Hốt hoảng vì Khủng hoảng


2008.01.23

Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Long, RFA

Bóng ma suy trầm kinh tế đang ám ảnh thế giới. Trong hai ngày liên tiếp kể từ đầu tuần này , các thị trường chứng khoán lớn nhất từ Á qua Âu về tới Mỹ châu đều cùng tuột giá, còn nghiêm trọng hơn cơn chấn động sau vụ khủng bố năm 2001 tại Hoa Kỳ. Đến hôm thứ ba các thị trường châu Âu mới hồi phục đôi chút, sau khi ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm mạnh lãi suất.

TaipeiStockMarket150.jpg
Trong hai ngày liên tiếp kể từ đầu tuần này , các thị trường chứng khoán lớn nhất từ Á qua Âu về tới Mỹ châu đều cùng tuột giá, còn nghiêm trọng hơn cơn chấn động sau vụ khủng bố năm 2001 tại Hoa Kỳ. AFP PHOTO

Người ta sợ suy trầm kinh tế tại Mỹ có thể lây lan khắp nơi, mặc dù Tổng thống George W. Bush vừa đề nghị kế hoạch kích cầu kinh tế lên tới 140 tỷ Mỹ kim. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về nguy cơ ấy, qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây…

Định nghĩa suy trầm và suy thoái

Việt Long: Xin chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Kể từ Thứ Hai 21, trong mấy ngày đầu tuần, các thị trường chứng khoán trên thế giới đều theo nhau sụt giá, sau khi Tổng thống Mỹ đề nghị với Quốc hội một chương trình kích cầu kinh tế thị giá khoảng 140 tỷ đô la.

Lý do được nêu ra là các thị trường hoài nghi sự công hiệu của biện pháp cấp cứu của Chính quyền Hoa Kỳ, và kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm khiến thế giới bị lây hoạ. Rồi qua tới thứ ba thì ngân hàng trung ương Mỹ đã giảm lãi suất tới 0,75%, tức là rất mạnh. Và thị trường chứng khoán thế giới bớt đà suy giảm.

Vì lý do trên, chương trình chuyên đề tuần này đề nghị là chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về nguy cơ suy trầm, về chương trình kích thích kinh tế của Hoa Kỳ và về rủi ro lây lan qua các nền kinh tế khác. Đầu tiên nhờ ông vui lòng trình bày lại những định nghĩa của suy trầm và suy thoái về kinh tế.

Nguyễn Xuân Nghĩa Suy trầm, hay "recession" nói theo Anh ngữ, là khi đà tăng trưởng sản xuất bị sút giảm, tức là có tăng trưởng mà thấp hơn. Quy ước do Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra và nhiều nơi áp dụng chung là suy trầm xảy ra khi đà tăng trưởng sản xuất giảm sút liền trong ít nhất hai quý, là hai tam cá nguyệt hoặc sáu tháng liên tiếp.

Suy trầm, hay "recession" nói theo Anh ngữ, là khi đà tăng trưởng sản xuất bị sút giảm, tức là có tăng trưởng mà thấp hơn. Quy ước do Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra và nhiều nơi áp dụng chung là suy trầm xảy ra khi đà tăng trưởng sản xuất giảm sút liền trong ít nhất hai quý, là hai tam cá nguyệt hoặc sáu tháng liên tiếp.

Hoa Kỳ thì lại theo một định nghĩa mơ hồ hơn, đó là "khi sản xuất giảm sút một cách đáng kể trong nhiều lãnh vực và trong nhiều tháng liền." Nặng hơn thế, khi sản xuất không tăng, dù chậm hơn trước, mà còn giảm thì người ta có nạn suy thoái. Khi suy thoái kéo dài và lan rộng qua lãnh vực khác hay thị trường khác thì người ta bị nạn khủng hoảng kinh tế.

Cứ theo định nghĩa phổ thông ấy thì ta thấy rằng suy trầm là hiện tượng đã xảy ra mà người ta chỉ biết được sau khi kiểm chứng được thống kê về sản xuất trong quá khứ. Vì vậy, ta mới gặp một nan đề là chỉ có thể dự báo với xác suất cao hay thấp của một vụ suy trầm khi nó đã manh nha xảy ra từ một hai tháng trước.

Rủi ro của suy trầm

Việt Long: Trên diễn đàn này, qua các chương trình ngày 25 tháng Chín, rồi 14 và 24 tháng 12 vừa qua, ông đã có nói tới rủi ro suy trầm ấy, và cứ theo tình hình thị trường trong mấy ngày vừa qua thì có lẽ nạn suy trầm đã xảy ra, hoặc có khả năng xảy ra với xác suất cao?

