Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các tỉnh thành phải có biện pháp dự trữ háng hoá phục vụ Tết Nguyên Đán. Liệu TP.HCM đông dân nhất nước và có thị trường tiêu thụ cũng lớn nhất nước có đảm bảo được nguồn thực phẩm và kiểm soát được giá cả trong thời gian cuối năm hay không?

Giá cả leo thang trước dịp Lễ, Tết
Mùng một Tết Nguyên Đán Mậu Tý nhằm ngày 7 tháng 2 dương lịch 2008. Thị trường hàng hoá sẽ phải chuẩn bị ngay từ lúc này, không bao lâu nữa mùa mua sắm cho dịp Tết sẽ bắt đầu, đó là chưa kể việc thị trường sẽ chuyển động trước đối với mùa Giáng Sinh và năm mới dương lịch.
Hai tháng cuối năm âm lịch, thị trường đang trải qua cơn bão giá, từ lương thực thực phẩm cho tới mọi loại nhu yếu phẩm đều tăng giá, đó là chưa kể tới giá dịch vụ vận tải cho hành khách cũng như hàng hoá, hoặc những sản phẩm đặc biệt như vật liệu xây dựng, sắt thép các loại.
Một bà nội trợ ở TP.HCM than thở về tình trạng giá cả leo thang: "Kinh khiếp lắm. Chưa bao giờ có tình trạng tiền mất giá mà giá cả tăng vù vù như thế! Thí dụ như mọi khi đi chợ 50 ngàn thì bây giờ ít nhất phải mất 70 tới 80 ngàn mà vẫn cứ thức ăn như thế thực đơn như thế. Các thứ đều tăng, gas tăng khủng khiếp trong tương lai điện cũng sẽ tăng giá. Rau muống mọi khi 2 ngàn bây giờ phải 3 ngàn thì mới bằng lúc trước, nhiều cái lên 30% tới 50% tuỳ loại. Phải nói ngừơi dân bây giờ khốn đốn, những gia đình nào có hai ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn đang đi học thì méo mặt hết trơn."
Nguồn thịt dự trữ của TP.HCM được mô tả là khá dồi dào với hơn 1 triệu con gà và vịt tương đương 2 ngàn tấn thịt, thịt heo bảo đảm đưa ra thị trường 200 tấn mỗi ngày trong 10 ngày trứơc Tết. Đó là chưa kể đến gạo tẻ và nếp, rau quả, tôm cá thuỷ hải sản, lạp xưởng, giò chả, đường ăn, bia rượu đủ loại.
Sẽ còn tiếp tục tăng cao?
Tuy nhiên chuyên gia thị trường cho rằng hàng hoá có thể tăng từ 40 tới 50% so với hiện nay, đặc biệt là sau ngày 1/1/2008 là đợt tăng lương của công nhân viên chức
Ông Phạm Văn Minh Giám đốc công ty Phú An Sinh một trong ba nhà cung cấp thịt gia cầm lớn nhất TP.HCM tỏ ra quan tâm về chiều hướng giá cả khó kiềm chế trong mùa lễ Tết sắp tới: "Theo tôi nghĩ đến cuối năm thì dù có cố gắng bình ổn giá tới mức nào thì cũng sẽ phải chấp nhận đột biến giá ở mức cao…"
Thực tế trong hai tuần đầu tháng 12/ 2007, sức mua của người tiêu thụ được ghi nhận là giảm nhiều do giá cả tăng vượt sức chịu đựng của họ. Bữa ăn của nhiều gia đình có thu nhập nhất định đã phải điều chỉnh lại theo kiểu ‘ khéo ăn thì no khéo co thì ấm’.
Người nội trợ TP.HCM cho biết thực tế đời sống hàng ngày: "Vâng vẫn phải ăn nhưng người ăn rụt rè đi nhiều lắm. Ngừơi dân người ta cũng chuẩn bị sẵn tư thế tự bóp hầu bóp miệng lại chứ tiền đâu mà theo kịp."
Khi người tiêu dùng điều chỉnh mức tiêu xài của mình, có thể hiểu là sức mua đang giảm. Báo Tuổi trẻ Online ngày 11/12 ghi nhận tình trạng giá tăng quá cao, nhiều bà nội trợ không dám ghé hàng thịt.
Điều này được Ban Quản lý chợ đầu mối Phạm Văn Hai xác nhận, giá thịt heo quá đắt làm lượng hàng bán trong ngày quá chậm. Ở chợ này lần đầu tiên xảy ra tình trạng cuối buổi chợ phải bán giá heo mảnh bằng giá heo hơi.
Nhưng câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tình trạng giảm sức mua này sẽ kéo dài được bao lâu, khi mà mặt bằng giá mới đã thực sự hình thành và mùa lễ Tết không còn bao xa.