Hoa Kỳ sẽ sớm quyết định có hay không giữ tên Việt Nam trong danh sách CPC

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Sáu vừa qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tổ chức họp báo tại Washington để phổ biến bản phúc trình hàng năm nói về tình hình tự do tôn giáo toàn cầu.

JohnHanford200.jpg
Đại Sứ Hoa Kỳ đặc trách về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế John Hanford trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington.

Nhân dịp này Ðặc sứ tôn giáo của Hoa Kỳ John Hansford cho biết Ngoại trưởng Condoleezza Rice sẽ sớm có quyết định về việc duy trì hay giữ tên Việt Nam trong danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo CPC.

Nhiều nước Á Châu tiếp tục đàn áp tôn giáo

Phúc trình 2006 về tự do tôn giáo toàn cầu do Bộ Ngoại Giao Mỹ thực hiện gửi cho Quốc Hội Liên Bang viết rằng trong năm 2006, tình hình được cải tiến ở một số quốc gia, nhưng chính quyền ở những nước khác lại gia tăng đàn áp tôn giáo và những người có niềm tin vào tín ngưỡng.

Trong phần nói về Châu Á, bản phúc trình được phổ biến cách đây ít giờ đồng hồ, Bộ Ngoại Giao Mỹ nói tự do tôn giáo tại Trung Quốc vẫn chưa được tôn trọng, Bắc Kinh vẫn đàn áp những tổ chức tôn giáo không đăng ký với chính quyền hoặc không được nhà nước cho phép hoạt động.

Ngay cả với các tổ chức tôn giáo được công nhận, mọi sinh hoạt, địa điểm cầu nguyện, kế hoạch phát triển đều phải xin phép chính quyền.

Ở Ấn Ðộ, Chính Phủ trung ương chứng tỏ quyết tâm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân, nhưng bị chỉ trích là không nhanh chóng bênh vực quyền lợi của các cộng đồng tôn giáo thiểu số, và ở một số địa phương, những người lãnh đạo vẫn đưa ra những quyết định nhằm ngăn cản, giới hạn quyền tự do tín ngưỡng của người khác.

Ðối với Bắc Hàn, phúc trình của Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết dù hiến pháp ghi rõ là nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, nhưng Bình Nhưỡng giới hạn tối đa các sinh hoạt tôn giáo của người dân, và chỉ có những tổ chưc, đoàn thể tôn giáo nằm dưới quyền kiểm soát của Bình Nhưỡng mới được quyền hoạt động.

Phúc trình cũng dành một phần không nhỏ để nói đến tình hình tôn giáo ở vùng Trung Ðông. Chẳng hạn như tại Ả Rập Saudi, Hồi giáo được coi là quốc giáo và luật lệ vẫn bắt buộc tất cả mọi công dân phải theo đạo Hồi, vì thế, mọi hoạt động hành đạo của những tôn giáo khác đều bị ngăn cấm, và thỉnh thoảng, những giáo sĩ Hồi Giáo uy tín của nước này vẫn đưa ra những lời tuyên bố bài Do Thái Giáo hay các tôn giáo khác.

PagodaBuddist150.jpg

Tại Sudan, Bộ Ngoại Giao Mỹ nói tìm thấy những tiến bộ đáng ca ngợi, chứng tỏ quốc gia này đang trên đà thay đổi chính sách, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân, nhưng vẫn còn những khu vực chỉ có người theo đạo Hồi mới ưu tiên được hưởng quyền lợi, và ở một số địa phương, các cộng đồng theo Thiên Chúa Giáo không được cấp phép xây nhà thờ.

Trường hợp Việt Nam

Ngay chính Do Thái, đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở Trung Ðông cũng bị phê phán, nói rằng những quyết định chống khủng bố mà Tel Aviv đưa ra đã gây khá nhiều cản trở cho người Palestine khi hành đạo. Riêng với tập thể người Palestine phần đông theo đạo Hồi, phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết có những bằng chứng xác nhận giới cầm quyền cấu kết với băng đảng để lấy đất của những người theo Thiên Chúa Giáo.

Riêng trong phần nói về Việt Nam, bản phúc trình cho biết đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng cũng xác nhận chính quyền vẫn khắt khe với một số tôn giáo, chẳng hạn như với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, hay những giáo phái Tin Lành đang hoạt động ở miền Bắc.

Khi được yêu cầu đưa ra cái nhìn tổng quát về tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam, ông John Hansford, Ðại Sứ Mỹ Ðặc Trách Về Tôn Giáo nhắc lại Việt Nam là một trong 8 nước đang bị Hoa Kỳ đặt trong danh sách Những Nước Cần Ðặc Biệt Quan Tâm Về Tự Do Tôn Giáo, trước khi giải thích thêm:

“Ðạo luật về tự do tôn giáo buộc Bộ Ngoại Giao phải có biện pháp đối với những nước bị đặt trong trong danh sách Cần Ðặc Biệt Quan Tâm Về Tự Do Tôn Giáo, gọi tắt là CPC, nhưng đồng thời cũng cho phép chúng tôi được quyền áp dụng những biện pháp khác nhau, vì mục đích quan trọng nhất là làm thế nào để có thể cổ võ cho tự do tôn giáo.

Ðó cũng chính là mục tiêu mà Bà Ngoại Trưởng Condoleeza Rice và cá nhân tôi muốn đạt đến. Thí dụ như trường hợp của Việt Nam, chúng tôi không áp dụng các biện pháp trừng phạt, mà thay vào đó, chúng tôi đạt được những cam kết, và Việt Nam đã có những tiến bộ phải nói là thật đáng kể về tự do tôn giáo.”

Trả lời câu hỏi liệu với những thành quả mà ông nói rằng Việt Nam đã đạt được, Washington có bỏ Hà Nội ra khỏi danh sách Các Nước Cần Ðặc Biệt Quan Tâm Về Tự Do Tôn Giáo hay không, Ðại Sứ Hansford cho Ðài chúng tôi biết vấn đề này đang được cứu xét, và quyết định cuối cùng sẽ được thông báo trong một vài tuần tới.