Lê Dân, phóng viên đài RFA
Quan niệm về dân chủ tại Đông Nam Á đang bị thử thách sau khi những cuộc biểu tình rầm rộ của công chúng không đánh đổ được một nhà lãnh đạo độc đoán ở Thái Lan. Còn tại Philippines thì khiến đất nước rơi vào tình trạng quân luật cho phép nhà cầm quyền bắt giữ người tùy tiện. Như vậy thì hiện tình dân chủ tại khu vực hiện ra sao. Mời quý vị nghe Lê Dân tổng lược như sau.
Từ mong manh đến bất định

Tại Đông Nam Á, tình hình dân chủ đang từ mong manh, rơi vào bất định, ngoại trừ một nước khá bất ngờ, là Indonesia. Quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới này, đang trên đường dân chủ hóa sau ba thập niên chìm đắm dưới chế độ toàn trị, và đã có những tiến bộ đáng kể về thể chế pháp trị, tự do báo chí và minh bạch hóa mọi hoạt động của chính quyền.
Chuyên gia Robert Broadfoot thuộc Tổ chức Tư vấn về Rủi ro Chính trị và Kinh tế, có trụ sở tại Hồng Kông, nhận xét rằng "Vấn đề ở chỗ có sự lạm dụng ở vài nền dân chủ còn non yếu. Những nhà lãnh đạo nơi đó lợi dụng tình trạng chưa thật sự dân chủ để trục lợi".
Điển hình như tại nước láng giềng Thái Lan. Đương kim Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã tìm được cách thoát khỏi sự đe dọa của hàng loạt biểu tình rầm rộ của mọi giới.
Từ nông dân tới doanh gia, từ chính trị gia cho tới sinh viên, nhiều lời kêu gọi ông từ chức đã được nêu lên trong mấy tuần qua. Chủ yếu là những chỉ trích ông lạm quyền, tham nhũng và qua mặt các định chế dân chủ.
Lạm dụng Dân chủ?
Tuy nhiên ông Thaksin đã vận dụng những quy tắc dân chủ để bảo vệ ý đồ kém dân chủ của mình. Ông ra lệnh giải tán Quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử vào đầu tháng tới, nhằm giải tỏa bớt phần nào những áp lực nặng nề hiện nay.
Trong lời tuyên bố trên truyền hình quốc gia, ông biện minh rằng ông muốn cải tổ chính trị và những gì ông đang làm đều trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Nhiều chính trị gia Thái Lan đã kêu gọi tẩy chay cuộc tuyển cử, và đây là diễn tiến chưa từng xảy ra. Do đó, việc này cộng với sự đối phó ra sao của ông Thaksin, khiến tình hình dân chủ Thái Lan trở nên khó dự đoán được trong thời gian tới. Trong cùng thời gian, chiến dịch phế bỏ đương kim Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo cũng làm nền dân chủ tại xứ này suy thoái, khi bà ban hành quân luật để đối phó với một dự mưu tổ chức đảo chánh.
Quyết định đó tước quyền tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do phát biểu, còn cho phép nhà cầm quyền bắt giam bất cứ ai bị ngờ vực mà không cần trát tòa án.
Sức mạnh quần chúng
Cựu Tổng thống Fidel Ramos, người đã từng nhờ những cuộc biểu tình rầm rộ mệnh danh là “Sức mạnh Nnhân dân” hồi giữa thập niên 80 đã phế bỏ được chế độ độc tài Ferdinand Marcos, lên án quân luật mà đương kim Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo ban hành.
Điểm trớ trêu là sự biểu dương “Sức mạnh Nhân dân” mà hai mươi năm trước đây đã lật đổ chế độ độc tài Ferdinand Marcos bằng những cuộc biểu tình quy tụ hàng trăm ngàn người. Giờ đây có vẻ trở thành một nguyên cớ để nhà cầm quyền trấn áp mọi sự chống đối.
Chuyên gia Robert Broadfoot thuộc Tổ chức Tư vấn về Rủi ro Chính trị và Kinh tế, có trụ sở tại Hồng Kông, nhận xét rằng "Ở Thái Lan, ông Thaksin Shinawatra đã sử dụng trách vụ một nhà lãnh đạo dân chủ để tạm đình chỉ hoạt động của những định chế dân chủ thiết kế với mục đích kiểm soát hành pháp. Còn tại Philippines thì có dân chủ thật sự hay không, hoặc chỉ là sự thao túng của một nhóm người quyền thế ?"
Nghi ngại về Dân chủ
Vùng Đông Nam Á châu không được đánh giá cao trên biểu đồ dân chủ thế giới. Trong vùng còn hai nước Việt Nam và Lào, là hai trong số năm nước cộng sản cuối cùng trên địa cầu.
Miến Điện nằm dưới một chế độ quân phiệt dài nhất thế giới, và hai nước Malaysia và Singapore chỉ có một đảng cai trị đã mấy thập niên qua.
Trong cuộc khảo sát về quyền tự do báo chí do tổ chức Reporteurs-Sans-Frontières, tức Phóng viên-Không-Biên giới, thực hiện hồi năm ngoái, Indonesia thuộc hàng cao nhất trong số những quốc gia Đông Nam Á. Còn Lào, Việt Nam và Miến Điện thuộc vào hàng những nước kém nhất về quyền tự do báo chí.
Nhật xét về tình hình dân chủ đang sa sút tại khu vực này, nhiều nhà quan sát quốc tế cho nguyên do chủ yếu là truyền thống trung thành mù quáng với lãnh tụ, thay vì chỉ ủng hộ các lý tưởng dân chủ bình đẳng. Thêm vào đó là các tệ nạn bè phái và tham nhũng, tất cả đã khiến các nguyên tắc dân chủ bị rơi xuống hàng thứ yếu.
Học giả Ramon Casiple, thuộc Viện Cải cách Chính trị và Tuyển cử Philippines, nhận định rằng "nhiều nước trong vùng Đông Nam Á chưa hề có truyền thống dân chủ, hoặc chỉ mới dân chủ hóa. Trong trường hợp của Philippines, mọi ưu đãi được giành cho tầng lớp đặc quyền, đặc lợi. Tình trạng đó gieo mầm bất ổn trong các tầng lớp nhân dân thấp kém, chỉ chờ ngày nổ bùng. Philippines vẫn có những luật rừng, và dù có các định chế dân chủ, nhưng tầng lớp ưu đãi cao cấp không bị ràng buộc vào đó. Họ bất chấp pháp luật, họ lạm dụng luật lệ, họ mua chuộc phiếu bầu. Nói chung thì họ là những kẻ thù của dân chủ, và dĩ nhiên, là kẻ thù của dân chúng".