UNICEF: Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn trong việc cung cấp nguồn nước sạch
2006.10.05
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9 công bố phúc trình về tình trạng nước, môi trường và vệ sinh toàn cầu trong vòng 15 năm qua. Bản báo cáo cho hay vấn đề nước uống đạt tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh cho người dân của các quốc gia đang phát triển, trong đó gồm Việt Nam, có một số tiến bộ tuy nhiên còn cần cải thiện nhiều.
Tình hình nước sạch tại Việt Nam hiện ra sao và có hệ quả gì đến con người? Nhã Trân trao đổi với giới chức UNICEF và dân trong nước.
Báo cáo của UNICEF cho biết từ năm 1990 đến 2004 tình hình cung cấp nước sạch trên thế giới đã được cải thiện phần nào, tuy nhiên vẫn còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Chưa đồng bộ
Theo bản phúc trình, tính đến cuối năm 2004 có 83% dân số toàn cầu được dùng nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh, tức 5% nhiều hơn so với 15 năm trước, nhưng hiện vẫn có hơn 1 tỉ người ở nhiều nơi không có nước sạch để uống hay nói một cách khác là phải uống nước không đạt yêu cầu về an toàn và vệ sinh.
Nghiên cứu của tổ chức quốc tế này cho biết riêng Châu Á, nhờ có những cải cách đúng hướng sẽ đạt mong đợi sớm hơn nhiều năm, dù vậy sự tiến bộ vẫn chưa hoàn toàn vì môi trường ngày càng bị ô nhiễm và không lượng cung không đáp ứng lượng cầu. Sự phát triển thiếu nhất quán đưa đến tình trạng thành thị được ưu đãi trong khi các vùng thôn quê hầu như không được quan tâm.
Cho đến năm 2004 Việt Nam chỉ mới có 85% dân số được cung cấp nước uống an toàn, sạch sẽ; trong đó 99% là người vùng thành thị và 80% là người vùng nông thôn
Tại các đô thị, thành phố người dân thường được hưởng nguồn nước sạch nhờ hệ thống dẫn nước được xây dựng. Ngược lại, ở rất nhiều nông thôn nếu địa phương không có chế độ cung cấp nước thì nguời dân phải tự tìm bằng cách múc từ sông, suối, ao, hồ; mà mức độ vệ sinh của các nguồn nước này thường không đủ tiêu chuẩn tối thiểu, chưa kể có thể bị ô nhiễm nghiêm trọng vì môi trường.
Bản báo cáo liệt kê Việt Nam vào một trong những quốc gia Châu Á còn bất cập trong việc phân phối nước sạch toàn quốc. Bà Therese Dooley, Cố vấn Trưởng về nước, môi trường và vệ sinh của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc, nói:
“Cho đến năm 2004 Việt Nam chỉ mới có 85% dân số được cung cấp nước uống an toàn, sạch sẽ; trong đó 99% là người vùng thành thị và 80% là người vùng nông thôn”
Nước bị nhiễm bẩn
Như báo cáo của UNICEF, nhiều cư dân thành phố cho biết nước dẫn vào nhà thường không tệ trừ trường hợp đôi khi bị nhiễm bẩn do ống dẫn nước bị han rỉ khiến bùn, đất theo vào đường ống, trong khi đó người dân tỉnh nhỏ cho hay tình trạng nước đục xảy ra thường xuyên, theo lời một phụ nữ tỉnh Long Xuyên:
“Nước không được trong. Mở từ máy ra nhưng mà nó hổng trong. Mình chấp nhận vậy thôi. Nước máy mở ra có màu vàng, giống như hệ thống không được chăm chút gì hết trơn. Còn sông thì người thả tùm lum hết… dơ quá rồi. Nước máy lại còn hôi nữa, chớ đừng nói chi mấy người phải xài nước sông”
Những người kém may mắn không có nước sạch để dùng. Theo các nghiên cứu y học nước uống nước thiếu vệ sinh có ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, và đôi khi cả đến tính mạng con người do mang nhiều mầm bệnh. Việt Nam lâu nay không ngừng phát hiện những ca bệnh về đường tiêu hóa do nước uống bị nhiễm độc.
Nước không được trong. Mở từ máy ra nhưng mà nó hổng trong. Mình chấp nhận vậy thôi. Nước máy mở ra có màu vàng, giống như hệ thống không được chăm chút gì hết trơn. Còn sông thì người thả tùm lum hết… dơ quá rồi.
Nhiều nguồn nước sạch ngày càng trở nên ô nhiễm do sự bất cẩn hoặc thiếu trách nhiệm của con người, với vô số nguyên nhân mà đáng nói nhất là việc các xí nghiệp ngang nhiên xả chất thải ra sông, hồ… hoặc người dân bỏ rác rưởi xuống ao, rạch.
Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc thông báo mỗi năm thế giới thứ ba có khoảng 1 triệu 500 ngàn trẻ em chết do tiêu chảy và một số bệnh tật khác vì không tiếp cận được nguồn nước sạch. Giám đốc Quỹ, bà Carol Bellamy, tuyên bố việc cung cấp nước an toàn, vệ sinh cho người nghèo là một trong các yếu tố giảm thiểu đói kém, khổ não cho dân địa cầu và đảm bảo được giáo dục cho trẻ em.
Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF khuyến cáo các quốc gia đang phát triển cần nỗ lực nhiều hơn để có thể thực hiện được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ mà họ đã cam kết.
Thông tin trên mạng:
- UNICEF - The State of the World's Children 2006: Exclude and Invisible
Những bài liên quan
- Thực trạng trẻ em lang thang trên đường phố VN
- Mỗi năm có 27 ngàn trẻ em Việt Nam chết vì tai nạn
- Nạn ô nhiễm môi trường trong nước ngày càng gia tăng
- Các khu cao ốc và cơ sở thương mại ngày càng lấn chiếm đất của công viên
- Phản ứng của người dân trước nạn ô nhiễm môi trường
- Nghị định thư về An toàn Sinh học
- Nguyên nhân và hậu quả của dịch ruồi tại Đà Nẵng
- Chất kích thích trong thức ăn
- Tình hình các trại trẻ mồ côi tại Việt Nam