Nguyễn Xuân Nghĩa Tôi xin giải thích đôi chút, rằng người ta có nghiệm thấy từ lịch sử kinh tế thị trường là sau một giai đoạn tăng trưởng bình quân là sáu năm thì sinh hoạt kinh tế có thể đình đọng hay suy trầm và gọi đó chu kỳ kinh doanh bình thường. Từ hơn nửa thế kỷ nay, nạn suy trầm như vậy tại Hoa Kỳ thường kéo dài trung bình chừng 10 tháng.

Lần trước, kinh tế Mỹ bị suy trầm là từ tháng Ba đến tháng 11 năm 2001, sau khi đã bị vụ khủng bố 9-11. Từ giai đoạn ấy tới nay, Hoa Kỳ lại lâm chiến, dầu thô lại tăng giá gấp ba, đồng đô la sụt giá phân nửa so với các ngoại tệ mạnh khác, và từ đầu năm ngoái còn bị khủng hoảng tín dụng vì loại tín dụng thứ cấp hay sub-prime trên thị trường địa ốc. Cho nên, nếu suy trầm có xảy ra tại Mỹ thì chẳng nên ngạc nhiên. Ăn thua là nặng hay nhẹ và dài hay ngắn mà thôi.

Việt Long: Nếu nhiều người đã có thể đoán trước là suy trầm xảy ra theo chu kỳ như vậy thì vì sao giới hữu trách lại không ngăn trước được?

Nguyễn Xuân Nghĩa Đây là câu hỏi rất lý thú vì cho thấy nhiều khía cạnh phức tạp của kinh tế thị trường.

Thứ nhất, kinh tế học hay cả kinh toán học cũng không là khoa học chính xác và mọi dự đoán đều có thể sai, chỉ có các nhà nước tập trung quản lý kinh tế mới tưởng rằng mình biết hết và có thể ứng phó được hết mọi chuyện. Đã thế, sau khi đã thu thập thống kê kinh tế của tháng trước, người ta còn phải duyệt lại và điều chỉnh thì mới có một mô tả tạm chính xác về quá khứ hầu dự báo tương lai, với ý thức là dự báo ấy vẫn có thể sai.

Thứ ba, quan trọng nhất, kinh tế xuất phát từ tâm lý của con người, từ giới tiêu thụ đến nhà sản xuất. Nếu chỉ dự đoán là kinh tế có thể bị suy trầm mà tung biện pháp chặn trước thì người ta có thể gây hốt hoảng cho thị trường, là điều có thể đang xảy ra, hoặc còn gây tác dụng ngược, là thổi bùng nạn lạm phát, vốn cũng là một mối lo đáng kể tại Mỹ.

HouseEconomic150.jpg
Giao động trên thị trường gia cư Hoa Kỳ đã châm ngòi cho hàng loạt các vụ bán tháo trên mọi thị trường tài chính thế giới khiến các ngân hàng trung ương từ Âu sang Úc. AFP PHOTO

Thứ tư, một số người còn quan niệm rằng thị trường có sự thăng giáng tự nhiên và cần thiết của chu kỳ kinh doanh. Nếu mình chủ quan duy ý chí can thiệp vào thị trường thì có khi còn gây họa nặng hơn. Một thí dụ nổi tiếng là sau vụ sụt giá cổ phiếu tại Mỹ năm 1929, chính là các biện pháp can thiệp của Chính quyền Hoa Kỳ mới gây ra khủng hoảng rồi tổng khủng hoảng từ 1929 đến 1933, một nguyên nhân xa của Thế chiến II. Cho nên, dù dự báo với mức độ chính xác nào đó chỉ có thể kiểm chứng về sau, người ta cũng cần thận trọng trong biện pháp đối phó để không gây tác dụng phụ hay tác dụng ngược!

Chương trình kích thích kinh tế của Tổng thống Bush

Việt Long: Bây giờ ta bước qua phần hai, chương trình kích thích kinh tế mà Tổng thống Bush đã đề nghị hôm Thứ Sáu 18 vừa qua. Vì sao các thị trường thế giới lại có vẻ hoài nghi với kết quả của chương trình ấy nên cổ phiếu mới sụt giá đồng loạt vào ngay Thứ Hai? Và đến thứ ba thì ngân hàng trung ương Hoa Kỳ lại đột ngột cắt giảm lãi suất rất nặng?

Nguyễn Xuân Nghĩa Thông thường, khi kinh tế suy trầm vì sản xuất sút giảm, người ta có biện pháp tiền tệ là hạ lãi suất cho tiền rẻ hơn, lưu hành nhiều hơn để kích thích tiêu thụ và nâng đà sản xuất. Đây là biện pháp có hiệu quả sớm nhất. Kế đó là biện pháp thuế vụ là bơm thêm tiền vào kinh tế cũng để kích thích tiêu thụ, qua các mục tăng chi có hiệu quả nhanh hay chậm tùy loại. Thứ ba là loại biện pháp về cơ chế là giải toả ách tắc để nâng đỡ đầu tư và sản xuất, với hiệu quả còn chậm hơn nữa, có khi vài năm sau mới thấy.

