Chuyện quanh chiếc huy chương vàng đầu tiên của Việt Nam tại Asian Games


2006.12.07

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Hôm qua, đội tuyển cầu mây Việt Nam đăng quang, chiếm chiếc huy chương vàng đầu tiên cho quốc gia trong cuộc tranh tài thể thao ASIAD 15 ở Doha. Từ một góc của sân vận động Al-Sadd, Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi gửi về tường trình sau đây.

Có 5 câu hỏi quan trọng được đặt ra cho bất kỳ một cuộc tranh tài thể thao nào của thế giới. Thứ nhất, đoạt huy chương có khó không? Câu trả lời: rất khó. Thứ nhì: chiếm huy vàng có khó không? Xin thưa ngay khó gấp trăm lần.

DohaGameVietnamGold200.jpg
Hôm 6-12-2006, đội tuyển cầu mây Việt Nam đăng quang, chiếm chiếc huy chương vàng đầu tiên cho quốc gia trong cuộc tranh tài thể thao ASIAD 15 ở Doha. AFP PHOTO

Thứ ba: thế thắng đội tuyển vô địch thế giới để chiếm huy chương vàng khó đến mức nào? Câu trả lời: khó cả gấp triệu lần. Thứ tư: điều này có thường xảy ra không? Xin thưa: rất hiếm, hiếm đến độ nhiều thập kỷ sau mọi người vẫn nhắc tới.

Câu hỏi thứ năm: lần mới nhất một đội vô địch thế giới phải ngậm ngùi nhường chiếc huy chương cao quý nhất cho một nước khác xảy ra vào lúc nào? Xin thưa: xảy ra tối hôm qua, trên sân vận động Al- Sadd của DOHA, khi tuyển cầu mây nữ của Việt Nam thắng đội vô địch thê giới Thái Lan 2-1 trong trận chung kết.

Bất ngờ cho tất cả

Tôi là một trong khoảng hơn 100 người Việt có mặt tại chỗ để theo dõi trận cầu, và phải thú thật, chính tôi cũng không ngờ mình sẽ là chứng nhân của một trận tranh tài thể thao lịch sử.

Trước mặt tôi là các nữ tướng áo đỏ của Việt Nam ra sân với phần thua nhiều hơn phần thắng, trong khi các cầu thủ Thái Lan ra sân với ít nhất một nửa tấm huy chương vàng cầm sẵn trong tay.

Cũng phải thưa thêm là trước khi trận chung kết bắt đầu, tôi tự nhủ với chính mình "kết quả không quan trọng. Thắng sẽ vinh quang, nhưng có bại cũng vẫn anh hùng".

Gặp tôi, ông Hoàng Khả Luân, Phó Trưởng Đoàn Thể Thao Việt Nam, đưa tay bắt, ngỏ lời cám ơn sau khi nghe một nhà báo khác giới thiệu tôi từ Mỹ, đi nửa vòng trái đất đến đây và đang làm việc cho Đài Á Châu Tự Do. Ông bảo "khó khăn lắm anh ạ. Vất vả lắm mình mới vào được đến đây".

Vượt qua các nhà vô địch thế giới

Vất vả thật. Vất vả không ngờ. Đối thủ của Việt Nam tối nay là những cô gái Thái đương kim vô địch thế giới, những khuôn mặt, những tên tuổi nổi bật và quen thuộc với tất cả mọi người yêu chuộng môn thể thao mang tên cầu mây.

Sahattiya Faksra, Areerat Takan, hay Buonthong Chotika đã từng giết chết đóm lửa hy vọng của Việt Nam trong những kỳ tranh tài trước đây.

Ông Luân nhắc tôi "đừng quên, đây không phải lần đầu tiên đoàn quân Việt Nam vào được đến chung kết" và nói như anh Lãnh đội Nguyễn Xuân Hạnh thì hầu như bao giờ "chướng ngại cuối cùng đã trở thành quen thuộc" vẫn là đội tuyển của Vương Quốc Thái, của Xứ Chùa Vàng.

Trận đấu khởi sự. Các cô gái Thái Lan mở ngay cuộc tấn công, những nữ tướng của Việt Nam nhất định không chịu lép vế. Regu một kết thúc với phần thắng nghiêng về đội nhà sau sec thi đấu tie-breaker.

Chưa kịp mừng thì cô Sao, một tiếp viên phi hành của hãng Quatar Airways ghé vào tai nói nhỏ: "anh à, em nghe bảo bao giờ mình cũng thắng ván đầu, nhưng nó không tha cho mình đâu".

Không tha cho mình đâu!!! Câu nói báo trước kết quả của regu thứ hai, khi đoàn quân Xứ Thái làm chủ tình hình để cân bằng tỷ số. Rõ ràng hai regu của họ tài nghệ ngang nhau, trong khi các regu của Việt Nam có phần chênh lệch, đúng như lời báo động của ông Phó Trưởng Đoàn.

