Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Sau chuyện tiêu cực thi cử, chuyện hối lộ chạy trường đang là vấn đề nóng ở Việt Nam. Vụ bê bối ở trường Trung Học Phổ Thông Lê Quí Đôn TP.HCM gây ra phản ứng dữ dội trong dư luận. Nam Nguyên tường trình vấn đề này

Chạy chọt hối lộ ở Việt Nam xảy ra thường ngày trên mọi lãnh vực, chuyện phụ huynh lo lót cho con em được học ở một trường có cơ sở tốt, đội ngũ giáo viên giỏi là sự kiện phổ biến từ hơn chục năm qua.
“Quả bóng căng”
Nhưng khi báo chí bật mí vụ tiêu cực ở trường trung học phổ thông Lê Quí Đôn với mỗi xuất học sinh trị giá 2 ngàn đô la chi tiền dưới gầm bàn, thì phản ứng của công chúng như một quả bóng căng quá sức phải nổ tung.
Trước sức ép của công luận và báo chí, tuy có phần chậm trễ nhưng chiều 11/9 thường trực Uỷ Ban Nhân Dân TP.HCM đã phải đưa ra quyết định đình chỉ chức vụ bà Trần Thanh Vân hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Quế Hương hiệu phó trường phổ thông trung học Lê Quí Đôn.
Đã có lúc báo chí đặt vấn đề là vụ tiêu cực có thể bị chìm xuồng hoặc thu hẹp lại ở một đối tượng, thay vì cả một tổ chức gồm nhiều người tham gia. Một phụ huynh học sinh ở quận 3 TP.HCM phát biểu:
Tại vì đến lúc không chấp nhận được nữa, quá trời quá đất đi đủ chuyện hết, từ tổ chức thi cử không ra chi, giám thị cũng vậy, rồi chuyện giáo án rồi sách giáo khoa mọi thứ đều có vấn đề hết, vì thế nó bung ra là phải.
“Hôm nay mới cách chức bà hiệu trưởng, thấy dư luận mạnh quá chứ ban đầu định cho qua chỉ khởi tố người nhận tiền là bà Hoà thôi. Bây giờ lên phóng sự nhiều lắm, những người chung tiền họ cũng xuất hiện nói rõ vấn đề nên không thể chìm xuồng được nữa.”
Tại sao cho đến lúc này chuyện chống tiêu cực trong giáo dục lại bùng phát mạnh mẽ như vậy. Vị phụ huynh học sinh đưa ra nhận xét của mình:
“Tại vì đến lúc không chấp nhận được nữa, quá trời quá đất đi đủ chuyện hết, từ tổ chức thi cử không ra chi, giám thị cũng vậy, rồi chuyện giáo án rồi sách giáo khoa mọi thứ đều có vấn đề hết, vì thế nó bung ra là phải.”
Trong cùng một thời điểm trước mùa khai giảng năm học 2006-2007, báo chí đưa nhiều thông tin tố cáo tiêu cực liên quan đến nhiều trường đủ mọi cấp ở TP.HCM. Nhưng vụ bê bối trường Lê Quí Đôn là sôi nổi hơn cả, vì người tố cáo đã thu âm câu chuyện dài với người nhận hối lộ 2 ngàn đô la là giáo viên môn văn Đỗ Thị Thu Hoà.
Chỉ một mắt xích
Báo chí đặt vấn đề giáo viên Thu Hoà chỉ là một mắt xích trong đường dây chạy trường, trong khi sở giáo dục đào tạo TP.HCM lại tỏ ra chậm chạp trong xử lý. Theo tờ Thanh Niên, một số giáo viên đã gặp gỡ ban biên tập báo và tố cáo thêm nhiều vấn đề bê bối ở trường trung học Lê Qúi Đôn.
Thầy giáo Nguyễn Phước Thành dạy môn sử khẳng định rằng việc cô Thu Hoà chạy trường thì chứng cứ hoàn toàn rõ ràng, nhưng bản thân ông và dư luận cho rằng cô Hoà chỉ là tay chân trong đường dây chạy trường, giáo viên Thu Hoà không thể nào thực hiện trót lọt việc nhận tiền rồi đưa các em học sinh thiếu điểm vào trường được, nghĩa là phải có một tổ chức.
Vẫn theo tường thuật của báo Thanh Niên được nhiều báo điện tử khác trích thuật, giáo viên Nguyễn Phước Thành nói rằng bà hiệu trưởng Trần Thanh Vân quyết định mọi việc trong nhà trường.
