Nhận xét của USCIRF về thoả hiệp Việt-Mỹ tự do tôn giáo tại Việt Nam

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm thứ tư tuần trước công bố đạt được thoả ước với Việt Nam về vấn đề tự do tôn giáo. Đây là thoả hiệp đầu tiên Hoa Kỳ ký kết với một quốc gia mà trước đó bị xếp loại CPC, nghĩa là "cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo", kể từ khi Luật về Tự do tôn giáo quốc tế được ban hành vào năm 1998.

0:00 / 0:00
ReligiousPraying150.jpg

Liên quan đến vấn đề này, Trà Mi đã có cuộc trao đổi với ông Scott Flipse, chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách, kiêm giám đốc các chương trình Đông Á, thuộc Ủy ban của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Hoan nghênh, nhưng vẫn chờ xem...

Trước tiên, ông Flipse cho biết đánh giá của ông về thoả hiệp Việt-Mỹ về tự do tôn giáo tại Việt Nam:

Scott Flipse: Tôi cho rằng đây chỉ là trao đổi văn bản về tự do tôn giáo giữa hai chính phủ, chứ không phải là một hiệp ước phải tuân thủ. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng chúng tôi không chắc về điều này, bởi đây là thoả hiệp mật giữa 2 nhà nước.

Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế hoan nghênh sự kiện này, nhưng chúng tôi vẫn đang chờ xem phía chính phủ Việt Nam thực thi ra sao những lời hứa cải thiện tự do tôn giáo mà họ đưa ra trong mấy tháng qua. Cũng cần nói thêm rằng chúng tôi không thấy thông cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đề cập đến những lĩnh vực chính cần quan tâm về tự do tôn giáo tại Việt Nam.

“Một bức tranh hỗn hợp”

Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế hoan nghênh sự kiện này, nhưng chúng tôi vẫn đang chờ xem phía chính phủ Việt Nam thực thi ra sao những lời hứa cải thiện tự do tôn giáo mà họ đưa ra trong mấy tháng qua.

Trà Mi: Nói vậy có vẻ ông không hoàn toàn hài lòng với thoả ước này. Ông có thể giải thích thêm vì sao không?

Scott Flipse: Tôi không biết nội dung cụ thể của thoả hiệp này là gì, vì đó là tài liệu mật. Cho nên, chúng tôi chỉ còn cách là chờ đợi xem thực hư ra sao. Tuy nhiên, tôi tin rằng cái văn bản đó chủ yếu chỉ ghi những lời hứa cải thiện tình trạng tôn giáo tại Việt Nam mà thôi, chứ không đưa ra những tiến bộ thực tế đáng kể.

Về những yếu tố khiến Việt Nam bị đưa vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm hồi năm ngoái, cũng như các hoạt động sách nhiễu tôn giáo một cách có hệ thống, thì chưa thấy chính quyền Việt Nam có hành động khắc phục cụ thể trong những tháng qua. Vẫn còn tù nhân tôn giáo.

Báo cáo cho thấy có hơn 1 ngàn nơi thờ phượng và hội họp tín ngữơng bị đóng cửa từ năm 2001 đến nay mà vẫn chưa được mở lại. Việc cữơng ép chối bỏ tín ngữơng thì mặc dù nhà nước có luật chính thức cấm, nhưng vẫn tiếp diễn hàng ngày, điển hình nhất là tại vùng cao nguyên Trung Phần, và tại nhiều khu vực khác trên toàn quốc nữa.

Song, phải ghi nhận rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong số các nước bị liệt kê vào danh sách cần đặc biệt quan tâm, có được 1 thoả hiệp về tôn giáo với Hoa Kỳ. Chúng tôi cho đó là 1 tín hiệu đáng mừng vì việc đưa vào danh sách kể trên đã mang lại những tiến triển về mặt ngoại giao, đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo.

Ý tôi muốn nói đây là một bức tranh hỗn hợp. Nó chứng tỏ tình trạng bị liệt vào danh sách "các quốc gia cần được đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo" có tác dụng đối với Việt Nam. Nó đã khiến chính phủ nước này lưu tâm hơn đến lĩnh vực tự do tôn giáo, đồng thời, cũng mang lại một vài thay đổi, điển hình là vài đợt phóng thích tù nhân.

Nhưng mặt khác, văn bản ký kết này chỉ mới chứa đựng những lời hứa, chứ không đưa ra những tiến bộ hay mục tiêu cụ thể nào. Chưa có những cuộc phóng thích tù nhân lương tâm với số lượng đáng kể. Các nơi thờ phượng bị đóng cửa chưa được mở lại.

Bạn nghĩ gì về nhận xét này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Tình trạng cưỡng ép bỏ tín ngữơng chưa chấm dứt. Lãnh đạo các cộng đồng tôn giáo vẫn còn bị sách nhiễu. Những điều khiến Việt Nam bị liệt vào danh sách quan tâm đặc biệt vẫn chưa được thay đổi. Mặc dù chúng tôi hoan nghênh những lời hứa cải tiến trong tương lai, nhưng chúng tôi vẫn còn nghi ngại, hay nói đúng hơn là chúng tôi muốn nhìn thấy những thay đổi thật sự đáng kể.

Chưa có cải thiện đáng kể

Trà Mi: Được biết là Ủy ban về Tự do Tôn giáo Quốc tế sắp sửa cho công bố 1 báo cáo có liên quan đến các quốc gia trong danh sách cần quan tâm đặc biệt. Ông có thể tiết lộ cho quý thính giả biết một vài chi tiết về phúc trình này không?

Scott Flipse: Vâng, trong cuộc họp báo vào 9h rưỡi sáng thứ tư, 11/5 (theo giờ Washington), chúng tôi sẽ công bố báo cáo thường niên.

Trong bản phúc trình này, chúng tôi sẽ đưa những đề nghị với Ngoại trưởng và Tổng thống rằng theo đánh giá của Ủy ban về Tự do Tôn giáo Quốc tế, Việt Nam chưa thực hiện những cải tiến đáng kể để được rút tên ra khỏi danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo trong năm 2005.

Một lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi có thấy một vài tiến bộ nho nhỏ, chứ chưa có cải thiện đáng kể. Vì vậy, chúng tôi cho rằng Việt Nam nên tiếp tục nằm trong danh sách này.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông vì thời gian dành cho cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Quý vị vừa nghe những nhận định về thoả hiệp Việt-Mỹ về tự do tôn giáo tại Việt Nam của ông Scott Flipse, chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách, kiêm giám đốc các chương trình Đông Á, thuộc Ủy ban của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế.