Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Đầu tháng này, chính phủ Hoa Kỳ cho phổ biến bản phúc trình tình báo trong đó nói về các nỗ lực chống khủng bố mà Washington cùng các nước đồng minh thực hiện từ sau biến cố 11 tháng Chín 2001.

Ðiều được chú ý nhất là bản phúc trình viết rằng đường dây khủng bố Al-queda và quân Taliban bắt đầu phục hồi, đang hoạt động trở lại, vì có thể lập căn cứ an toàn ở ngay trên lãnh thổ Pakistan, tại vùng nằm sát với biên giới Afghanistan.
Ngay tức khắc, dư luận tại Washington cho rằng các bằng chứng được những chuyên gia tình báo Mỹ đưa ra trong bản phúc trình xác nhận chính phủ Pakistan không làm tròn lời hứa hợp tác chống khủng bố mà Tổng Thống Pervez Musharaf đã đưa ra trong những lần gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Mỹ.
Ði xa hơn nữa, đã có người cho rằng trước tình huống này, cách hay nhất là Tổng Thống George W. Bush đưa quân vào Pakistan để tận diệt các mầm mống phá hoại cũng như để truy lùng kẻ thù số một của nước Mỹ là Osama Bin Laden.
Quan hệ giữa Pakistan và Hoa Kỳ là đề tài được Ban Việt Ngữ nói đến trong tuần này. Khách mời là Tiến Sĩ Nazir Kamal, một chuyên gia về quan hệ đối ngoại của Islamabad. Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.
Nguyễn Khanh: Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan luôn luôn nóng bỏng, nhưng có lẽ chưa bao giờ nóng như hiện giờ. Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa hai nước?
Tiến Sĩ Nazir Kamal: Thực tế mà nói, tôi nghĩ là mối quan hệ hai bên đang tốt đẹp. Hai nước cộng tác chặt chẽ với nhau ở nhiều lãnh vực, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố hai nước chia sẻ tin tức tình báo với nhau và sát cách với nhau trong trận chiến này.
Thực tế mà nói, tôi nghĩ là mối quan hệ hai bên đang tốt đẹp. Hai nước cộng tác chặt chẽ với nhau ở nhiều lãnh vực, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố hai nước chia sẻ tin tức tình báo với nhau và sát cách với nhau trong trận chiến này.
Tuy nhiên, không thể chối cãi là đôi lúc cũng có những khó khăn xảy ra trong quan hệ song phương giữa Washington và Islamabad, và hiện giờ trở ngại đang xảy ra chính vì bản phúc trình tình báo mới nhất của Hoa Kỳ.
Bản phúc trình tình báo
Nguyễn Khanh: Thưa ông tại sao vậy?
Tiến Sĩ Nazir Kamal: Bản phúc trình tình báo này dựa vào quá nhiều giả thuyết chứ không dựa vào thông tin chính xác và thực tế. Cá nhân tôi không tin vào những điều được đưa ra trong bản phúc trình, người dân Pakistan cũng chẳng tin vào bản phúc trình này và theo chỗ tôi hiểu thì đương nhiên, chính phủ Pakistan không thể nào tin vào những gì được ghi trong báo cáo này.
Tôi xin đưa ra một thí dụ. Phúc trình tình báo của nước Mỹ viết rằng quân khủng bố Al-Queda trú ẩn an toàn trên lãnh thổ của chúng tôi, ở vùng nằm sát với biên giới Afghanistan. Tôi có thể nói ngay với ông là các giới chức cao cấp nhất trong chính phủ rất ngạc nhiên về điều này. Bảo rằng quân khủng bố có chỗ trú ẩn an toàn là điều hoàn toàn sai, không ai có thể chấp nhận được lập luận kỳ quái như thế.
Tôi đồng ý là có thể có một vài phần tử Al-queda đang lẩn trốn ở khu vực đồi núi nằm giữa biên giới Pakistan và Afghanistan, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi tạo cơ hội cho chúng lẩn trốn.
Thành ra bản phúc trình này nói quá, tạo cho người khác có cảm tưởng là chính phủ, quân đội và ngay nhân dân Pakistan đều nhắm mắt làm ngơ, để mặc cho bọn khủng bố muốn làm gì thì làm. Ðiều đó hoàn toàn sai. Ðưa ra giả thuyết như thế thì không phải chỉ cho Pakistan, mà không nước nào có thể châp nhận được cả.
Nguyễn Khanh: Nhưng nếu quân khủng bố còn lẩn trốn thì có nghĩa là chúng vẫn có cơ hội ra tay phá hoại tiếp?
Tiến Sĩ Nazir Kamal: Như tôi vừa mới nói, có thể còn một vài phần tử của Al-Qaeda sợ bị giết đang trốn chui trốn nhủi, nhưng mặt khác tôi không tin là chúng có sức hay có khả năng để hành động, dù rằng chúng vẫn nuôi ý đồ phá hoại tiếp.
