Vai trò của báo chí trước các vấn đề của xã hội Việt Nam


2007.01.09

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện công tác lãnh đạo và quản lý báo chí được tổ chức tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh hôm qua và kéo dài đến ngày 10 tháng giêng.

Theo ban Tư tưởng Văn hóa trung ương thì đội ngũ làm báo đã tăng số lượng và chất lượng đáng kể. Báo chí phản ánh trung thực tâm tư nguyện vọng của người dân, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

newspaper200.jpg
Hôm 29/11/2006 Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Chỉ thị 37/CP về tăng cường lãnh đạo và quản lý toàn diện báo chí, trong đó khẳng định sẽ không cho tư nhân hóa báo chí dưới bất kỳ hình thức nào. AFP PHOTO.

Tính đến giữa năm qua cả nước có gần 620 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh thị, 88 báo điện tử, khoảng 2.000 bản tin cùng hàng ngàn trang điện tử, website, weblog…

Người dân trong nước có suy nghĩ gì về vai trò của báo chí, mời quý nghe phát biểu của những người đọc báo hàng ngày, từng khiếu kiện oan sai về đất đai và một nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Bà Ngân từ Biên Hòa nói với đài Á Châu Tự Do rằng, ở Việt Nam chỉ có những người có đầy đủ phương tiện tài chánh mới có thể vào xem báo điện tử. Bà cho biết: Mỗi ngày tôi đều mua báo đọc và theo tôi thì các tin được loan có những chuyện đúng, chuyện thật, tuy nhiên cho dù nhà nước hứa nghiêm trị những người sai phạm, nhưng sau cùng rồi mọi việc cũng êm xuôi, không ai hiểu nổi.”

Cùng đưa ra nhận xét về tính trung thực của thông tin tại Việt Nam, ông Hải từ Khánh Hòa, một người dân có đất đai bị chánh quyền địa phương tịch thu nay chưa trả lại, nói với Ban Việt Ngữ chúng tôi rằng: “Trên mặt báo thì nhà nước nói rất hay, nhưng thực tế thì khác hẳn. Ai dám lên tiếng tố giác thì có thể bị tù tội, vì thực tế cho thấy, dù có hứa hẹn giải quyết cho dân nhờ, nhưng rồi đâu cũng vào đấy…”

Giáo sư Nguyễn Chính Kết, một nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo từ Việt Nam đang thăm Hoa Kỳ cho biết: “Cho đến nay tại Việt Nam chỉ có một số người có điều kiện sử dụng internet mới đọc báo điện tử thôi. Còn phần đông dân chúng vẫn theo dõi tin tức qua các báo in”.

Theo nhận xét của Giáo sư Nguyễn Chính Kết thì: “Trong một chừng mực nào đó, báo chí cũng đã phanh phui được nhiều vụ tham nhũng, nhưng phải biết dừng ở mức độ thấp thông thường thôi thì được, phải biết tránh đụng chạm tới các cấp cao cao hơn.”

Qua tin tức mới được một thính giả của đài Á Châu Tự Do cung cấp thì website của các đài RFA và VOA vẫn bị ngăn chặn tại Việt Nam. Trong khi đó, ông Lê Văn Bàng, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố với phóng viên tờ Wall Street Journal rằng, Việt Nam không cản trở truy cặp website RFA Việt Ngữ.

Bạn nghĩ gì về vai trò của báo chí trước các vấn đề của xã hội Việt Nam? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Theo dòng thời sự:

- Việt Nam kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới bất kỳ hình thức nào

- Chỉ thị 37 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cấm tư nhân hóa báo chí nhìn dưới góc độ pháp lý

Thông tin trên mạng :

- Chỉ thị số: 37/2006/CT-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2006

- Wikiepedia - Hiến pháp Việt Nam

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.