Những mong mỏi của Hòa thuợng Thích Quảng Ðộ cho Năm Mới Bính Tuất


2006.01.28

Ỷ Lan, phóng viên đài RFA

Nhân dịp chào đón Xuân Bính Tuất, phái viên Ỷ Lan của Ban Việt Ngữ chúng tôi đã được Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng viện Hóa đạo Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt.

Trước tiên, mời quý vị nghe lời chúc Xuân của Hòa Thượng:

ThichQuangDo150.jpg
Hòa thượng Thích Quảng Ðộ

HT Thích Quảng Độ: Nhân dịp sang năm mới, truyền thống cũng như phong tục tập quán, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Sang năm mới là ai cũng mong có những ngày tháng sắp tới được gặp mọi sự may mắn trong cuộc sống hàng ngày, bớt được những phiền não, những khổ đau chẳng hạn, ai cũng mong mỏi được hạnh phúc, sung sướng. Đó là tâm lý nói chung cho không những dân tộc Việt Nam mà dân tộc nào trên thế giới cũng thế, cũng mong mỏi đến năm mới có những thay đổi, có những dịp may mắn đến với mình.

Riêng với dân tộc Việt Nam, trong tình trạng từ bao nhiêu năm nay, thật sự ra thì chưa bao giờ có được một năm mới như ý hết. Thành ra cái đó hình như người ta cũng đã chuẩn bị tinh thần, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để năm mới đến thì nó cũng chỉ thay đổi gọi là năm này sang năm khác thôi chứ cuộc sống cũng như những vấn đề của cá nhân, gia đình, đất nước có lẽ nó cũng chỉ là nguyên tạng thế thôi. Tuy nhiên người ta cũng phải cố gắng hy vọng, sống trong hy vọng thế thôi.

Nhưng tôi mong rằng năm mới tới đây thì cũng sẽ có một vài cái gì khác hơn mọi năm, ai cũng mong thế, nhưng nó có đến hay không là chuyện khác. Cho nên tôi chỉ có kính chúc, mong mỏi ai cũng được yên vui, hạnh phúc. Đó là lời chúc tụng đầu năm mới.

Ỷ Lan: Xin Hòa Thượng hoan hỉ cho biết tổng quát tình hình GHPGVNTN năm vừa qua và dự trù năm mới của giáo hội?

HT Thích Quảng Độ: Thưa cô Ỷ Lan và thưa quý vị thính giả, như quý vị đã biết, trong năm ngoái các công tác sự tuy cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở lực đến từ mọi phía nhưng giáo hội cũng đã cố gắng vượt qua và nỗ lực vận động thành lập được 10 ban đại diện ở miền Trung cũng như miền Nam. Mặc dầu đã bị nhiều sức ép, bắt buộc phải giải tán hay phải ngưng hoạt động, thế nhưng đến nay vẫn vượt qua được và 10 ban đại diện vẫn còn đứng vững. Đó là những nỗ lực từ năm ngoái.

Năm tới đây, nói chung một cách tổng quát thì cũng cứ tiếp tục để củng cố lại các ban đại diện, củng cố cho vững chắc ban đại diện đã được thành lập và tiếp tục vận động thành lập các ban đại diện mới, đó là chương trình năm tới. Tuy nhiên trước mắt thì thấy những công việc của giáo hội liên tục từ 30 năm qua cho đến bây giờ và có lẽ cũng vẫn còn tiếp tục chịu đựng và cố gắng vượt qua những khó khăn trước mắt mà có thể vẫn còn nhiều nếu tình hình nói chung không có gì biến chuyển mới.

Nhưng tôi hy vọng rằng ở đời thì mọi sự đề vô thường, không có cái gì cứ đứng vững mãi đâu, cuối cùng cũng phải có thay đổi. Đó là mong mỏi của Hội đồng lưỡng viện. Có lẽ là các giáo hội hải ngoại cũng nhằm mục đích đó cho nên cứ phải tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với những khó khăn trước mắt.

