Bóng mờ Trung Quốc lên mối quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam
2005.12.14
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam luôn luôn bị bao phủ bởi bóng mờ Trung Quốc. Ðây là điều hầu như không thể tránh khỏi vì những liên hệ chặt chẽ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong nhiều thập kỷ qua, dù tại Việt Nam phe ủng hộ thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ mỗi ngày một mạnh hơn và dù Washington muốn có sự tham gia của Hà Nội trong bài toán chung nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Hoa Lục.

Nguyễn Khanh của Ðài chúng tôi có trao đổi với ông Raymond Brughardt, Cựu Ðại Sứ Mỹ ở Việt Nam về mối quan hệ tay ba Việt-Mỹ-Trung. Ông Burghardt hiện đang làm việc cho Trung Tâm Nghiên Cứu Ðông-Tây ở bang Hawaii.
Nguyễn Khanh: Bóng mờ Trung Quốc phủ rộng đến mức nào và ảnh hưởng thế nào trong mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội?
Raymond Brughardt: Trong những năm gần đây, chúng ta thấy Trung Quốc trở thành một nước mạnh hơn, ảnh hưởng của họ ở Ðông Nam Á cũng tăng lên. Chúng ta cũng thấy chính sách ngoại giao của Bắc Kinh được thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn, các nhà ngoại giao Hoa Lục không còn ở trong tòa đại sứ nữa, họ xuất hiện khắp nơi và ngay cả chính sách thương mại của Trung Quốc cũng được thể hiện rõ rệt hơn, hiệp ước thương mại được ký kết với nhiều nước tại Châu Á.
Chúng ta phải công nhận là ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên. Chúng ta cũng thấy sau trở ngại xảy ra hồi 1979, Việt Nam và Trung Quốc bây giờ đang cố gắng giải tỏa những khác biệt, và trong những năm gần đây, có thể nói quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã bình thường trở lại. Tôi nghĩ rằng phía Việt Nam coi đó là điều tốt, nhưng đồng thời cũng có những lo âu.
Giới lãnh đạo và những viên chức ngoại giao của Việt Nam quan ngại, cho rằng cần phải cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Ðông Nam Á, và các giới chức Việt Nam thấy được vai trò quan trọng của Hoa Kỳ trong việc tạo sự cân bằng mà họ mong muốn đó.
Chúng ta phải công nhận là ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên. Chúng ta cũng thấy sau trở ngại xảy ra hồi 1979, Việt Nam và Trung Quốc bây giờ đang cố gắng giải tỏa những khác biệt, và trong những năm gần đây, có thể nói quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã bình thường trở lại.
Nguyễn Khanh: như thế có phải Washington muốn Việt Nam cùng với Hoa Kỳ ngăn cản mức bành trướng của Trung Quốc không, và nếu đúng, Việt Nam sẽ đóng vai trò gì trong chiến lược của Hoa Kỳ về cả hai mặt chính trị và quân sự?
Raymond Brughardt: Tôi thấy điều quan trọng là phải nhấn mạnh đến quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Có rất nhiều lý do khiến Hoa Kỳ thấy cần phải có quan hệ tốt với Việt Nam. Quan hệ này được xây dựng từ trước ngày hai nước chính thức thiết lập bang giao hồi năm 1995, vì lịch sử cũng có, như giải quyết những tồn đọng còn lại sau chiến tranh, chẳng hạn như POW và MIA, cho người Việt sang Mỹ đoàn tụ với thân nhân; sau đó là quan hệ về thương mại, đầu tư, và cả những quan hệ về các chương trình nhân đạo.
Cách đây chừng 2 năm rưỡi, từ giữa năm 2003, hai bên bắt đầu thảo luận về chiến lược và hợp tác quân sự song phương. Ðúng, cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều thấy chung một quan điểm là phải tạo thế cân bằng ở Châu Á, cân bằng về quyền lực, phải làm sao đảm bảo được điều mà tôi gọi là cùng dựng rào cản để giảm bớt việc tha hồ bành trướng thế lực của Trung Quốc trong khu vực. Nhưng điều này chỉ là một phần trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thôi.
Nguyễn Khanh: Liệu Trung Quốc có muốn thấy quan hệ Việt-Mỹ tốt hơn không?
