Chị Trịnh Thị Mùi, một phụ nữ Việt thành công trong ngành kinh doanh ở Đức (phần 2)


2006.04.14

Minh Thùy, đặc phái viên đài RFA

Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm môn Toán, chị Trịnh thị Mùi tưởng mình sẽ theo nghề giáo suốt đời, nhưng đến nay chị lại trở thành giám đốc trung tâm thương mại International Trade Center-Pacific, rộng đến 16.000 mét vuông, và là một doanh nhân châu Á khá nổi tiếng ở thủ đô Berlin. Minh Thùy xin giới thiệu về chị Trịnh thị Mùi, một phụ nữ Việt Nam hoạt động trong ngành kinh doanh ở nước Đức.

ITCPacific200.jpg
Khu vực văn phòng đang thiết kế. Hình của công ty ITC.

Trong cuộc trao đổi kỳ trước, Chị Mùi đã trình bày con đường thành lập doanh nghiệp của chị Mùi. Kỳ này, mời quý thính giả tìm hiểu những vấn đề phải đối phó và cách đối phó khi điều hành doanh nghiệp. Đến nay thì trung tâm ITC-Pacific đã trở nên quen thuộc ở Berlin, trong nhiều cộng đồng châu Á. Khu vực buôn bán hiện nay có 90 doanh nhân, không phải chỉ có người Việt Nam mà có cả người Pakistan, Thổ nhĩ Kỳ, Trung quốc, Nam Hàn, Ấn Độ....với 105 gian hàng từ nhà hàng ăn, tiệm uốn tóc, cửa hàng thực phẩm, quần áo, giày dép, bàn ghế....

Khu vực văn phòng có 4 tầng, với 120 phòng sắp hoàn tất, để mở văn phòng luật sư, văn phòng thuế, du lịch hay phòng khám bệnh... đang được các doanh nhân người Đức chú ý.

Doanh thu nhờ đó sẽ cao hơn nhưng việc điều hành trung tâm, cư xử với bạn hàng, với người thuê mướn văn phòng càng phức tạp hơn. Đây chính là môi trường thử thách bản lĩnh của người nữ giám đốc, phải ứng xử theo từng trường hợp, dùng tình cảm hay pháp luật để đối phó, mà theo chị Mùi có khi rất “ đau đầu và đau lòng’’. Chị kể về kinh nghiệm của mình:

“Đây là chặng đường khó khăn nhất trong cuộc đời tôi, lắm lúc tôi thấy quá sức chịu đựng của mình vì phải quản lý đến cả 100 người gồm nhiều dân tộc khác nhau, họ không hiểu pháp luật, làm việc cứ theo cảm tính, mà tôi lại phải chịu áp lực của pháp luật Đức.

Phải theo dõi việc kinh doanh của họ, người kinh doanh yếu, gặp khó khăn thì mình hổ trợ cho họ chậm trả tiền, nếu họ xin ra, nghỉ bán, thì giúp họ ra, không bắt bồi thường, còn người kinh doanh tốt mà không chịu trả tiền thuê đúng thời hạn thì mình phải cảnh cáo, dùng pháp luật xử lý.’’

Các thế lực xã hội đen

ITCFurniture200.jpg

Việc kinh doanh và điều hành trung tâm tuy đau đầu nhưng không đáng lo ngại bằng các “thế lực xã hội đen’’ từng đe dọa nhiều người buôn bán trước kia, tuy nhiên với kinh nghiệm lâu năm trong thương trường đã giúp chị biết cách đối phó.

“Thế lực xã hội đen cũng làm mình đau đầu mệt mỏi, trước khi mở trung tâm này thì tôi rất sợ nạn cướp của, trấn lột, thanh trừng nhau, nhưng nếu mình sợ thì sẽ không làm được gì, phải to gan thôi, phải xác định hoặc là thành công, hoặc là sụp đổ, mất hết, có khi dẫn đến cái chết, mà nếu sụp đổ thì bao nhiêu tiền vay mượn sẽ mất hết, làm sao trả lại được.

Năm 95, 96 ở Đức cũng đã xảy ra nạn đốt chợ, vì vậy kinh doanh phải hết sức thận trọng, phải đóng tất cả bảo hiểm về hỏa hoạn, về con ngưòi....chi phí lớn hơn. Mình làm việc nghiêm chỉnh thì có việc gì sẽ có pháp luật bảo vệ.’’

Bên cạnh việc phát triển trung tâm, chị Mùi vẫn không quên vấn đề tâm linh do hiểu biết nguyện vọng của người Việt xa quê hương, chị đã góp phần xây dựng ngôi chùa Quán Thế Âm, ngay trước trung tâm và cũng chú trọng đến những sinh hoạt văn hóa như tổ chức Rằm Trung Thu cho các cháu thiếu nhi, tổ chức thi đấu bóng đá hay tổ chức Tết cho cộng đồng người Việt bên Đông Berlin.

Để điều động một trung tâm lớn như ITC-Pacific, theo chị Mùi, khó khăn không phải là chỉ làm cho trung tâm có lợi nhuận, không bị phá sản, mà còn là cách xử thế với từng con người theo đúng pháp luật ở Đức. Tiếp xúc với chị, ai cũng thấy chị là người cương quyết nhưng vẫn giữ được tính dịu dàng, điềm đạm của người phụ nữ Việt Nam, hẳn đó là một trong những yếu tố giúp chị thành công trong kinh doanh.

Minh Thùy tường thuật từ nước Đức.

Theo dòng câu chuyện:

- Chị Trịnh Thị Mùi, một phụ nữ Việt thành công trong ngành kinh doanh ở Đức (phần 1)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.