Những cô gái làm nên kỳ tích

Chợt nhớ đến lời cô đội trưởng Nguyễn Thịnh Thu Ba kể lại toàn đội bỏ ra cả năm trời tập dượt, chẳng lẽ cuối cùng vẫn mãi mãi là kết quả buồn thảm hay sao?

Regu thứ ba quyết định thắng bại cho hai đội -hay nói đúng hơn là cho hai quốc gia- bắt đầu. Cũng vẫn Thái Lan thắng dễ ở séc 1, vẫn Việt Nam mãnh liệt vùng lên cân bằng tỷ số ở sec 2, để vào đấu tie-brake.

Trận tie-brake khiến cả cầu trường nín thở vì hai bên theo sát nhau ở những điểm đầu, trước khi các nữ tuyển thủ của Việt Nam bứt đi, thắng liên tiếp 7 điểm để dẫn trước 10-5. Chỉ còn 5 điểm nữa thôi, chúng ta sẽ chiến thắng. Mức đến đã ở trước mặt và rất gần kề.

Gần thì rất gần, nhưng xa cũng rất xa. Đương kim vô địch Thái Lan đâu chịu nhường bước, quyết định thay cầu thủ, đội Việt Nam có lẽ bị sức ép tâm lý đè nặng nên bắt đầu thi đấu có phần nao núng.

Những quả giao cầu của Nguyễn Thị Thúy An đua nhau dính lưới, đôi chân vàng của Thu Ba cũng vậy, không ghi thêm được điểm nào cho đội nhà. Cách biệt ngắn dần, chúng ta chỉ còn dẫn có 2 điểm.

Hai huấn luyện viên Hà Tùng Lập và Hoàng Hữu Nghĩa cùng nhau la to "bình tĩnh lại, bình tĩnh lại". Hình như đó không phải là lời dặn dò riêng cho các chiếc áo đỏ trên sân, mà chính là lời nhắn gửi cho tất cả những người đang có mặt trong sân, cho những trái tim Việt Nam dường như đang ngưng đập.

Lỗi lầm của Thái giúp Việt Nam đưa điểm lên thành 13-11. Thái Lan cố gắng lật ngược thế cờ với cú dứt của Nisa Thanaattawut. Nguyễn Bạch Vân dùng đầu đỡ, giơ chân phát cầu thật cao cho Thu Ba để cô đội trưởng tung cú sút dứt điểm.

Tỷ số bây giờ là 14-11 và chúng ta có cầu. Bạch Vân cắn chặt môi tung cầu cho Thúy An. Quả giao cầu nẩy lửa kết thúc trận đấu, mang chiến thắng về cho đội nhà.

Tất cả cầu thủ Việt và đoàn huấn luyện viên chạy ra giữa sân ôm nhau reo hò mừng rỡ, cùng với những giọt nước mắt tuôn rơi vì sung sướng.

Niềm vui lớn của mọi người Việt Nam

Chúng ta đã thành công. Giấc mơ đã trở thành sự thật. Cô Nguyễn Hải Thảo bảo với tôi toàn đội đã bỏ ra biết bao nhiêu công sức mới có được ngày này.

Thế bây giờ đã toại nguyện, liệu Hải Thảo có ước mơ riêng tư nào không? Cô thẹn thùng trả lời đây chỉ là bước đầu cho một chuỗi ước mơ, với hy vọng sẽ cùng đồng đội tạo thêm những chiến thắng mới.

Gặp lại cô đội trưởng Thu Ba sau cuộc họp báo, tôi hỏi đùa chiếm được huy chương vàng rồi, liệu có tính đến chuyện lập gia đình hay chưa??? Cô gái mà tôi chọn là "người có nụ cười tươi nhất ở ASIAD 15" bảo đó là chuyện vẫn còn khá... xa vời.

Riêng với Nguyễn Thị Thu Hiền, điều trước mắt là gọi điện thoại về Việt Nam báo tin cho bố mẹ biết là đã đạt được ước mơ cả nhà đã cùng ấp ủ bao nhiêu năm qua.

Tôi chia tay với đội tuyển vừa nhận huy chương vàng ASIAN GAMES 2006. Vừa cất bước đi, tôi chợt nhớ đến người bạn Giang Hữu Tuyên và câu thơ anh thường đọc: "Tôi vui với ngày vui lớn của quê hương" . Nếu được anh cho phép sửa vài chữ, tôi sẽ sửa như thế này: "Chúng ta đang vui với ngày vui lớn của quê hương".

Tôi là Nguyễn Khanh, tường trình từ Doha.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.