Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam nhậm chức mới được 6 tháng nhưng dư luận về cách làm việc của ông có nhiều tiếng khen hơn là chê. Tuy nhiên theo nhận xét của một số nhân vật có liên quan đến ông, thì phía sau những thành tựu mà ông thu được vẫn còn những mặt bất cập mà nếu không quyết đoán sẽ khó lòng vượt qua. Mặc Lâm trình bày vấn đề như sau mời quý thính giả theo dõi.

Kể từ phiên trả lời chất vấn trước quốc hội để nhậm chức Thủ Tướng cho tới nay vừa tròn sáu tháng, trong sáu tháng đầu đầy thử thách này Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra có quyết tâm vượt khó để mang nhiều thành tựu về cho đất nước, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế.
Ông Ernest Bower, một chuyên gia kinh tế đang giữ vai trò cố vấn cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong một cuộc phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do đã có những nhận định về Thủ Tướng Dũng như sau:
“Trong những bước đầu ông Dũng thực hiện được một số việc cho nền kinh tế Việt Nam chẳng hạn như gia tăng thu hút vốn đầu tư ngoại quốc, bao gồm đầu tư trực tiếp và đầu tư chứng khoán. Những kế hoạch chống tham nhũng của ông cũng có dấu hiệu khích lệ.
Ông còn chủ động cải tổ hệ thống giáo dục thông qua việc đề cử một bộ trưởng giáo dục mới. Cải tổ hệ thống hành chính cho minh bạch hơn là những việc mà bước đầu ông tạo cho dư luận thấy hy vọng vào một sự lãnh đạo mới.”
Vẫn còn nhiều bế tắc
Khó ai chối cãi được những thành tựu này mặc dù cho tới nay không ai dám chắc nền kinh tế của Việt Nam có thoát khỏi những áp lực của thời mới hội nhập hay không.
Ở một khía cạnh khác là chống tham nhũng, mặc dù Thủ Tướng Việt Nam cố gắng kêu gọi cả nước tham gia cũng như thành lập hẳn một bộ phận chuyên về việc này nhưng những vụ nổi cộm vẫn còn bế tắc không thể giải quyết.
Những bế tắc này xuất hiện song song với việc bất tuân thượng lệnh của nhiều cơ quan chính phủ cấp bộ đã làm ông Dũng không hài lòng.
Điển hình cho việc này là mới đây, thủ thướng chính phủ đã ra một công văn trách cứ nhiều bộ và ban ngành của chính phủ đã bỏ không tham dự phiên họp Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm do chính văn phòng Thủ Tướng tổ chức.
Việc xem thường này được Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh, cố vấn bộ Kế hoạch-Đầu tư, nói với báo chí rằng những vị bộ trưởng sau lưng Thủ Tướng Dũng quá mờ nhạt và không đồng bộ với Thủ Tướng.
Nhận xét trên cũng được ông Bower chia sẻ khi ông nói rằng dư luận tại Hà Nội cho rằng Thủ tướng Dũng không hài lòng lắm với nội các hiện tại vì đây là nội các có từ thời Thủ Tướng Phan Văn Khải, có thể là chưa đồng bộ giữa hai phía.
Nhận xét của sử gia Dương Trung Quốc
Để tìm hiểu thêm những điều gì đó còn tồn tại ngoài những nhận xét của Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh, chúng tôi liên lạc với nhà sử học và cũng là đại biểu quốc hội Việt Nam là ông Dương Trung Quốc và được ông cho biết:
"Tôi cũng chia sẻ phần nào với cách nhìn của anh Doanh nhưng mới hai trăm ngày thôi, hơn nữa cái nội các mà quốc hội vừa rồi chỉ bổ sung thay đổi vài người thôi chắc phải chờ đến tháng 7 tới khi quốc hội bầu lại thì mới có một nội các hoàn chỉnh được.
Bạn nghĩ gì về thành quả 6 tháng đầu nhiệm kỳ của Thủ tuớng VN Nguyễn Tấn Dũng? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org
Hơn nữa theo quy chế của Việt Nam khác với nhiều nước trên thế giới là nội các không do Thủ Tướng chỉ định mà là do sự sắp xếp ở bên đảng nên tôi nghĩ đòi hỏi sự đồng bộ ngay lập tức là hết sức khó. Tôi và rất nhiều người có chứng kiền hình ảnh của ông Dũng khi ra trả lời Quốc hội chất vấn với tư cách thủ tướng.
Trước đó ông cũng đã ra trả lời trước quốc hội nhưng lần này ông đã chứng tỏ mình hiểu biết vấn đề và rất tự tin với phong thái đĩnh đạc và cách trả lời đàng hoàng, chứng tỏ nắm được nhiều vấn đề mà trong nước người ta gọi là thuộc bài.
Ông đã gây ấn tượng cho nhiều người về năng lực của mình. Tôi có chia sẻ với ông Doanh lẽ ra những câu hỏi này phải được các bộ trưởng trả lời chứ không phải là phần hành của Thủ Tướng".
Những ghi nhận vừa qua có thể hé lộ một phần nào hệ thống điều hành guồng máy chính phủ tại Việt Nam từ trước đến nay. Những hé mở này cũng chỉ ra rằng chế độ độc đảng tại Việt Nam vẫn tỏ ra đủ mạnh để khống chế bất cứ một cá nhân nào muốn thoát ra mạng lưới vẫn còn tỏ ra hữu hiệu của nó.