Raymond Brughardt: Tôi nghĩ rằng Trung Quốc hiểu thực tế là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang phát triển và sẽ tiếp tục phát triển. Tôi cũng nghĩ là Trung Quốc biết không thể ngăn cản được điều này, tương tự như chuyện Hoa Kỳ mở rộng quan hệ với Ấn Ðộ.
Và qua những bài viết được Hoa Lục phổ biến, chúng ta thấy Trung Quốc quan tâm đến việc Hoa Kỳ cải tiến quan hệ với Việt Nam, với Ấn Ðộ, với các nước Trung Á. Bắc Kinh coi đó là bằng chứng Hoa Kỳ muốn ngăn cản họ, muốn gây khó khăn cho họ. Tôi cho rằng Bắc Kinh đã nói quá khi bảo rằng họ bị đe dọa, nhưng rõ ràng là họ quan tâm.
Nguyễn Khanh: Tin từ Việt Nam cho thấy sau những khó khăn ban đầu, bây giờ tiếng nói của thành phần được được dư luận đánh giá là “thân Mỹ” mỗi ngày một có uy thế hơn. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một thành phần khác được gọi là “thân Trung Quốc” với thế lực chính trị vững mạnh hơn. Ông Ðại Sứ có đồng ý như vậy không?
Raymond Brughardt: Tôi không biết có dễ để nói rằng nhóm này thân Mỹ, nhóm kia thân Trung Quốc không. Theo tôi, ngay cả những người mà ông gọi là “thân Mỹ” cũng có những ngờ vực về Mỹ, những người được ông xếp vào diện “thân Trung Quốc” cũng có những ngờ vực về Trung Quốc. Người Việt thấy mệt mỏi, thấy chán, về cả hai nước.
Nhưng tôi cũng thấy là có nếu quả sự khác biệt trong giới lãnh đạo Việt Nam, thì những người muốn thân thiện hơn với Hoa Kỳ cũng chính là những người muốn thấy đổi mới về kinh tế hơn, và theo tôi những người này ngày một nhiều hơn, đang chiếm ưu thế hơn. Tôi thấy những người theo chiều hướng này ngày một đông hơn.

Nguyễn Khanh: Dưới nhiều hình thức khác nhau, chính thức cũng như bán chính thức, các giới chức Mỹ cho biết Washington ủng hộ một mối quan hệ bền chặt với Việt Nam. Tôi nhớ một ngày trước khi Thủ Tướng Phan Văn Khải đến Nhà Trắng, một viên chức cao cấp hành pháp nói với tôi rằng chuyến viếng thăm là bằng chứng xác định Washington sẵn sàng tiến gần hơn nữa với Hà Nội.
Ông Khải sang đây vận động gia nhập WTO, vận động bỏ tên Việt Nam khỏi danh sách “các nước cần đặc biệt quan tâm CPC” vì đàn áp tôn giáo, và cả hai điều ông Khải mong muốn đều không thành công. Trong khi đó, ông Hồ Cẩm Ðào sang thăm Hà Nội loan báo Việt Nam hoàn tất thương thuyết WTO với Trung Quốc, cam kết đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương lên gấp 2 lần trong thập kỷ tới. Dường như phía Trung Quốc biết nắm lấy cơ hội, còn Hoa Kỳ thì không, hay không muốn. Ông Ðại sứ nghĩ sao?
Raymond Brughardt: Không đúng như vậy đâu. Hoa Kỳ muốn cải tiến quan hệ với Việt Nam và quan hệ hai nước đang được cải tiến. Nhưng Hoa Kỳ có những căn bản, cần phải theo khi thực hiện chính sách với Việt Nam, và cũng có những điểm căn bản phải có khi hoạch định chính sách với các nước khác.
Một trong các điểm căn bản đó là việc ký kết bản hiệp ước để Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO. Chúng tôi muốn thấy Việt Nam thực hiện những điều đã cam kết khi ký bản hiệp định thương mại song phương, chúng tôi cũng không muốn ký những bản hiệp định rồi sau đó, nước ký kết không thi hành.
Ðiều đáng tiếc là Việt Nam và một số nước khác ở trong cảnh khó khăn sau khi Hoa Kỳ ký kết hiệp ước với Trung Quốc và nhiều năm sau đó, Bắc Kinh vẫn không thực hiện những gì đã ký. Washington không muốn điều đó xảy ra nữa.
