Công tác cứu trợ nạn nhân cơn bão số 9


2006.12.06

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Cơn bão số 9, tức bão Durian, đã tàn phá nhiều tỉnh biển Nam bộ, thiệt hại nặng nề nhất về là các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre và Tiền Giang. Các công tác cứu trợ đã được thực hiện đến đâu, và người dân có nguyện vọng gì? Nhã Trân tổng hợp thông tin liên hệ và trình bày.

DurianTyphoonHouse200.jpg
Siêu bão Durian, tức bão số 9 đã đổ bộ vào khu vực Nam Bộ giết ít nhất 64 nạn nhân, đánh chìm 860 tàu thuyền và gây hư hại cho trên 18 ngàn căn nhà. AFP PHOTO.

Thiệt hại nặng nề

Tin tức sơ khởi cho biết tính đến nay số người thiệt mạng vì bão có khả năng tới trên dưới 100 người nếu tính tất cả những vùng bị ảnh hưởng, từ Trung ra đến Nam bộ. Thiệt hại nhân mạng đặc biệt cao tại một số địa phương bị bão tác động mạnh.

Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có ít nhất 35 người chết, 1.000 người bị thương và 21 người mất tích. Bến Tre, nơi được xem bị bão tàn phá nhiều nhất, mất đi 19 người và bị thương 200 người. Vĩnh Long có 4 người chết. Các thủy thủ thiệt mạng do tàu bị bão đánh chìm, còn người dân trong vùng là vì bị sập tường, cây đổ hoặc mái tôn cắt.

Nói về tổn hại vật chất, mọi nơi có bão quét vào đều bị ảnh hưởng. Nhà cửa nhiều khu vực bị giật sập, nhiều tàu bị tan nát, hất tung lên bờ trong khi nhiều tàu khác vùi sâu trong lòng biển.

Bến Tre có hơn 77 ngàn căn nhà bị sập hoặc tốc mái, 30 ngàn ếch ta lúa, cây ăn trái và vườn cây giống bị thiệt hại nặng. Bà Rịa-Vũng Tàu có 13 tàu thuyền bị chìm, khoảng 1 ngàn 500 nhà bị đổ, 40.000 căn bị tốc mái và nhiều khu công nghiệp tổn thất nặng nề.

Vĩnh Long có hơn 2 ngàn căn nhà bị sập, trên 8 ngàn căn bị tốc mái, 20 bè cá bị đắm. Thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, đảo Phú Quý có hàng chục tàu thuyền bị bão đánh nát. Gần nửa tổng số nhà của thị trấn Long Hải bị hư hại.

Khắc phục khó khăn sau bão

Hiện nay dân chúng các vùng này đang gắng dựng lại nhà để có chỗ che mưa nắng, nhưng không biết tới bao giờ mới thực hiện được. Khánh Hoà là nơi đầu tiên được dự báo là bão Durian đi qua, nhưng thoát nạn; một số vùng may mắn không bị thiệt hại nhiều về nhân mạng và vật chất.

Chị Xuân Lan ở thôn Cửu Lợi, huyện Cam Ranh cho biết: “Ở thôn Cửu Lợi, huyện Cam ranh nhà thì rung rinh, mái cũng rung rinh. Sập một hai đất vách trét, kề bên thì cũng bay tôn. Cây cối thì cũng gẫy đổ”

Ngụơc lại, Bà Rịa bất ngờ bị bão đánh mạnh. Chị Hùng ở Đắc Trung cho hay nhà cửa bị thiệt hại, và tình hình chung trong vùng sau khi cơn bão đi qua: “Khu này bị ảnh hưởng rất nhiều. Cách đó mười mấy căn thì có tróc mái hiên, bảng thì đổ xuống, cây thì trốc gốc”.

Hầu hết các ngư dân đối mặt với bão chưa hết cơn kinh hoàng với những gì xảy ra đêm 4-12. Tại nhiều vùng không khí tang tóc, bàng hoàng còn bao trùm thôn, xóm, cư dân còn chìm ngập thương đau. Cha mất con, vợ mất chồng, bé thơ đột nhiên trở thành trẻ mồ côi.

Xúc tiến các công tác cứu trợ

Cho đến hôm nay, công tác cứu trợ được coi là đã khởi sự. Theo các nguồn tin trong nước, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã tới thăm các gia đình bị thiên tai ở Giồng Trôm và Ba Tri, trong các nơi bị bão nặng nhất.

Ông Trọng chỉ đạo cho địa phương giúp dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Đoàn cứu trợ Quân khu 7 và lãnh đạo tỉnh Bình Thuận từ Phan Thiết bay ra đảo Phú Quý thăm dân tình và hiện trường. Đảo này được coi là bị tàn phá gần 100%.

Tỉnh uỷ Bến Tre thì cho biết vừa quyết định hỗ trợ khẩn cấp những gia đình có người thân thiệt mạng, và điều trị miễn phí cho những người bị thương.

Ngừơi dân các vùng bị nạn nói gì về sự trợ giúp của nhà nước, và có nguyện vọng ra sao? Chị Lan ở Cam Ranh cho hay chưa nghe chương trình yểm trợ nào, và bày tỏ mong đợi: “Không, không thấy tới. Tới thì cũng mừng thôi, mà chưa thấy tới. Thì trông cho tới thì mừng, mà không thấy tới , thì mình biết nói làm sao. Không thấy gì hết”.

Chị Hùng thì nói không đòi hỏi cho bản thân và gia đình, mà hy vọng những nạn nhân khác được giúp đỡ để sớm trở lại đời sống bình thường: “Em chưa nghe, chưa thấy nói gì, chưa thấy mấy đoàn cứu trợ.. Em thì không mong, nhưng cũng muốn cho mấy người bị mất nhà được giúp. Thì cứ đến nơi, đến đúng nhà, đúng địa chỉ. Em chỉ mong vậy thôi”.

Đến hôm nay một số bệnh viện tại các địa phương gặp nạn đang lâm vào tình trạng quá tải. Điển hình là bệnh viện Bà Rịa và bệnh viện Đa khoa Lê Lợi ở Vũng Tàu có gần 400 trăm nạn nhân nhập viện, trong khi xe cộ tiếp tục chở nạn nhân tới. Nhiều bệnh viện tại các huyện không còn thuốc, bông băng cấp cứu.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, chỉ huy phòng chống bão, và Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vừa kiểm điểm, phê bình lãnh đạo một số địa phương đã chủ quan trước bão, khiến hậu quả đổ trên vai người dân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.