Trà Mi, phóng viên đài RFA
Hàng năm cứ vào khoảng thời gian này, sĩ tử trong cả nước tất bật sửa soạn bước vào mùa thi đại học, một ngã rẽ đầy cam go, nhưng cũng đầy hứa hẹn. Đối với nhiều bạn trẻ, cánh cổng đại học không chỉ là mục đích của 12 năm miệt mài đèn sách, là niềm kỳ vọng của gia đình, người thân, mà còn là yếu tố quyết định cả tương lai sau này.
Tại Việt Nam, hiện có vô số cơ sở đào tạo và ngành nghề khác nhau cho các thí sinh tha hồ theo đuổi. Thế nhưng, một sự lựa chọn sai lầm, không cân sức, sẽ khiến cơ hội vuột khỏi tầm tay, và nhiều người phải bị “trượt oan” cũng vì như thế.
Vì sao gọi là “trượt oan”?
Lâu nay, chúng ta nghe nói thi trượt do đề thi khó, không trúng tủ, hồi hộp lo âu, hay sức ép tâm lý. Thế nhưng, cũng có nhiều người không rơi vào những tình huống này mà vẫn bị rớt. Những trường hợp như vậy đựơc xem là “trượt oan”.
Các nguyên nhân thường gặp của việc “trượt oan” là gì? Chúng tôi hỏi thăm một sinh viên ngành kinh tế vừa tốt nghiệp ra trường tên Lâm, người đã trải qua nhiều mùa thi mới có đựơc chiếc vé vào đựơc đại học. Không chút ngần ngại, Lâm chua chát nhận xét:
“Trượt oan là như vầy, ví dụ một trường lấy điểm sàn là 15, bây giờ những đối tựơng “con ông cháu cha” đưa vào thì đẩy nhiều ngừơi đủ điểm đậu bật ra luôn. “Con ông cháu cha” học dốt mà vẫn thi đậu được, em có chơi thân vài ngừơi họ nói họ chỉ cần đi thi cho có mặt thôi, tự nhiên sẽ đậu vào đựơc thôi.
Mặt khác, cũng có ngừơi “trượt oan” do, theo như báo chí đăng tải, có nhiều bài thi bị “chấm nhầm”. Đó là báo chí do báo chí đăng thôi, còn trong Sở giáo dục có thực sự chấm hay không thì không biết.”
Ngoài những lý do “khách quan” vừa nêu. Một nguyên nhân “chủ quan” rất hay gặp ở đa số các trường hợp “trượt oan” chính là do thí sinh không chọn trường vừa sức để đăng ký dự thi, mà lại “vung tay quá trán”, vì áp lực từ gia đình, như ý kiến của bạn Loan, sinh viên năm nhất trừơng đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM:
“Thứ nhất là do sức ép của gia đình, bắt buộc phải thi vào những trường theo ý muốn của cha mẹ chứ không theo ý thích của con em. Nhiều cha mẹ bắt buộc con cái phải thi đỗ vào trường này trường kia nhưng thực ra thực lực của con họ không đến mức như thế.”
do không có biết tự đánh giá năng lực của mình:
“Cái kiến thức và cách đánh giá ở hồi cấp 3 không đựơc chính xác cho lắm nên nhiều khi các thí sinh cứ nghĩ kiến thức của họ đầy đủ nhưng thực ra không biết có được phân nửa thế không. Có thể là có sự gian lận trong học tập, do bệnh thành tích của trường, nên học sinh thực sự không biết khả năng của mình ở mức nào”.
hay vì chạy theo thị hiếu số đông:
“Mấy đứa bạn của em, do ứơc mơ là vào đựơc trường đấy nhưng tụi nó biết chắc là sẽ không đậu nổi mà vẫn cứ thi. Hễ trường nào người ta nói ngon, dễ xin việc khi ra trường thì tụi nó cứ chạy theo trường đó thôi.”
