Việt Hùng, phóng viên đài RFA
Hôm Chủ nhật 9-12 vừa qua, hàng trăm thanh niên sinh viên Việt Nam đã biểu tình trước các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, để phản đối quyết định hành chính hóa của Bắc Kinh nhằm quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa, nơi hiện đang có những tranh chấp về chủ quyền với Việt Nam.

Giọt nước làm tràn ly
Trong cuộc trao đổi với Việt Hùng của Đài Á châu Tự do, ông Lê Hồng Hà, nhà quan sát chính trị từ Hà Nội đưa ra nhận định.
Ông Lê Hồng Hà: Hai cuộc mít tinh hay còn gọi là biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh của thanh niên sinh viên Việt Nam là một sự kiện hết sức quan trọng trong quá trình đấu tranh giữa Trung Quốc - Việt Nam.
Muốn để nói rõ ý nghĩa của cuộc biểu tình ngày 9-12 thì tôi muốn nói qua một chút về quá trình trong quan hệ mấy chục năm nay giữa Trung Quốc - Việt Nam. Như mọi người đều biết vào năm 1975 đã xảy ra một cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc chiếm lĩnh quân đảo Hoàng Sa mà lúc bấy giờ thuộc sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó quan hệ hai nước xảy ra cuộc chiến vào những cuối thập kỷ 70 (thế kỷ trước - cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979).
Quan hệ hai nước được bình thường hóa trở lại kể từ sau năm 1991 thì quan hệ nói chung trong những vấn đề về Vịnh Bắc bộ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã diễn ra có hệ thống một quá trình mà Trung Quốc lấn từng bước mà khởi đầu là Hiệp định Biên giới trên bộ năm 1999 thì Việt Nam đã mất một diện tích trên bộ khá lớn.
Rồi đến Hiệp định Vịnh Bắc bộ năm 2002 – 2003 thì phía Việt Nam lại phải chịu mất thêm một phần nữa. Rồi xung quanh vấn đề đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lúc Trung Quốc tổ chức tập trận, lúc thì xây dựng cái này cái khác… để rồi Trung Quốc tìm cách lấn từng bước.
Thái độ của chính quyền Việt Nam là cố gắng chung sống hòa bình “thân thiện”, nhưng điều đó cũng cho thấy chính quyền Việt Nam đã chấp nhận thiệt thòi hết từ điểm này đến điểm khác.
Trong một quá trình hàng chục năm cho thấy cách hành xử của chính quyền Việt Nam tức là Nhà nước Trung ương giữ độc quyền xử sự, phát ngôn trong vấn đề này, còn các tầng lớp nhân dân và cán bộ hầu như không có quyền và trách nhiệm gì trong việc tham gia ý kiến và được thông tin về vấn đề này.
Đấy là những việc lâu nay vẫn diễn ra như thế ở Việt Nam. Sự kiện biểu tình ngày 9-12 vừa qua là một hành động đòi chấm dứt cái cách xử sự mâu thuẫn ở biên giới và trên biển…
Việt Hùng: Ông vừa phân tích đưa ra bối cảnh coi như là giọt nước tràn ly. Sự chịu đựng này phải chăng có một yếu tố ngay trong nội tình đảng không chấp nhận điều đó? Hay việc biểu tình của thanh niên sinh viên vừa qua là một sự chịu đựng cuối cùng?

Ông Lê Hồng Hà: Đầu tháng 12 diễn ra một sự kiện động trời, tức là Quốc vụ Viện Trung Quốc thông qua việc lập Huyện Tam Sa ở tỉnh Hải Nam để phụ trách cả vùng Hoàng Sa, Tây Sa và Nam Sa. Đây là hành vi xâm lấn đất đai một cách trắng trợn và thâm độc.
Trên quốc tế người ta nhận định, có lẽ trong tiền lệ luat quốc tế quan hệ các nước với nhau chưa hề bao giờ có một quyết định của mộtt nước tự quyết định quy định hành chính quản lý cả những khu vực đất đai có liên quan đến sự tranh chấp với một quốc gia bạn bên cạnh đang cho là của mình. Chính vì hành vi này đã dấn đến dư luận ở trong nước là không thể chấp nhận được.
Việc xảy ra vào ngày 9-12 thể hiện sự bực tức của nhóm sinh viên yêu nước là không thể chấp nhận được những chuyện lâu nay đã xảy ra cho nên họ tập hợp lại…
Vai trò của Thanh niên, Sinh viên
Việt Hùng: Nhưng mà câu hỏi được đặt ra, từ trước đến nay chính quyền chưa bao giờ cho phép tổ chức những cuộc biểu tình nếu không được sự đồng ý của chính quyền. Nếu như không có sự bật đèn xanh ở đâu đó thì làm sao những thanh niên sinh đó có thể biểu tình được?
