Trà Mi, phóng viên đài RFA
Giới chuyên môn quốc tế đang cảnh báo về khả năng kháng thuốc của vi trùng lao XDR khiến cho căn bệnh nguy hiểm này có nguy cơ trở nên vô phương cứu chữa. Thống kê cho thấy tỷ lệ nhiễm lao ở những quốc gia đang phát triển thường cao hơn so với các nước công nghiệp, do điều kiện kinh tế, tình trạng nghèo đói, và suy dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể.

Tình hình bệnh lao tại Việt Nam ra sao? Mời quý vị cùng Trà Mi tìm hiểu qua cuộc trao đổi với bác sĩ Đan Thanh, chuyên khoa lao phổi đang công tác tại TPHCM. Trước tiên, bác sĩ Thanh cho biết:
Bác sĩ Đan Thanh: Trong bối cảnh chung của thế giới, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển, nên có tỷ lệ bệnh lao rất cao, hiện đang xếp thứ 13 trong số 33 nước bị lao nhiều nhất trên thế giới.
Tính riêng trong khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ ba sau Trung Quốc và Philippines. Mỗi năm, tỷ lệ mắc lao trong nước cũng tăng khá cao, với tỷ lệ cả nước là 1,7%. Tính riêng tỷ lệ tăng ở miền Nam là 2,2% còn miền Bắc là 1,2%.
Trà Mi: Xin hỏi thăm bác sĩ về ý thức của người dân trong nước cũng như sự hiểu biết của cộng đồng về căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này như thế nào?
Bác sĩ Đan Thanh: Vì Việt Nam vẫn còn là một trong những nước kém phát triển so với thế giới, do đó chỉ có ở những thành phố lớn thì người dân mới có trình độ hiểu biết cao và tuân thủ theo các nguyên tắc điều trị. Còn ở những vùng sâu xa xôi hẻo lánh, người dân khá lơ là.
Bệnh lao chủ yếu lây qua đường hô hấp. Ở Việt Nam, 65-70% là lao phổi. Trong số này, đến 50% là có khạc ra vi trùng lao. Đây là nguồn lao chủ yếu, tức lây qua đường hô hấp.
Mặt khác do việc điều trị lao kéo dài hơn so với những căn bệnh nhiễm trùng khác cho nên người dân không tuân thủ theo. Thường thời gian tối thiểu để điều trị lao ít nhất là nửa năm, còn theo phát đồ mới của nhà nước đang áp dụng là 8 tháng.
Dù nhà nước đã áp dụng phương pháp điều trị lao có kiểm soát tức người bệnh phải đến uống thuốc trước mặt nhân viên y tế hoặc được chính nhân viên ngành y tế của ngành lao chích thuốc, thế nhưng thường bệnh nhân chỉ tuân thủ giai đoạn đầu. Đến giai đoạn điều trị củng cố, phát thuốc về cho người dân sử dụng thì họ lơ là và thậm chí bỏ thuốc, cho dù được phát miễn phí.
Trà Mi: Chương trình điều trị bác sĩ đang nhắc tới được áp dụng ở những thành phố lớn hay trên cả toàn quốc, kể cả những vùng xa?
Bác sĩ Đan Thanh: Được áp dụng toàn quốc.
Trà Mi: Đối với bệnh lao, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu ghi nhận hiện nay ở Việt Nam là gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Đan Thanh: Bệnh lao chủ yếu lây qua đường hô hấp. Ở Việt Nam, 65-70% là lao phổi. Trong số này, đến 50% là có khạc ra vi trùng lao. Đây là nguồn lao chủ yếu, tức lây qua đường hô hấp.
Người Việt Nam ít uống sữa bò tươi, sữa chưa tiệt trùng cho nên lao lây lan qua đường tiêu hoá hay qua đường niêm mạc thì ít hơn ở các nước khác. Người Việt Nam chủ yếu mắc phải bệnh lao qua đường hô hấp, tức trực tiếp hít thở phải vi trùng lao của những người khác ho hoặc khạc ra ngoài không khí.
Trà Mi: Ở trong nước có những chương trình tiêm phòng vaccine để ngừa bệnh lao hay không, thưa bác sĩ ?
Bác sĩ Đan Thanh: Ở đây áp dụng chủng ngừa chương trình chủng ngừa PCG đại trà, miễn phí hoàn toàn cho tất cả những trẻ sơ sinh không bị mắc những bệnh nặng nề như suy giảm miễn dịch và khi sinh ra trên 2,5kg. Những trẻ dưới 2,5kg thì khuyên phụ huynh nên chăm sóc cho các em lên cân để đưa các em đi chích ngừa lao.
Việt Nam số người bệnh lao vẫn cao vì sự tuân thủ của người bệnh không nghiêm. Nhà nước đề ra 100% trẻ được chích nhưng thể nào cũng sót. Những trẻ sơ sinh không đủ cân nặng chưa được chích ngay thì phụ huynh không đem các em trở lại để chích ngừa.
Trà Mi: Nếu như vậy thì tại sao tỷ lệ bệnh lao ở Việt Nam vẫn còn đáng quan ngại như thế, thưa bác sĩ ?