Chia sẻ ý kiến này, một bạn trẻ khác bổ sung thêm:
“Người ta thường chú ý đến các trường đại học như kinh tế, quản trị kinh doanh, du lịch, hoặc khoa kinh tế của các trừơng. Chứ ngừơi ta ít nghĩ đến các khoa như tâm lý xã hội hay các khoa tương tự như vậy. Nhiều bạn em thấy toán, lý, hoá yếu, các môn ban C giỏi hơn ban A nhưng các bạn vẫn cứ quýêt định chọn ban A để thi.”
Làm thế nào để tránh bị “trượt oan”
Thế nhưng, có đúng là tốt nghiệp từ các trường đại học “cao giá” hay sở hữu một tấm bằng về một ngành học “nóng” sẽ bảo đảm con đừơng tương lai, sự nghiệp sau khi ra trừơng hay không? Sau đây là kinh nghiệm của một người trong cuộc:
“Như ở Việt Nam, theo em tham khảo, học ngành kinh tế ra trường rất dễ xin việc. Thế nhưng em học trường kinh tế mà vẫn chưa biết sẽ đi về đâu, thật sự như vậy. Nhiều chỗ làm khi mình ra trường họ bảo muốn vào thì phải đặt cọc tiền, còn “con ông cháu cha” họ chỉ cần nháy mắt một cái là vào đựơc liền.
Còn như bọn em bây giờ, học xong ngành kinh tế mà phải vừa làm nghề này chạy vạy nghề kia. Ông anh em tốt nghiệp đại học kinh tế 4 năm ở Hà Nội bây giờ phải vào đây làm cho khu công nghiệp với hợp đồng 10 tháng. Số lựơng học ra thì rất nhiều nhưng số được nhận vào làm thì rất ít, lương cũng bèo lắm. Ví dụ bản thân em, không biết có trụ nổi không, lương tháng 2,3 triệu đối với em cũng chỉ đủ ăn thôi, hoặc chỉ giúp đựơc cha mẹ chút ít thôi, chứ không thể làm cho em có cơ đồ được.
Ước mơ của em là muốn có một sự nghiệp nào đó để ổn định sau này chứ như mấy người bạn của em, ra trường kéo nhau vô miền Nam làm việc “cửu vạn”, 12 tiếng mỗi ngày mệt nhọc mà tiền lương chỉ có mấy chục ngàn một ngày thôi.”
Vì vậy, quan trọng không phải là phải lựa ngành học cho tốt, mà cần thiết là phải chọn đúng với khả năng và sở thích của mình để từ đó có thể phát huy tối đa năng lực bản thân và phát triển nghề nghiệp cho tương lai:
“Nên chọn một trường vừa đúng với khả năng của mình. Thí sinh không nắm chắc đựơc khả năng bản thân sẽ bị rớt rất nhiều.”
Làm thế nào để có thể tự đánh giá và lựơng sức mình? Sau đây là một vài phương pháp mà các bạn đi trước cho là có hiệu quả:
“Một số trường trung học sẽ tổ chức cho các học sinh thi thử hoặc thí sinh có thể tự mình lấy đề thi của các năm trứơc để làm thử xem điểm và thực lực của mình là chừng bao nhiêu, hoặc có thể nhờ thầy cô kiểm tra và đánh giá giúp xem khả năng mình đến đâu.
Khi đã xác định đựơc thực lực của mình rồi thì có thể lên các trang web, có thể là trang web của các trường đại học, trang web có đuôi edu, trang web về giáo dục..v..v. để xem mục tuyển sinh để tham khảo thêm điểm số các trường đề ra ở các năm trứơc, điểm số của từng khoa quy định là bao nhiêu, tỷ lệ chọi trung bình hàng năm bao nhiêu. Có nhiều bạn chưa tiếp xúc với internet bao giờ thì các bạn đó tìm đến các tiệm internet và nhờ chủ cửa hàng net chỉ dẫn cho.”
Giới phân tích cho rằng chọn một trường hay một ngành học không đúng khả năng, không những dễ bị trượt oan, mà hậu quả của nó có khi còn để lại về lâu về dài, ảnh hửơng đến con đường sự nghiệp và phát triển của mỗi cá nhân.