Ông Lê Hồng Hà: Có một số ý kiến cho là có sự bật đèn xanh của một lực lượng nào đó trong nội tình đảng, nhưng theo quan điểm của tôi thì tôi chưa thấy dấu hiệu đó, vì theo tài liệu mà các anh cũng đã biết thí dụ như thông tri của ông Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công Nghệ cám chỉ sinh viên không được tham gia biểu tình… hay như phản ứng từ phía lực lượng công an là làm mọi cách để giải tán cuộc biểu tình chứ không phải là chấp nhận thế thành ra theo ý kiến của tôi là không có chuyện bật đèn xanh của một lực lượng trong chính quyền.
Điều đó đã chứng tỏ lực lượng thanh niên sinh viên rất giỏi, dù chính quyền không chấp nhận việc tập hợp đi mít tính biểu tình mà họ vẫn tập hợp được để đi mít tinh biểu tình ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì phải nói đấy là bản lĩnh cực kỳ giỏi.
Đấy cũng là lần đầu tiên ở đất nước Việt Nam này trong khi chính quyền không cho phép tổ chức biểu tình, mít tinh mà lực lượng thanh niên sinh viên yêu nước ấy vẫn tổ chức được.
Việt Hùng: Như vậy với cái nhìn của ông đó là sự bộc phát của thanh niên sinh viên khi giọt nước tràn ly, hay gioói trẻ nag3y nay đã không chấp nhận chính phủ đó nữa…
Ông Lê Hồng Hà: Trước hết đấy nói chung là giới trẻ, nhưng mà đây là nhóm sinh viên thanh niên trí thức yêu nước, cho nên ý nghĩa của ngày 9-12 chứng tỏ ý nghĩa thứ nhất tức là trong khi chính quyền chưa đồng ý người ta vẫn có thể tổ chức được, đấy là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai, lâu nay chính quyền độc quyền phát ngôn sử xự thì bây giờ đây người ta không chấp nhận phương thức ấy mà người ta nói bên cạnh thái độ của chính phủ người ta phát biểu chính kiến của người ta. Đấy là ý nghĩa thứ hai của vấn đề.
Ý nghĩa thứ ba của vấn đề, hai cuộc biểu tình vào ngày 9-12 vừa rồi cũng bộ lộ là chưa có một chương trình hoàn chỉnh, nhưng đã đặt được vấn đề là phải đặt lại vấn đề nghiên cứu về vấn đề này chứ không thể thỏa mãn hay chấp nhận cách làm cũ trước đây của chính phủ Việt Nam.
Cách làm cũ trước đây là sao, là chỉ ông Lê Dũng (phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao) ra tuyên bố nhắc lại câu “tư liệu lịch sử cũ cho thấy đây là chủ quyền thuộc đất nước Việt Nam và nói chung chung… nhắc lại câu này đến vài ba chục lần rồi.
Người ta không chấp nhận phương thức chỉ có như thế nữa và người ta đòi phải đặt lại vấn đề, nhưng mà nhược điểm của cái mùng 9-12 là gì, người ta đòi đặt lại vấn đề nhưng lại chưa đưa ra được chương trình hành động cụ thể như thế nào.
Nếu các anh theo dõi những văn bản đã phát biểu vào hôm 10-12 vừa qua, ông Bùi Minh Quốc (nhà thơ từ Đà Lạt) đề nghị hai vấn đề, thứ nhất là các nhà xuất bản phải bàn lại và phải công bố những tài liệu xung quanh vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trương Sa. Ý kiến thứ hai ông Bùi Minh Quốc đòi hỏi không chờ đợi ý kiến của Ban chấp hành Trung ương Hội nhà văn phát biểu, các văn nghệ sĩ nên phát biểu thái độ của mình.
Đấy là một ý kiến của ông Bùi Minh Quốc, ý kiến đấy đã đủ chưa? Tất nhiên là sẽ có nhiều ý kiến người ta sẽ đặt vấn đề, nhưng mà cái ngày mùng 9-12 người ta đặt vấn đề là không chấp nhận cách làm cũ, phải mở ra một cách làm mới. Cách làm mới là cái gì?
Thực ra cái ngày mùng 9-12 chưa đưa ra được cái gì lớn, cuộc gặp gỡ vào hôm mùng 9-12 tại thành phố Hồ Chí Minh các anh em thanh niên sinh viên trong đó đã đạt được một vấn đề, lãnh đạo của thành phố chỉ chấp nhận chung chung chứ chưa nói gì cụ thể, tức là anh em ở trong đó đòi phải có một cuộc tuần hành hòa bình về vấn đề này, đấy cũng là một ý kiến rất giỏi.
Việt Hùng: Vừa rồi là phần đầu cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Hà, nhà quan sát chính trị về nội tình đảng từ Hà Nội. Việc cắt đất nhượng biển thông qua những Hiệp định về biên giới lãnh hải liệu có phải là sai lầm từ thời ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư hay vấn đề này đã tiềm ẩn từ cuộc gặp gỡ bí mật của các ông Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh và một số thành viên khác trong Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt Nam với ông Đặng Tiểu Bình xin cầu hòa vào những năm 1990 - 1991 (thế kỷ trước) tại Thành Đô – Trung Quốc, mời quí vị nhớ đón nghe.