Tứ tháng Tám năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã ba lần hạ lãi suất ngắn hạn, tổng cộng 100 điểm, tức là 1%, để giảm bớt mối nguy ách tắc tín dụng sau vụ khủng hoảng thị trường sub-prime. Ngày hôm qua họ bất ngờ hạ thêm 75 điểm ngoài phiên định kỳ dự trù vào ngày 30 sắp tới, là ngày mà có thể họ sẽ hạ thêm 25 đỉểm nữa, tức là thêm 0,25%.

Đó về biện pháp tiền tệ mà trong chương trình phát thanh hồi tháng Tám chúng ta đã nói tới. Với lãi suất liên ngân hàng hiện là 3,50% thì Mỹ còn có thể hạ lãi suất được nhiều, khác với Ngân hàng Trung ương Nhật nay có lãi suất là 0,50% - miễn là biện pháp nới lỏng tiền tệ không thổi bùng lạm phát vì bơm quá nhiều tiền vào kinh tế.

Việt Long: Thế thì chương trình của Tổng thống Bush thuộc về lãnh vực thuế vụ phải không?

Nguyễn Xuân Nghĩa Ngân hàng Trung ương Mỹ là định chế độc lập, có quyền quyết định về chính sách tiền tệ và tín dụng, và chỉ báo cáo định kỳ cho Quốc hội chứ không do Hành pháp hay Lập pháp chỉ huy chính là vì e ngại chính trị chi phối chuyện tiền bạc của dân chúng. Còn lại, Tổng thống có thể đề nghị loại biện pháp thuế vụ hoặc giải toả cơ chế, với sự đồng ý phê chuẩn của Quốc hội.

Tuần qua, sau khi tham khảo ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, Tổng thống Bush đề nghị một chương trình kích cầu gồm có bốn điểm chính là 1) nhất thời trả lại một số tiền thuế cho dân có thêm tiền chi tiêu, 2) nhất thời mở rộng việc trợ cấp thất nghiệp, 3) gia tăng thành phần được trợ cấp lương thực, và 4) là nâng mức khấu hao hay chiết cựu cho doanh nghiệp có thêm hiện kim tiền mặt trong việc đầu tư và sản xuất. Kết quả còn do Quốc hội quyết định và có thể là một khoản tiền chừng 140 tỷ Mỹ kim bơm vào nền kinh tế.

Tổng sản lượng GDP của Mỹ trong năm qua được ước lượng là gần 14 ngàn tỷ đô la, chính xác là 13,700 tỷ đô la . Khoản tiền kích cầu này trị giá 140 tỷ bằng 1% của GDP thì không phải là nhỏ như dư luận nói. Nhưng vì nó không là liều thuốc đúng bệnh đúng thời nên mới gây thất vọng.

Không đúng thời

Việt Long: Một khoản tiền như vậy là chưa đủ hay sao mà các thị trường tài chính lại thất vọng và tuột giá liên tiếp?

Nguyễn Xuân Nghĩa Tổng sản lượng GDP của Mỹ trong năm qua được ước lượng là gần 14 ngàn tỷ đô la, chính xác là 13,700 tỷ đô la . Khoản tiền kích cầu này trị giá 140 tỷ bằng 1% của GDP thì không phải là nhỏ như dư luận nói. Nhưng vì nó không là liều thuốc đúng bệnh đúng thời nên mới gây thất vọng.

Việt Long: Ông vui lòng giải thích vì sao nói là không đúng bệnh đúng thời.

Nguyễn Xuân Nghĩa Thứ nhất là về tính chất kịp thời, thì biện pháp này có khi được áp dụng quá trễ.

Khi kinh tế Mỹ bị suy trầm năm 2001, cũng chính Tổng thống Bush đã đề nghị trả thuế lại cho mỗi người vài trăm mà Quốc hội mất năm tháng mới ban hành thành luật và khi chi phiếu in ra gửi tới từng nhà vào tháng Chín năm đó thì kinh tế bắt đầu ra khỏi suy trầm, và tác dụng của biện pháp ấy chỉ lan toả một năm sau.

Năm nay, dù Quốc hội có cấp tốc duyệt xét và đồng ý với đề nghị của Tổng thống thì cũng còn mất nhiều tuần, vì nhiều vị đại diện dân cử còn lo đi tranh cử. Và đúng lúc này, nhân viên cơ quan thuế vụ liên bang IRS và bộ Ngân khố lại đang ở giữa mùa khai thuế nên sớm lắm việc cấp phát chi phiếu giảm thuế cũng chỉ hoàn thành vào tháng Sáu. Tức là có thể quá trễ, và chắc chắn là chậm công hiệu hơn biện pháp hạ lãi suất.