Bác sĩ Đan Thanh: Việt Nam số người bệnh lao vẫn cao vì sự tuân thủ của người bệnh không nghiêm. Nhà nước đề ra 100% trẻ được chích nhưng thể nào cũng sót. Những trẻ sơ sinh không đủ cân nặng chưa được chích ngay thì phụ huynh không đem các em trở lại để chích ngừa.
Trình độ văn hoá, thiếu phương tiện đi lại, hoặc thậm chí là do điều kiện kinh tế nghèo nàn nên nhiều người không theo sát được việc điều trị. Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ nhiễm HIV cao trong khu vực. HIV và tiểu đường là một trong hai bệnh lý kết hợp làm cho tỷ lệ bệnh lao ở Việt Nam không thể đẩy lùi được như kế hoạch của nhà nước là sẽ dập tắt được bệnh lao vào năm 2000.
Trà Mi: Đối tượng nhiễm lao nhiều nhất ở Việt Nam nằm trong độ tuổi nào, và thuộc thành phần nào trong xã hội ?
Bác sĩ Đan Thanh: Thường lứa tuổi lao động là độ tuổi bị nhiễm lao nhiều nhất, từ 15-45.
Trà Mi: Chi phí điều trị trong nước đối với căn bệnh này như thế nào ?
Bác sĩ Đan Thanh: Đối với bệnh lao phổi, Việt Nam được sự tài trợ của nước ngoài, chủ yếu là từ Hà Lan. Có chương trình chữa trị hoàn toàn miễn phí cho những bệnh nhân lao. Những ai vì phương tiện đi lại hay công việc không theo được chương trình này thì họ chữa ở phòng khám tư, chi phí tuỳ theo giá thành từng loại thuốc.
Trà Mi: Xin bác sĩ cho biết thêm chi tiết về chương trình chữa trị miễn phí cho bệnh nhân lao. Bệnh nhân cần liên hệ tại đâu và điều kiện ra sao ?
Bác sĩ Đan Thanh: Khi có những triệu chứng lao, bệnh nhân có thể đến các trạm chống lao quận, huyện gần nhất thuộc địa phương để được khám, xét nghiệm đàm, chụp hình X-quang. Xét nghiệm thấy họ bị tổn thương phổi và kết quả dương tính thì sẽ được đưa vào chương trình điều trị lao miễn phí. Chương trình này áp dụng trên toàn quốc.
Khi có những triệu chứng lao, bệnh nhân có thể đến các trạm chống lao quận, huyện gần nhất thuộc địa phương để được khám, xét nghiệm đàm, chụp hình X-quang. Xét nghiệm thấy họ bị tổn thương phổi và kết quả dương tính thì sẽ được đưa vào chương trình điều trị lao miễn phí. Chương trình này áp dụng trên toàn quốc.
Trà Mi: Xin hỏi bác sĩ, ngành y tế Việt Nam có những hoạt động gì nhằm phổ biến kiến thức và tuyên truyền người dân phòng tránh căn bệnh lao ?
Bác sĩ Đan Thanh: Có những chương trình phổ biến kiến thức ngừa lao trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thậm chí các tổ y tế địa phương cũng có làm những tờ rơi tuyên truyền. Các quận huyện đều có những đợt đi phổ biến kiến thức căn bản về bệnh lao trong cộng đồng.
Trà Mi: Bác sĩ đánh giá tính hiệu quả của các chương trình đó như thế nào ?
Bác sĩ Đan Thanh: Các chương trình này đã có từ lâu rồi, tuy nhiên ở khu vực vùng sâu, vùng xa thì đôi khi những biện pháp truyền thông này cũng chưa đến được với người dân. Đây là mặt hạn chế và cũng là tình hình chung ở những nước kém phát triển, không riêng gì tại Việt Nam.
Trà Mi: Nhân đây, xin hỏi thăm bác sĩ một vài lời khuyên về các biện pháp giúp phòng tránh bệnh lao ?
Bác sĩ Đan Thanh: Muốn tránh được sự lây lan của bệnh lao cần phải làm sao để không còn nguồn lây. Cách tốt nhất là phải điều trị hữu hiệu cho tất cả những bệnh nhân mắc phải căn bệnh này.
Ngoài ra, để phòng lây bệnh, khi tiếp xúc với bệnh nhân, mọi người cần lưu ý các biện pháp an toàn như dùng khẩu trang. Trẻ em cần được chủng ngừa PCG hầu tăng cường khả năng miễn dịch và tránh nhiễm lao.
Đối với người lớn, những đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên ngành y tế hoặc những ai bị suy giảm hệ miễn dịch, các bệnh nhân bị tiểu đường, những người nhiễm HIV hoặc đang được điều trị bằng các loại thuốc trị ung thư, các loại thuốc corticoid trị suyễn hay bệnh khớp... nên đi khám định kỳ mỗi 6 tháng hay 1 năm về hô hấp để truy tầm và điều trị bệnh kịp thời.
Trà Mi: Xin cảm ơn thời gian bác sĩ dành cho chương trình hôm nay.
Thông tin trên mạng:
- Questions and Answers About TB