Việt Nam bị thế giới chỉ trích vì xử tù những người không cùng chính kiến


2007.05.12

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Trong thời gian gần đây, một số vụ án do nhà cầm quyền Việt Nam tiến hành, xử tù những người dám nêu lên một cách ôn hòa những sai trái của chế độ, đã bị nhiều nhận xét bất lợi từ phía các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền. Còn từ những người Việt quan tâm đến dân tộc, quốc gia thì sao ?

VanDaiCongNhanTrial200.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân tại phiên toà ở Hà Nội 11-5-2007. AFP PHOTO

Linh mục Nguyễn văn Lý, rồi đến hai luật sư Nguyễn văn Đài, Lê thị Công nhân, và thứ Ba tuần sau là lượt luật sư Trần Quốc Hiền, đều bị nhà cầm quyền truy tố theo điều 88 luật Hình sự Việt Nam.

Các tội danh

Theo bản "cáo trạng" số 28/CT của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra tại phiên xử hai luật sư Nguyễn văn Đài và Lê thị Công Nhân thì các bị cáo "đã có hành vi tàng trữ các tài liệu có nội dung xuyên tạc lịch sử dân tộc, bôi nhọ chế độ xã hội do đảng Cộng sản lãnh đạo, vu cáo xuyên tác chính sách của Nhà nước đối với tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam".

Thật ra từ hơn nửa thế kỷ nay, mọi thông tin tại nước Việt Nam đều do một phía, một nguồn đưa ra, là bộ phận tuyên truyền của đảng Cộng sản mà thôi. Từ lịch sử, cho đến cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo đảng, Nhà nước. Sự thật ra sao thì ít người có thể kiểm chứng được, dù các nguồn từ kho văn khố Nga, Pháp, Trung Quốc....đều có công bố, nhưng phương tiện truy cập chúng và khả năng ngoại ngữ của đa số người dân Việt còn rất hạn chế.

Còn tội danh "vu cáo, xuyên tạc chính sách của Nhà nước đối với tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân" ra sao, thì người ta có thể nhìn thấy trong chế độ của công nhân lao động mà hầu như tất cả hàng ngàn cuộc đình công của người lao động trong thời gian vừa qua để đòi quyền lợi chính đáng và nhân phẩm được tôn trọng, đều bị luật pháp Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Bộ Lao động của Nhà nước còn soạn thảo Nghị định buộc công nhân đình công phải bị trừ lương để bồi thường thiệt hại cho giới chủ nhân....

Điều 88 của luật Hình sự Việt Nam vừa tượng hình, vừa không hợp lý. Tượng hình vì điều 88 chính là hai cái còng số 8, một để trói tay linh mục Nguyễn văn Lý, luật sư Nguyễn văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân. Còn một thì để xích xiềng tự do, dân chủ....

Như vậy, nói chung thì nếu những bị can Nguyễn văn Đài và Lê thị Công Nhân có nêu lên các sự phi lý đó thì cũng không thể là cái tội, vì nó chỉ phản ảnh sự thật. Một sự thật chưa thể nói hết.

Điều 88 luật Hình sự

Nhìn chung, điều 88 bộ luật Hình sự Việt Nam là gì theo cái nhìn của các chuyên gia luật pháp ? Giáo sư Lê Đình Thông đang giảng dạy tại đại học Paris-Nanterre của Pháp nói:

“Điều 88 của luật Hình sự Việt Nam vừa tượng hình, vừa không hợp lý. Tượng hình vì điều 88 chính là hai cái còng số 8, một để trói tay linh mục Nguyễn văn Lý, luật sư Nguyễn văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân. Còn một thì để xích xiềng tự do, dân chủ....

Luật sư Tạ Quang Trung ở Richmond, Virginia, đưa ra nhận xét về tội danh của điều 88. Ông nói:

“Tội danh "xâm phạm nghiêm trọng an ninh Nhà nước", thì cái Nhà nước hiểu theo nghĩa người Cộng sản là đảng và những người cầm quyền. Trong công pháp quốc tế thì quốc gia chỉ gồm có 3 thành tố là dân tộc, lãnh thổ và chủ quyền. Cái Nhà nước của những người cộng sản Việt Nam là những người đang cầm quyền, không hơn, không kém.”

