2 gia đình Hmong Việt Nam trong số những người bị cô lập ở tỉnh Phetchabun Bắc Thái

Nam Nguyên tường trình từ Bangkok

Có hai gia đình sắc tộc Hmong Việt Nam trong số hơn 6,500 người Hmong Lào chạy qua Thái hiện bị cô lập chờ trục xuất ở tỉnh Phetchabun Bắc Thái. Nhà chức trách Thái Lan kiên quyết tống xuất những người Hmong vượt biên, trong khi Hoa Kỳ nói là không tiếp nhận thêm người Hmong nào nữa.

0:00 / 0:00
hmonglao200.jpg
Từ ngày 4 tháng 7, hàng ngàn người Hmong Lào bị xua đuổi không còn chỗ nào khác hơn là tập trung trên hành lang dài 2 km, dọc con lộ chính ở làng Huây Nam Khảo. Photo © RFA

Trong những ngày này, hàng ngàn người Lào khốn khổ thuộc sắc tộc Hmong đang tập trung trong hoàn cảnh thương tâm, trên hành lang dài 2 km ở Ban Huây Nam Khảo quận Khao Kho tỉnh Phét Cha Bun Thái Lan, giáp ranh biên giới Hạ Lào.

Vượt biên từ Việt Nam

Họ bị xua đuổi khỏi những nơi sống tạm bợ và chờ quyết định trục xuất của nhà cầm quyền Thái Lan. Tất cả cùng chung lời khẩn cầu Cao ủy Tỵ Nạn LHQ giúp họ khỏi bị đuổi trả về nước Lào cộng sản.

Thông tin mới nhất mà chúng tôi ghi nhận chiều ngày 7-7 từ một người đáng tin cậy ờ Ban Huây Nam Khảo, là trong số hơn 6.500 người Hmong Lào có hai gia đình người Hmong Việt Nam.

Đại ý ông cho biết là hai gia đình Hmong vừa nói theo đạo Tin Lành và họ đã từ Việt Nam vượt biên qua Lào, rồi từ đó vượt biên một lần nữa tới Ban Huây Nam Khảo trên lãnh thổ Thái Lan hồi tháng 6 vừa qua.

Tuy vậy chúng tôi chưa có câu trả lời chính xác là hai gia đình Hmong Việt Nam đó gồm bao nhiêu người, rời Việt Nam lúc nào và từ địa phương nào ở Việt Nam. Một nguồn tin khác cho rằng những người Hmong này ờ vùng thượng du bắc bộ Lai Châu Điện Biên Phủ.

Chạy trốn cộng sản

Trong số những người Hmong đau khổ có ông Tang Yang Xao trong độ tuổi 50, chúng tôi gặp ông vào ngày 6-7 giữa dòng người bị xua đuổi tại Ban Huay Nam Khao, ông cho biết từ năm 1966 tới năm 1975 ông tham gia lực lượng đặc biệt do CIA tài trợ, phiên hiệu đơn vị là SĐ 2 đóng ở Luang Chaeng do tướng Vang Pao chỉ huy.

Bạn nghĩ gì về sự kiện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Ông thêm rằng sau khi cộng sản Lào nắm quyền năm 1975, bộ đội Lào và bộ đội Việt Nam kiểm sóat thị trấn nơi ông cư ngụ.Mặc dù man khai là thành phần dân sự, nhưng cán bộ cộng sản Lào và Việt Nam qua xác minh lý lịch cáo buộc ông là tay sai CIA binh lính SĐ2 Vang Pao.

Ông Tang Yang Xao bị đi cải tạo, sau đó trốn thóat rồi chạy trốn trong rừng rậm ròng rã 30 năm trời. Tang Yang Sao vượt biên vào Thái Lan hồi tháng 7-2004 và tạm cư lây lất ở vùng Huây Nan Khảo.

Tất cả những người Hmong Lào mà chúng tôi tiếp xúc đều có những câu chuyện tương tự về quá trình chiến đấu trong lực lượng Vang Pao được CIA Mỹ tài trợ. Những người từ 50 trở lên thì nói họ là binh lính của Vang Pao. Những người trẻ hơn thì khai rằng họ là con cháu của những người từng chiến đấu chống cộng.

Di dân bất hợp pháp

Tuy vậy đối với nhà cầm quyền Thái Lan, những người Hmong vượt biên từ Lào là di dân bất hợp pháp. Nay Bangkok tỏ ra cương quyết với chiến dịch trục xuất hơn 6.500 người Lào sắc tộc Hmong đã vượt biên vào đất Thái và sống bất hợp pháp ở thung lũng Ban Huay Nam Khao, dịch ra tiếng Việt là Bản Làng Bên Dòng Sông Trắng.