Người thầy giáo này bày tỏ cảm tưởng của riêng mình rằng, bà Trần Thanh Vân không chỉ là một hiệu trưởng mà là một bà chủ trường, theo ông Thành những giáo viên có khả năng dính líu đến đường dây chạy trường đều là những người thân cận với bà Vân.
Đầu tiên vì thương con cái của mình muốn đưa con cái vào những trường tốt, nên họ bỏ ra nhiều tiền để chạy cho con mình vô những trường tốt mà đáng lẽ con em thi không đủ điểm. Nhưng còn một vấn đề nữa về phía nhà quản lý là có sự khác nhau về cơ sở vật chất của các trường, có trường tốt có trường xấu, có trường các em được học sinh với thầy giỏi hơn hoặc tỷ lệ học sinh đậu học sinh giỏi cao hơn.
Thầy giáo Nguyễn Phước Thành nói với báo Thanh Niên rằng, vụ bê bối nhận tiền chạy trường đã làm cho một ngôi trường vốn nổi tiếng hàng trăm năm nay trở nên tai tiếng, mang tiếng xấu với xã hội.
Cội nguồn, nguyên nhân
Cội nguồn của vấn đề chạy trường là từ đâu, nguyên nhân nào, một người dân thành phố HCM đưa ra nhận định của mình:
“Đầu tiên vì thương con cái của mình muốn đưa con cái vào những trường tốt, nên họ bỏ ra nhiều tiền để chạy cho con mình vô những trường tốt mà đáng lẽ con em thi không đủ điểm. Nhưng còn một vấn đề nữa về phía nhà quản lý là có sự khác nhau về cơ sở vật chất của các trường, có trường tốt có trường xấu, có trường các em được học sinh với thầy giỏi hơn hoặc tỷ lệ học sinh đậu học sinh giỏi cao hơn.
Tâm lý phụ huynh muốn con em mình vô những trường tốt như vậy. Theo tôi số tiền mình bỏ ra chạy trường đó, thì có thể đầu tư cho các em thêm những trang thiết bị ở nhà để bổ xung kiến thức cho các em, quan tâm các em nhiều hơn.
Chẳng hạn như muốn các em giỏi tiếng Anh không cần chạy trường vô trường chuyên ngữ hoặc là lớp tăng cường tiếng Anh, mà mình có thể cho các em đi học tại các trung tâm tiếng Anh giỏi. Đừng nghĩ đến chuyện bỏ tiền mua một cái xuất vào trường tốt cho các em nữa.”
Sau mấy tuần lễ báo chí đưa tin đăng tải nhiều đơn thư tố cáo liên quan đến sự bê bối nhiều mặt của ban giám hiệu trường Lê Quí Đôn, cuối cùng chiều ngày 11/9/2006 trước sự hiện diện của bộ trưởng giáo dục đào tạo Nguyễn Thiện Nhơn, uỷ ban nhân dân TP.HCM đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ của hiệu trưởng Trần Thị Thanh Vân và hiệu phó Nguyễn Thị Quế Hương.
Lý do đưa ra là vì hai bà này có hành vi vi phạm qui chế tuyển sinh, duyệt cho những học sinh không đầy đủ hồ sơ vào trường và không báo cáo trung thực với Sở chủ quản. Ngoài ra thường trực uỷ ban nhân dân cũng chỉ đạo công an thành phố khởi tố, điều tra bà Đỗ Thu Hoà vì nhận 2 ngàn đô la chạy trường.
Trong dịp này Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhơn nhận định rằng, hiện tượng chạy trường tiêu cực không chỉ xảy ra ở TP.HCM mà có thể ở nhiều địa phương khác nữa. Ông Nhơn cho biết Bộ giáo dục đào tạo sẽ xem xét để khắc phục tình trạng này.
Báo chí trong nước khi đưa tin về diễn biến mới trong vụ bê bối trường Lê Quí Đôn, vẫn còn tỏ ý hoài nghi về việc xử lý nghiêm chỉnh.
Như Tuổi trẻ Online ngày 12/9 đặt vấn đề rằng, liệu đường dây chạy trường này có đưa ra ánh sáng đúng như mức độ của nó hay không. Liệu những người liên quan có bị xử lý đúng người đúng tội để làm gương không. Đây là một câu hỏi lớn cần lời giải đáp.