Riêng với Việt Nam, chúng ta lại có những vấn đề khác nữa, từ chuyện phải mở rộng thị trường, phải tạo sân chơi công bằng cho các công ty Mỹ vào đầu tư, đây là những điểm vẫn chưa được thực hiện. Ngoài ra, thâm thủng mậu dịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đang tăng rất nhanh, đó là những điều Hoa Kỳ muốn thấy Việt Nam giải quyết, chưa kể đến những vấn đề khác nữa như nhân quyền.
Về nhân quyền, Hoa Kỳ coi đây là điểm căn bản khi hoạch định chính sách ngoại giao, và có lẽ ông nhớ lúc tôi còn làm đại sứ Mỹ ở Hà Nội, tôi đã nhiều lần nói nhân quyền tiếp tục là rào cản cho bước tiến quan hệ song phương. Ðến bây giờ điều tôi nói vẫn đúng.
Chính sách ngoại giao là một vấn đề phức tạp, mỗi nước có những quan tâm khác nhau khi hoạch định chính sách với một nước khác, quan tâm về chiến lược, quan tâm về nhân quyền, quan tâm về thương mại, quan tâm về những ưu tư của cộng đồng người Mỹ gốc Việt chẳng hạn, và phải làm sao cân bằng được mọi chuyện khi thi hành chính sách ngoại giao. Có thể Trung Quốc soạn và thực hiện chính sách ngoại giao của họ dễ dàng hơn là Mỹ.
Chính sách ngoại giao là một vấn đề phức tạp, mỗi nước có những quan tâm khác nhau khi hoạch định chính sách với một nước khác, quan tâm về chiến lược, quan tâm về nhân quyền, quan tâm về thương mại, quan tâm về những ưu tư của cộng đồng người Mỹ gốc Việt chẳng hạn, và phải làm sao cân bằng được mọi chuyện khi thi hành chính sách ngoại giao. Có thể Trung Quốc soạn và thực hiện chính sách ngoại giao của họ dễ dàng hơn là Mỹ.
Nguyễn Khanh: Không phải chỉ có Hà Nội mà nhiều nước đang phát triển khác đều có chung ý nghĩ làm bạn với Mỹ không dễ, và điều này cản trở rất lớn cho những người Việt Nam có chủ trương muốn tiến gần hơn với Hoa Kỳ. Ðây là phút nói thật: thưa ông Ðại Sứ, liệu Việt Nam có thể xem Mỹ là một người bạn được không?
Raymond Brughardt: Được chứ. Tôi nghĩ là Việt Nam có thể xem Hoa Kỳ là một người bạn. Tôi còn nhớ hồi tháng 7 năm ngoái, khi loan báo khoản tiền giúp các nước phòng chống HIV/AIDS, chính Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush tuyên bố Việt Nam là nước duy nhất ở Châu Á được giúp đỡ, và trong bài diễn văn đọc ở Philadelphia, Tổng Thống Bush cũng nói Hoa Kỳ là bạn của Việt Nam. Bạn không có nghĩa là phải đồng ý với nhau ở tất cả mọi chuyện. Tình bạn có nghĩa là chúng ta có thể trình bày thẳng thắn về những điều không đồng ý với nhau. Tôi tin Việt Nam có thể coi Hoa Kỳ là người bạn.
Nguyễn Khanh: Ông đại sứ là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, đồng thời là một chuyên gia về Việt Nam và về Trung Quốc. Nếu có dịp ngồi ăn cơm với ông Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh của Việt Nam, ông sẽ đưa ra đề nghị gì để Hà Nội và Việt Nam bước vào “thế hệ quan hệ thứ hai”?
Raymond Brughardt: Tôi đã có dịp ông Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh, và sau này, nếu có dịp gặp lại ông Mạnh, tôi sẽ nói những điều tôi vừa trình bày, tức là về tầm quan trọng của mối quan hệ song phương Mỹ-Việt, và mong ông Mạnh đừng ngạc nhiên khi thấy vẫn còn những điểm Hoa Kỳ và Việt Nam không đồng ý với nhau.