Nhân tiện dịp này, liên quan đến giáo hội thì tôi cũng có mấy lời chân thành để kêu gọi tăng ni và đồng bào Phật tử trong và ngoài nước thông cảm cho và hết lòng kết hợp cho chặt chẽ để đối phó với mọi khó khăn trước mắt. Gần đây có một vài dư luận mới tôi cũng cần phải nói để quý vị thông cảm, nhất là các vị tăng ni Phật tử ở nước ngoài, sống tha hương cũng đã lâu cho nên không biết được hết tình hình thực tế ở trong nước nó diễn biến như thế nào, có cái không được hiểu rõ lắm.

Sau biến cố Lương Sơn năm 2003, trước hết vì sức ép của quốc tế, rõ nét nhất là quốc hội Hoa Kỳ và quốc hội Âu Châu đã ủng hộ giáo hội và yêu cầu nhà nước CHXHCNVN cho giáo hội sinh hoạt lại bình thường. Trên nền tảng pháp lý thì coi như thừa nhận pháp lý của giáo hội.

Như vậy là họ biết rằng bây giờ vấn đề sinh hoạt pháp lý của giáo hội nó thành vấn đề có dư luận quốc tế quan tâm, do đó nhà nước nghĩ rằng kéo dài mãi không có lợi nhất là trong khi họ muốn hòa nhập quốc tế được dễ dàng. Đặc biệt là tháng 9 năm 2004 thì Việt Nam bị đặt vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm, tức là CPC.

Họ đưa ra một chiêu bài có thể nói rằng là làm yên lòng quốc tế để cho công việc dự định để họ gia nhập WTO được trôi chảy. Họ đưa ra một chiêu bài như thế này, họ sẵngsàng cho GHPGVNTN được sinh hoạt bình thường pháp lý với điều kiện là không có Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang và tôi, Quảng Ðộ Họ bắn tin như thế, và đây là các sư chứ không phải là người ngoài. Tôi nghe thì cũng biết như thế thôi.

Nhưng tôi nghĩ rằng nếu thực hiện thì nhà nước họ đẽ chữ thống nhất để có thể đánh lừa được quốc tế là đấy, GHPGTN được sinh hoạt bình thường như các giáo phái khác. Nhưng nếu không có Đức Tăng Thống và tôi thì GHPGVNTN cũng chỉ là giáo hội số 2 để thừa hành những gì nhà nước muốn mình làm cho họ thôi, đó là dư luận thứ nhất.

Sau đó thì họ thấy rằng phản ứng cũng không có lợi gì cho nên họ đưa ra một chiêu bài khác, lại cũng một vị sư đến nói với tôi. Trực tiếp nói với tôi là đạo Phật là đạo tùy duyên, mà hình như tôi cũng được biết ở hải ngoại cũng có, tuy không nhiều, nhưng cũng có một vài vị tu sĩ cũng như chư tăng cũng hiểu thế, tức cho là cho rằng giáo hội cứng ngắt quá thành ra mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, giờ phải tùy thời, đạo Phật là đạo tùy duyên.

Thế thì thỏa hiệp với giáo hội của nhà nước để mình làm việc, cho được việc của mình, phải lựa thời, thời đại như thế thì mình phải thích ứng để dần dần mình có năng lực để tự đứng vững được, thì mình sẽ có thái độ khác chẳng hạn. Đại ý như thế. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu mình tứ chối thì người ta cho mình là cứng ngắt, không biết uyển chuyển, cho nên tôi có trả lời rằng là chúng tôi cũng mong được như thế, nhưng thật sự mình phải nắm được cái gì cơ bản mà mình vẫn tồn tại thì mình mới có thể tùy duyên được.

Chẳng hạn như bây giờ muốn làm như thế thì có thể giáo hội của nhà nước cũng phải được đặt ra ngoài Mặt trận tổ quốc mới được, lúc đó ngồi lại nó mới dễ. Chứ còn nếu một đoàn thể trong Mặt trận làm về chính trị, mà giáo hội thì không làm chính trị.... Đó là một cách tôi trả lời để xem thái đô họ thế nào. Nhưng tôi tin chắc rằng không bao giờ có chuyện như thế.