Nơi đây là địa phận quận Khao Kho phía bắc tỉnh PhetChabun giáp ranh giới Thái – Hạ Lào. Hôm 7-7 Phó giám đốc các họat động an ninh nội địa Thái Lan tướng Pallop Pinmanee tuyên bố với báo chí rằng, nếu phía Lào từ chối tiếp nhận những người Hmong Lào, thì Thái Lan sẽ đẩy những người Hmong vừa nói qua biên giới Lào bằng mọi phương tiện của mình.

Theo tướng Pallop, chính phủ Thái lan không có chính sách thiết lập các trại tỵ nan để cưu mang những người nhập cư bất hợp pháp hoặc chịu đựng gánh nặng này. Ông thêm rằng, chấp nhận cho hàng ngàn người Hmong ở Huây Nam Khảo lưu lại đất Thái sẽ tạo ra nhiều vấn đề cho đất nước Thái Lan.

Và để càng lâu thì sẽ tạo ra một trại tỵ nạn thứ hai như ở Wat Tham Krabok tỉnh Saraburi, nơi mới đóng cửa hồi tháng 5 vừa qua, sau khi Hoa Kỳ chấp nhận tái định cư 15 ngàn người Hmong Lào tỵ nạn cộng sản sau năm 1975.

Bị xua đuổi

Cùng lúc với tuyên bố của tướng Pallop một kịch bản đã diễn ra, hơn 6.500 người Hmong Lào sống rải rác trong những túp lều tạm bợ trên diện tích gần 2 hécta ở làng Huây Nam Khảo, đã bị các chủ nhân người Thái gốc Hmong đuổi ra khỏi ruộng vườn của họ, họ phải mạnh tay vì chính quyền địa phương ra lệnh phạt 50 ngàn bạt tương đương 1.250 dollar nếu họ chấp chứa người nhập cư bất hợp pháp.

Từ ngày 4 tháng 7, hàng ngàn người Hmong Lào bị xua đuổi không còn chỗ nào khác hơn là tập trung trên hành lang dài 2 km, dọc con lộ chính ở làng Huây Nam Khảo. Họ che những tấm vải nhựa, nhưng rõ ràng là khó vượt qua được cái nóng vẫn còn gay gắt, hoặc những trận mưa đầu mùa ở vùng đông bắc Thái. Hơn nữa những con người khốn khổ này không được ai cung cấp lương thực hợặc nước uống. Họ tự xoay sở lấy mọi thứ.

Ông Sawayly Pricha trưởng làng Ban Huay Nam Khao phát biểu với chúng tôi hôm 5 tháng 7. Ông nói rằng, về mặt nhân đạo ông cảm thấy tội nghiệp những con người đáng thương, họ đã không có cơ hội được sống cuộc sống bình thường như mọi con người khác.

Chúng tôi không hiểu hoàn cảnh của họ bên nước Lào, nhưng người Hmong Lào chạy đến vùng chúng tôi, họ sống lây lất mà chưa hề thấy một tổ chức nào đến giúp đỡ họ. Ông trưởng làng cho biết chưa có lệnh chính thức, nhưng tất cả người Hmong vượt biên vào Huây Nam Khảo sẽ phải bị trục xuất về nơi họ xuất phát, bất cứ là quốc gia nào.

Hoa Kỳ không còn chính sách tái định cư

Trong khi đó cánh cửa tái định cư tại Hoa Kỳ đối với người Hmong ở Ban Huây Nam Khảo coi như đã khép kín, họ không có chút hy vọng nào. Hôm 6-7 Trưởng bộ phận giao tiếp công chúng sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok ông Mark Larsen xác định với báo chí rằng, nước Mỹ không có chính sách tái định cư hàng ngàn người Hmong lánh nạn ở Ban Huay Nam Khao tỉnh Phet Chabun.

Chương trình tái định cư 15 ngàn người Hmong ở Wat Tham Krabok tỉnh Saraburi sẽ hoàn tất vào tháng 9 tới đây, nhưng Hoa Kỳ không trù liệu việc nhận thêm bất kỳ người Hmong tỵ nạn nào nữa. Ông Larsen thêm rằng, những người Hmong ở Phetchabun nên tìm sự trợ giúp của Cao ủy Tỵ Nạn LHQ.

Tính đến ngày 7-7, hơn 6.500 người Hmong Lào đã trải qua 4 ngày điêu đứng như người chạy lọan, không nơi che mưa nắng, không thực phẩm, không nước sạch, kể cả không có chỗ làm công việc vệ sinh cần thiết.

Rõ ràng tình trạng này không thể kéo dài, như lời viên tướng Thái Pallop Pinmannee nói, cơ quan hữu trách chờ đợi một thời điểm thích hợp để đẩy hàng ngàn người Hmong ở Ban Huây Nam Khảo qua bên kia biên giới Lào.