Nếu hiểu như vậy thì những người bị tù tội theo điều 88 luật Hình sự thật sự chỉ có "tội" là không ủng hộ đảng tiếp tục cầm quyền theo đường lối đã và đang theo hiện nay. Tức là nếu có tội, thì họ chỉ có tội đối với đảng không phải của họ, chứ họ không có tội với dân, với nước. Họ chỉ nêu lên những cái sai, cái quấy, để mong sửa đổi có lợi cho nước cho dân hơn. Mà ngay cả đối với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì họ càng không có tội.

Giáo sư Lê Đình Thông cho biết: “Tôi đã nói điều 88 là cái còng số 8 và nó đi ngược lại quy định của điều 53 của Hiến pháp Việt Nam, cho phép người dân được quyền phát biểu về những vấn đề chung của đất nước.

Điều 69 của Hiến pháp, theo ý tôi, còn cởi trói xích xiềng, cho phép người dân quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, rồi tự do hội họp, lập hội, biểu tình. Điều 146 của Hiến pháp Việt Nam quy định rõ ràng là các văn bản lập pháp, như trường hợp của luật Hình sự Việt Nam, và các văn bản lập quy, phải phù hợp với Hiến pháp. Vậy mà điều 88 của luật Hình sự, rõ ràng là đã trái ngược với điều 146 của Hiến pháp.”

Thực chất hệ thống luật pháp tại Việt Nam

LeThiCongNhanTrial200.jpg
Nữ luật sư Lê Thị Công Nhân tại phiên toà xét xử hôm 11-5-2007. AFP PHOTO

Như vậy thì thực chất hệ thống luật pháp đang được áp dụng tại Việt Nam ra sao ? Luật sư Tạ Quang Trung đưa ra cái nhìn chung, đối chiếu với pháp luật các nước khác:

“Luật pháp ở Việt Nam hiện nay thực sự không phải là luật pháp, mà nó chỉ là một mớ kỷ luật áp dụng để bảo vệ chế độ, cho những người đang đương quyền mà thôi. Luật pháp ở những nước khác là dùng để bảo vệ người dân, mang lại an ninh trật tự cho xã hội, và bảo vệ những người thấp cổ, bé miệng.

Còn ở Việt Nam thì pháp luật bảo vệ cho chế độ và những người đang cầm quyền. Do đó những người có hành vi và tư tưởng khác với nhà cầm quyền, tỷ dụ như thấy những bất công của xã hội mà muốn phát biểu.

Phát biểu thôi, chứ chưa hành động, về những bất công, sai trái của nhà cầm quyền, đều bị khép tội làm mất an ninh trật tự. Cái an ninh đó là an ninh của những người cầm quyền, chứ không phải là an ninh của tổ quốc Việt Nam, hay an ninh của nhân dân Việt Nam.”

An ninh của tổ quốc, sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam cũng đã được quy định trong điều 81 mà giáo sư Lê Đình Thông muốn thấy nó cũng phải được tôn trọng và áp dụng, đặc biệt là khi nhà cầm quyền bị chỉ trích là nhượng đất, nhượng biển cho Trung Quốc. Ông nói:

“Tôi thiết nghĩ chính phủ Việt Nam cần nên thận trọng, không nên lập lại những sai lầm. Không những về mặt chính trị, mà trước hết là về mặt tư pháp. Nếu chính quyền bắt các luật sư Nguyễn văn Đài và Lê thị Công Nhân chỉ căn cứ vào các tội danh không rõ rệt, thì tòa án phải thụ lý trước vụ án vi phạm sự tòan vẹn lãnh thổ của các nhân vật lãnh đạo đảng và nhà nước với các bằng chứng cụ thể.

Chứng minh rằng pháp luật ở Việt Nam cũng "pháp bất vị thân", và cũng để chứng minh rằng nhà nước Việt Nam cũng tôn trọng các chuẩn mực quốc tế, để quốc tế có thể tin cẩn mà giao dịch làm ăn buôn bán với Việt Nam.”

Tin tức cho biết vào thứ Ba tuần tới lại đến lượt luật sư Trần Quốc Hiền sẽ bị đưa ra xét xử cũng bởi điều 88 luật Hình sự, và sau đó sẽ là phiên luật sư Lê Quốc Quân bị bắt hồi tháng Ba vừa qua.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.