Cho nên bây giờ đây ta mới nói rằng Đức Tăng Thống và tôi là quá cứng ngắt mà làm thế thì thiệt cho giáo hội thôi. Tôi có trả lời rằng thực sự ra thì bây giờ giáo hội chả có gì cả, nhưng bây giờ làm thế nào, vấn đề quan trọng nhất đối với giáo hội là làm thế nào để tồn tại đã. Vấn đề tồn tại được một cách độc lập, mình có chủ quyền của mình thì bấy giờ có mở ra trường học hay những cơ sở từ thiện xã hội nếu nhà nước họ đồng ý cho làm thì nó cũng có lợi. Nhưng nếu mình không có chủ quyền, mình không độc lập được thì cũng làm theo ý muốn người ta thì nó cũng chẳng có cái lợi gì cho Phật pháp hay cho giáo hội.

Bây giờ quan trọng nhất là làm thế nào để tồn tại và giữ được chủ quyền của mình. Đó là đường lối trước mắt. Ðã 30 năm nay, giáo hội đã cố gắng theo đuổi nó chứ không phải là tôi cực đoan hay cứng ngắt, cũng muốn thích ứng đấy, thế nhưng nó phải có cơ bản gì để mình bảo đảm được sự thích ứng ấy nó có lợi thực sự cho giáo hội, mà nói rộng ra nữa là có lợi cho đồng bào Phật tử nói riêng và của dân tộc nói chung.

Cho nên rằng bây giờ nhiều người cũng hiểu lầm. Tôi chỉ mong rằng ở ngoài, quý vị hiểu cho là đường lối ở trong cũng chỉ nhằm đến làm sao mình giữ được truyền thống, vừa là tôn giáo, vừa là văn hóa, vừa là phong tục tập quán của đất nước chứ không có gì mà đi ngược lại cái đó để gây khó khăn cho việc thích ứng, hòa đồng với xã hộiđâu.

Nhân dịp này, đầu năm mới thì tôi cũng xin nói để quý vị rõ ở ngoài đó, và cũng nhờ phòng thông tin Phật Giáo Quốc Tế, lãnh đạo, giám đốc nếu có dịp nói được ý kiến của tôi rộng ra cho mọi người hiểu như thế để đừng hiểu lằm rằng là vừa rồi có sự thay đổi. Thay đổi gì cũng nhằm mục đích đó mà thôi, chứ không có mục đích nào khác.

Hôm nay nhân tiện cũng sắp bước sang năm mới, đến năm mới này thì tôi cũng mong rằng trong hay ngoài đều nhất trí kết hợp với nhau cho chặt chẻ. Một đường thì nhà nước nhằm phá được sự đoàn kết chặt chẻ của mình để lái giáo hội đi một hướng khác, có lợi cho nhà nước mà chẳng có lợi cho Phật tử tăng ni, nói về lâu về dài.

Nhân tiện năm mới thì tôi cũng cầu chúc toàn thể tăng ni, Phật tử trong cũng như ngoài nước luôn luôn được an lạc, vui vẻ và được mọi sự như ý và góp phần vào công việc của cả giáo hội và dân tộc. Muốn đạt được cái như tôi vừa nói, giáo hội hết mọi hoạn nạn và được bình an thì vấn đề tiên quyết là phải có dân chủ nhân quyền ở Việt Nam phải được tôn trọng và được thực hiện, lúc đó giáo hội mới thật sự hết nạn, nếu không thì khi nào mà đất nước chưa thỏa mãn về vấn đề tự do dân chủ thì giáo hội còn gặp nạn.

Cái đó mình còn phải đương đầu. Nam Mô A Di Đà Phật.

Xin cảm ơn Hòa Thượng. Ỷ Lan, phóng viên đài Á Châu Tự Do tại Paris.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.