Không đúng bệnh

Kinh tế Mỹ khó tránh nổi nạn suy trầm vì dư luận Mỹ đã hốt hoảng do hàng loại tin xấu được loan truyền làm lượng hàng bán lẻ sa sút nặng trong tháng 12 và sẽ còn sa sút trong tháng Giêng này. Mà tiêu thụ lại chiếm gần 70% tổng sản lượng Mỹ, khi dân Mỹ bi quan và bớt chi tiêu thì suy trầm càng dễ xảy ra. Khi suy trầm xảy ra, tiêu thụ tại Mỹ sẽ giảm, nhập khẩu vào Mỹ cũng giảm theo.

Việt Long: Đó là chuyện không đúng thời. Còn chuyện ông gọi là không đúng bệnh thì thế nào và tại sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa Có thể chỉ là liều thuốc gây mê trong mùa tranh cử thôi. Nếu vấn đề quả là sự suy sụp của thị trường gia cư và vụ bể bóng tín dụng thứ cấp sub-prime thì vì sao Chính quyền, là Hành pháp và Quốc hội, không giải quyết thẳng vào vấn đề ấy mà lại trả thuế cho dân trong có một lần? Lý do là biện pháp hời hợt ấy có hy vọng được Quốc hội chấp thuận mau lẹ vì cuộc tranh cử vào tháng 11 này, vì vậy mới gọi là mị dân.

Thuần về kinh tế, khi kinh tế sa sút, một hộ gia đình có hai vợ chồng khai thuế lợi tức mà được trả lại chừng 1.200 đồng thì họ sẽ không xài ngay hay xài hết, mà cố để dành hầu có thể ứng phó với những khó khăn trước mắt. Vì vậy, tác dụng kích cầu có thể công hiệu chậm và nhất là rất ít.

Thứ hai, khi mở rộng trợ cấp thất nghiệp thì người lãnh tiền trợ cấp lâu hơn lại càng thấy dễ thở hơn nên… chậm đi kiếm việc hơn. Chồng mà có thêm trợ cấp thất nghiệp thì vợ có thể đi làm ít giờ hơn, là điều các nhà nghiên cứu kinh tế đều thấy ra mà giới chính trị lại ít dám nói tới vì sợ mất lòng cử tri trong một mùa tranh cử.

Việt Long: Cuối cùng là điều rất đáng quan tâm, đó là câu hỏi: Nếu kinh tế Mỹ bị suy trầm thì kinh tế các nước khác sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa Kinh tế Mỹ khó tránh nổi nạn suy trầm vì dư luận Mỹ đã hốt hoảng do hàng loại tin xấu được loan truyền làm lượng hàng bán lẻ sa sút nặng trong tháng 12 và sẽ còn sa sút trong tháng Giêng này. Mà tiêu thụ lại chiếm gần 70% tổng sản lượng Mỹ, khi dân Mỹ bi quan và bớt chi tiêu thì suy trầm càng dễ xảy ra. Khi suy trầm xảy ra, tiêu thụ tại Mỹ sẽ giảm, nhập khẩu vào Mỹ cũng giảm theo.

Kinh tế càng sống nhờ vào thị trường Hoa Kỳ thì càng bị ảnh hưởng nặng. Mặc dù chỉ sản xuất ra hơn 27% tổng sản lượng của thế giới, kinh tế Hoa Kỳ ảnh hưởng tới 60% vào đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, nên suy trầm tại Mỹ dễ kéo theo suy trầm của các nước khác. Bây giờ là sự vận hành của quy luật hốt hoảng, là trường hợp đáng lo, chứ về thực chất thì nếu kinh tế Mỹ có suy trầm thì chỉ bị nhẹ và sẽ không kéo dài. Đó là lý do tuột giá cổ phiếu trên thế giới.

Người ta cứ tưởng rằng Đông Á hay các nền kinh tế mới nổi nay đã có thể tách rời khỏi nhịp độ tăng trưởng tại Hoa Kỳ. Sự thật lại chưa lạc quan như vậy, điển hình là Trung Quốc Ngân hàng BoC, một đại gia của Trung Quốc, đang chuẩn bị kết số bị lỗ gần tám tỷ Mỹ kim trong vụ sub-prime tại Mỹ, và đây không phải là ngân hàng duy nhất của xứ này đã mất tiền tại Mỹ.

Nhiều nước Á châu đang bị lạm phát mạnh có khi còn bị suy trầm vào cuối năm nay, là một giả thuyết không mấy lạc quan cho Việt Nam. Khi đó, trái bóng nào cũng bể và tiền lại chảy ngược về Mỹ. Chúng ta sẽ còn cơ hội trở lại chuyện này nay mai.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.