ gọi là thử lửa, như các vị tiền nhiệm là Greenspan hay Volcker, qua một số biến động đột ngột trên thị trường. Nếu bình tĩnh vượt qua những thử thách này thì sẽ tranh thủ được niềm tin của thị trường.
Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng khả quan nhưng cũng có vấn đề là nạn bội chi ngân sách và có rủi ro là việc giá nhà tăng quá cao nên có thể sẽ sụt như một trái bóng đầu cơ, trong khi lãi suất vẫn được nâng một cách tiệm tiến để phòng ngừa lạm phát. Một số người e ngại là ông Bernanke quá chú trọng đến tăng trưởng mà sẽ không riết ráo chặn đầu lạm phát; ngược lại cũng có người cho là ông sẽ không làm cho trái bóng đầu cơ địa ốc bị vỡ trong thời gian tới.
Hỏi : Nếu có thể dự đoán, ông nghĩ sao về tình hình tương lai dưới sự lèo lái của Thống đốc Bernanke?
Đáp : Tôi thiển nghĩ rằng ông Bernanke chủ trương là ngân hàng trung ương phải hết sức cảnh giác về vật giá nhưng không nên can thiệp vào thị trường tài sản để châm cho xì các trái bóng đầu tư, như cổ phiếu hay địa ốc. Vì vậy, nếu được phê chuẩn để điều khiển hệ thống ngân hàng trung ương từ mgày một tháng Hai năm tới, ông Bernanke sẽ giữ chính sách hiện tại nhưng trình bày có khi rõ ràng hơn dù không duyên dáng hay uyên áo như ông Greenspan.
Cụ thể thì lãi suất Mỹ sẽ còn tăng một cách tiệm tiến nên đô la Mỹ sẽ còn lên giá ít ra từ nay đến cuối năm tới. Nếu có triệu chứng đình trệ thì phải vào cuối năm 2006 ta mới thấy hạ lãi suất. Trong khi ấy, thị trường địa ốc tại Mỹ thực ra không bị nóng như dư luận lo ngại mà còn là nguồn thịnh vượng vì kích thích tiêu thụ qua tới năm sau.
Vị Chủ tịch mới sẽ không làm bể trái bóng này mà còn có biện pháp ứng phó nếu chu kỳ tăng giá bắt đầu chững lại, kể từ giữa năm tới trở đi. Ngoài ra, tương lai không hề định trước nên chẳng ai biết trước được mọi sự!
Các tin, bài liên quan
- Chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước của chính phủ Việt Nam
- Việt Nam trong Trật tự Trung Quốc
- Việt Nam có thể chia sẻ những kinh nghiệm và cần học hỏi những gì từ các nước khác?
- Đầu cơ Nhà đất tại Việt Nam
- Mẫu mực Trung Quốc
- Kinh tế Hoa Kỳ Bất trắc (tt)
- Kinh tế Hoa Kỳ Bất trắc
- Các công ty trong và ngoài nước trở lại đầu tư vào Dung Quất
- Những khó khăn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập WTO
- Ngân Hàng Á Châu và Western Union mở dịch vụ chuyển tiền tận nhà miễn phí trên toàn quốc
- Liệu Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập WTO?
- Indonesia: Trợ giá và Khủng bố
- Lần đầu tiên liên doanh 6 công ty cổ phần xây dựng Nhà Máy Nước Thủ Đức
- Nhận xét của Phó chủ tịch nhóm doanh gia Anh quốc ở VN về quyết định cổ phần hóa Vietcombank
- Thở ra tham nhũng
- Mức lương tối thiểu tăng không theo kịp vật giá thị trường
- Bầu cử và Cải cách Kinh tế
- RFA phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh về tiến độ phát triển của Việt Nam
- Việt Nam cần nổ lực hơn trong công tác xoá đói giảm nghèo
- Việt Nam là một trong 12 nước cải tổ nhanh nhất trong năm qua
- Thuyền nhân và Bão lụt
- Phỏng vấn ông Arunabha Ghosh của UNDP về tình hình phát triển tại Việt Nam
- Việt Nam khó có thể gia nhập WTO vào cuối năm nay
- Hiệu ứng Katrina
- Phỏng vấn Quyền Phó Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội về đàm phán song phương việc gia nhập WTO của Việt Nam