Tình hình tôn giáo tại Việt Nam theo phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
2007.09.15
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Hôm thứ Sáu 9-14, Bộ Ngọai giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình hàng năm về tự do tôn giáo trên thế giới, mạnh mẽ chỉ trích hành động đàn áp tôn giáo tiếp diễn tại những nước như Trung Quốc, Miến Điện, Bắc Hàn. Thế còn Việt Nam thì sao ? Dựa theo bản phúc trình và buổi họp báo của Đặc sứ Hoa Kỳ về tự do tôn giáo thế giới, Thanh Quang trình bày các chi tiết sau đây:
Nhiều cải thiện trong năm qua
Bản Phúc Trình Hằng Năm Về Tự Do Tôn Giáo Trên Thế Giới năm 2007 của Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ nhìn nhận Việt Nam có cải thiện về tự do tôn giáo, thực hiện pháp lệnh tôn giáo, cho mở cửa lại những nhà nguyện bị đóng trước đây, và cho đăng ký nhiều Giáo Hội mới.
Lên tiếng tại Washington nhân cuộc họp báo phổ biến bản phúc trình này, ông John Hanford, Đặc sứ Hoa Kỳ về tự do tôn giáo tòan cầu, cho biết: “Việt Nam vẫn tiếp tục khuynh hướng tiến bộ về tự do tôn giáo tuy có chậm chạp. Và Hoa Kỳ hy vọng Việt Nam sẽ trở lại nhịp độ nhanh chóng hơn.”
Nhiều giáo hội bị ngăn cấm
Theo bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì chính phủ Việt Nam đã xúc tiến việc thực hiện Pháp lệnh tôn giáo, cho đăng ký nhiều giáo hội mới. Nói chung người dân được hành đạo tự do hơn. Kinh tế khá hơn cũng tạo thuận lợi cho việc phát triển tôn giáo…
Tuy nhiên, Đặc sứ Hanford cho biết Việt Nam còn nhiều việc cần phải làm trong lãnh vực này. Ông Hanford nói: “Hiện ở Việt Nam vẫn còn nhiều tổ chức tôn giáo bị ngăn cấm, nhiều lãnh tụ tôn giáo bị quản chế tại gia…”
Vẫn còn một số trở ngại
Theo bản phúc trình của Bộ Ngọai giao Mỹ, thì tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều trở ngại, kể cả tình trạng trì chậm, thậm chí bế tắc, trong việc chính quyền cho giáo hội đăng ký hoạt động, nhất là những giáo hội Tin Lành ở Miền Bắc và tại vùng Tây Nguyên, trong khi những thủ tục và quy định pháp lý cho việc đăng ký này cũng bất nhất giữa các địa phương.
Khó khăn trong việc thiết lập các Chủng Viện Công Giáo hay trong việc tổ chức những khóa đào tạo Mục Sư Tin Lành cũng được nhắc tới trong bản Phúc trình, cùng việc đòi lại nhưng bất thành số đất đai, tài sản của nhiều giáo Hội.
Tại nhiều nơi, chính quyền địa phương xem chừng như không tích cực hay không tôn trọng việc thực hiện khung pháp lý về tôn giáo.
Vẫn theo bản phúc trình, thì chính phủ Việt Nam ra sức ngăn cấm các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và nhất quyết không công nhận giáo hội này, trong khi Nhà nước tiếp tục duy trì vai trò giám sát các Giáo hội quốc doanh.
Trong khi hai vị lãnh đạo GHPGVNTH là Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang và Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, tiếp tục bị quản thúc tại Chùa, thì các lãnh tụ địa phương của Giáo Hội PGVNTN tiếp tục bị nhiều áp lực.
Việt Nam đang chuyển hướng?
Nhiều tổ chức tôn giáo bị hạn chế gay gắt khi họ tham gia những hoạt động bị giới cầm quyền xem là nhằm mục tiêu chính trị hay lật đổ chính quyền.
Bản Phúc trình cho biết thêm rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục ngăn cấm Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy, trong khi bỏ tù và buộc một số tu sĩ Phật Giáo sắc tộc Khmer hòan tục vì có liên hệ những hoạt động bị xem là chống chính phủ.
Một số tu sĩ chức sắc, kể cả Linh mục Nguyễn Văn Lý, bị án tù hà khắc vì bất đồng chính kiến. Trong khi đó chính phủ luôn kiểm soát và theo dõi chặt chẽ mọi hình thức hội họp, nhất là hội họp về tôn giáo.
Nhà nước buộc tất cả họat động in ấn cho mục đích tôn giáo phải qua Cơ sở Nhà xuất bản tôn giáo của chính phủ, và mọi sự đi lại cho mục tiêu tôn giáo phải được chính quyền chấp nhận.
Mặc dù vào lúc Bản phúc trình này được công bố thì có những nguồn tin cho biết tình trạng vi phạm tự do tôn giáo có phần sụt giảm tại Việt Nam, nhưng nhiều tín đồ tiếp tục bị hành hung hay bị đàn áp vì họ sinh hoạt tôn giáo mà không có sự chuẩn thuận của giới cầm quyền.
Trong một số trường hợp, vẫn theo bản Phúc trình, các quan chức địa phương đàn áp tín đồ Tin Lành ở Tây Nguyên và buộc họ không được quy tụ hành lễ, những giáo hội tại gia bị đóng cửa, một số tín đồ bị buộc bỏ đạo.
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan việc Uỷ ban của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo trên toàn thế giới hồi tháng năm đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách những nước cần được lưu ý về tự do tôn giáo, đặc sứ John Hanford nói:
“Trong hai muơi năm ở nhiệm vụ này tôi chưa từng thấy một nước nào trên thế giới chuyển hướng ngược hẳn lại nhanh chóng như vậy về tự do tôn giáo trong khi vẫn tiến vững chắc trong khuynh hướng chính trị, không hoàn toàn thay đổi chế độ chính trị.”
Vẫn theo ông Hanford thì Việt Nam đã chuyển hướng và bỏ hẳn nhiều hành động đàn áp tôn giáo chỉ trong 2 năm trời dù không thay đổi chế độ, và người ta khó thấy sự chuyển đổi như thế ngay cả trong những nước có thay đổi chính trị.
Ông Hanford cho biết ông tin rằng tình hình đó là do những quyết định từ cấp cao nhất.
Đặc sứ của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo kết luận, dù sao thì Việt Nam cũng còn những hạn chế về tự do tôn giáo, nhưng đã giải quyết được những vấn đề nặng nề, đã vượt qua được những điều kiện để tránh bị đưa vào danh sách CPC. Họ đã thực hiện được những bằng chứng về tự do tôn giáo.
Thanh Quang tường trình từ Washington DC.
Các tin, bài liên quan
- Hoa Kỳ: tự do tôn giáo tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện
- Đặc sứ về tôn giáo của Hoa Kỳ John Hanford nói về tình trạng tôn giáo tại Việt Nam
- Hội thảo về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam tổ chức tại Canada
- Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo kêu gọi quan tâm đến những người đồng đạo còn đang bị cầm tù
- Việt Nam gia tăng đàn áp Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Tuý
- Thuyết trình về tình hình nhân quyền ở Việt Nam tại Hạ viện Hoa Kỳ
- Ý kiến của một số người Việt hải ngoại về việc Việt Nam bị đề nghị đặt trở lại danh sách CPC
- Phản ứng của Tín đồ các Tôn giáo trong nước về đề nghị đưa VN vào lại danh sách CPC
- Việt Nam bị đề nghị đặt trở lại vào danh sách CPC