Ðiều tôi muốn nói là nếu chuyện không may xảy ra một lần nữa, tôi e rằng sẽ gây nên bởi những phần tử quá khích đang sống ở ngay trong nước đó, chứ không thể nào gây nên bởi những tên đang lẩn trốn ở vùng biên giới Pakistan và Afghanistan được. Tôi được nghe nói là theo tài liệu an ninh tình báo của Islamabad thì mấy tên đó không có đủ khả năng để phá hoại đâu.
Tôi không phủ nhận Al-Qaeda là một lực lượng rất nguy hiểm, nhưng nếu bảo rằng chúng ra tay phá hoại ở ngay địa phương chúng đang trốn tránh hay tìm cách vượt biên giới sang phần đất của Afghanistan thì may ra, may ra, còn nghe được, chứ bảo rằng Pakistan để yên cho chúng lập căn cứ, để yên cho chúng chờ cơ hội phá hoại thì không đúng.
Nguyễn Khanh: Nhưng thưa ông, ngay cả như ông vừa nói thì dù hiện tại chỉ có một vài tên khủng bố đang trốn lánh ở Pakistan, nhưng mọi người vẫn phải lo âu là vì có khả năng mầm mống khủng bố sẽ lan tràn mạnh hơn…
Tiến Sĩ Nazir Kamal: Không hẳn như thế. Nếu nhìn lại biến cố 11 tháng Chín năm 2001, chúng ta thấy ngay quân khủng bố là người gốc Ả Rập và chúng hiện diện ngay trên lãnh thổ Mỹ. Nếu nhìn vào những sự kiện vừa xảy ra ở bên Anh, chúng ta thấy có những tên khủng bố dù có gốc gác Pakistan, nhưng chúng lớn lên hoặc sinh sống ngay trên lãnh thổ Anh và có quốc tịch Anh.
Ðiều tôi muốn nói là nếu chuyện không may xảy ra một lần nữa, tôi e rằng sẽ gây nên bởi những phần tử quá khích đang sống ở ngay trong nước đó, chứ không thể nào gây nên bởi những tên đang lẩn trốn ở vùng biên giới Pakistan và Afghanistan được. Tôi được nghe nói là theo tài liệu an ninh tình báo của Islamabad thì mấy tên đó không có đủ khả năng để phá hoại đâu.
Nguyễn Khanh: Ông có vẻ lạc quan?
Tiến Sĩ Nazir Kamal: Chưa hẳn. Tôi chỉ nói chuyện thực tế.
Không đúng sự thật
Nguyễn Khanh: Lúc đầu, ông bảo rằng bản phúc trình tình báo của Hoa Kỳ không đúng sự thật. Dựa vào đâu để ông có thể nói điều đó?
Tiến Sĩ Nazir Kamal: Tôi biết vì chúng tôi có tin tức tình báo riêng, chúng tôi có mặt ngay tại chỗ để ghi nhận những dữ kiện cần thiết. Quân đội Pakistan có 85,000 binh sĩ hoạt động ngay trong vùng ranh giới với Afghanistan, và ngay cả người dân địa phương cũng cung cấp tin tức cho chúng tôi.
Nếu nói về kỹ thuật tình báo thì tôi không thể phủ nhận là nước Mỹ cho những kỹ thuật thật hiện đại, nước Mỹ có thể đặt máy nghe lén ở một chỗ nào đó nhưng chúng tôi có người khắp nơi.
Vì thế, tôi không ngạc nhiên khi thấy bản phúc trình được viết dựa theo những giả thuyết, những phỏng đoán. Tôi không dám nói rằng tất cả những gì được ghi trong bản phúc trình đều sai, nhưng có những kết luận mà ngay cá nhân tôi không thể nào chấp nhận được.
Nguyễn Khanh: Thế ông nghĩ sao về dư luận ở Washington cho rằng Hoa Kỳ nên đưa quân vào Pakistan để truy lùng khủng bố?
Tiến Sĩ Nazir Kamal: Tôi thấy đó là điều không hay. Không ai nghĩ đó là điều hay cả. Ông phải nhớ ngoài vị thế của một nước bạn, Pakistan còn là một quốc gia có chủ quyền.
Vì vậy, bất kỳ nước nào muốn làm gì trên lãnh thổ của Pakistan đều phải hỏi ý kiến và được sự chấp thuận chứ không thể đơn phương hành động được. Nếu Washington đơn phương hành động, lúc đó người dân Pakistan sẽ phản ứng và tôi có thể báo trước là lợi bất cập hại. Ðó là điều giới lãnh đạo Hoa Kỳ phải biết.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Kamal.