Nhưng điều ông Mạnh có thể biết trước là trái với những nước khác, Hoa Kỳ không bao giờ dấu diếm các bất đồng đó, những viên chức Mỹ sẽ thẳng thắn trình bày và thảo luận với Việt Nam. Tôi cũng trình bày là Hoa Kỳ biết rõ những điểm quan trọng trong mối quan hệ với Việt Nam, và dù có những bất đồng về thương mại, về nhân quyền, nhưng không hề có khác biệt về chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và có nhiều chiến lược hai bên có thể cùng hợp tác, trong đó có cả mục tiêu cân bằng thế lực ở Châu Á.
Tôi cũng sẽ trình bày với ông Mạnh rằng Hoa Kỳ coi trọng vị thế quan trọng của Việt Nam, vị thế của một quốc gia đông dân, vị thế của một quốc gia phát triển nhanh, và chúng tôi tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ còn vững mạnh hơn nữa trong tương lai, cũng như sẽ chiếm vị thế quan trọng hơn nữa ở ASEAN. Nếu nhìn các nước ASEAN, chúng ta đều thấy Việt Nam đang dần dần tiến đến vị trí đứng đầu. Hoa Kỳ biết rõ điều đó và đánh giá cao quan hệ với Việt Nam.
Nguyễn Khanh: Và ông sẽ đề nghị những gì nếu có cơ hội tương tự với Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush?
Raymond Brughardt: tôi cũng sẽ nói những điều tương tự. Tôi sẽ nhắc lại những quyền lợi mà Hoa Kỳ có được trong mối quan hệ với Việt Nam. Tôi sẽ nói với Tổng Thống George W. Bush là đừng để một vấn đề gây cản trở mọi chuyện. Nói cách khác, hiện giờ chúng ta đang quan tâm đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, chúng ta nên làm những gì cần làm để Chính Phủ Việt Nam cải thiện tình trạng hiện nay, nhưng đừng dùng nó để gây cản trở cho những bước tiến khác, đừng vì tự do tôn giáo mà ngưng thảo luận về POW và MIA, ngưng thảo luận để Việt Nam gia nhập WTO.
Bạn nghĩ gì về những nhận định của cựu Đại sứ Raymond Brughardt? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Theo tôi thấy, đó chính là chính sách mà Tổng Thống George W. Bush đang thực hiện, nhưng đôi khi, vẫn có những người muốn liên kết chuyện này với chuyện khác, nên nếu có dịp, tôi sẽ yêu cầu Tổng Thống Bush là về mặt ngoại giao, đừng làm như thế.
Nguyễn Khanh: xin cám ơn ông Ðại Sứ.
Những bài liên quan
- Thương mại toàn cầu bị đe dọa
- Hội nghị WTO khai diễn tại HongKong giữa làn sóng biểu tình
- Cựu Đại sứ Raymond Burghardt: Hoa Kỳ luôn luôn muốn mở rộng quan hệ với Việt Nam
- Việt Nam và Trung Quốc kết thúc vòng họp thứ 12 về biên giới
- Hoa Kỳ gia hạn thêm 1 năm Hiệp định dệt may với Việt Nam
- Mối liên hệ giữa việc gia nhập WTO và nhân quyền tại Việt Nam
- Thực trạng phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay
- Dân biểu Christopher Smith: Quốc hội Mỹ sẽ theo dõi sát tình hình tôn giáo tại Việt Nam
- Tổng thư ký LHQ Kofi Annan hoãn chuyến viếng thăm Việt Nam và Á Châu
- Việt Nam và WTO (VI)
- Việt Nam và WTO (V)
- Việt Nam và WTO (IV)
- Việt Nam và WTO (III)
- Việt Nam và WTO (II)
- Việt Nam và WTO (I)
- Việt Nam giảm mức thế nhập khẩu cho các hàng may mặc hòan chỉnh
- Việt Nam hy vọng sẽ sớm được thu nhận vào WTO
- Nhiều công ty Mỹ quan tâm đến thị trường viễn thông Việt Nam
- Hội Nghị thượng đỉnh APEC năm nay có gì lạ?
- Phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tư Pháp về khả năng gia nhập WTO của Việt Nam
- Thứ trưởng thương mại Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam
- Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết thỏa thuận mở lại chương trình ODP
- Chuyến đi thị sát tình hình tôn giáo tại Việt Nam của phái đoàn Ðại sứ quán Hoa Kỳ
- Vòng đàm phán Doha và vấn đề trợ cấp nông nghiệp của Liên minh Châu Âu
- Việt Nam bị duy trì trong danh sách CPC có nghĩa gì?