Iran sẽ được hưởng quyền lợi kinh tế nếu ngưng chương trình hạt nhân
2005.03.03
Phạm Điền, phóng viên đài RFA
Trong khi đó thì Iran lên tiếng cùng một luận điệu như Bắc Hàn đưa ra trước đây cho rằng Hoa Kỳ không có khả năng quân sự để tấn công Iran vì làm thế làm một sai lầm chiến lược và đe dọa rằng Hoa Kỳ phải trả một giá rất cao nếu sai lầm.
Làm thế nào để buộc chính quyền Iran dẹp bỏ chương trình chế tạo võ khí hạt nhân? Đó là vấn đề lớn mà thế giới tỏ ra quan ngại không thua gì việc họ mong Bắc Hàn bỏ rơi chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng đang theo đuổi. Tuy hai xứ này khác nhau về bản chất, nhưng ở cả hai nơi, Hoa Kỳ đều muốn thấy lối thóat qua các cuộc vận động ngọai giao.
Nếu thế giới thấy Hoa Kỳ đã dùng võ lực để giải quỵết vấn đề Iraq thì có lẽ cũng không ít ngạc nhiên khi thấy chính phủ George W. Bush lại tỏ ra kiên nhẫn khi đối phó với Bắc Hàn và Iran, hai xứ còn lại trong bộ ba mà Tổng Thống Bush năm 2002 đã gọi đó là “trục ma quỷ”.
Hôm Thứ Hai, tin cho thấy Toà Bạch Ốc tiến gần hơn đến việc đề nghị một quyền lợi kinh tế tốt đẹp nào đó với Iran nhằm đổi lại việc Iran bỏ rơi chương trình có thể chế tạo võ khí hạt nhân. Và nếu đó là đường hướng mà Hoa Kỳ chọn lựa thì nó phù hợp rất gần với kỳ vọng của các quốc gia trong Liên Hiệp Châu Âu hiện đang cùng nhau thuyết phục Iran dẹp bỏ việc theo đuổi tham vọng làm cường quốc nguyên tử.
Phương pháp hữu hiệu
Nhiều tháng qua, ba quốc gia đồng minh Tây Âu là Anh, Pháp và Đức đã thương thảo trực tiếp với Iran để đình chỉ chương trình mà các xứ này tình nghi Iran đang tiến hành là chế bom nguyên tử. Chưa ai rõ sức thuyết phục của các nước Liên Âu sẽ đạt thành quả đến đâu, nhưng ít ra là hồi gần đây Iran đồng ý tạm thời ngưng tinh luyện uranium, thứ cần dùng để chế bom, trong lúc tiếp tục đàm phán với Châu Âu về việc có thể thành đạt những thỏa hiệp mậu dịch.
Các nước mong Hoa Kỳ nhảy vào cuộc và trong chuyến Âu du hồi tháng qua, Tổng Thống Bush có dịp thảo luận với các nguyên thủ Châu Âu về vấn đề này.
Phát ngôn viên của Toà Bạch Ốc Scott McCllelan cho hay Tổng Thống Bush đang suy nghĩ về một số ý tưởng đã được bàn cãi khi du hành Châu Âu, ông nói: “Hoa Kỳ đang cứu xét cách nào có thể giúp hữu hiệu để đạt được mục tiêu chung”
Sau những phiên họp với giới lãnh đạo Châu Âu, ông Bush và những phụ tá cao cấp đã tỏ dấu rằng chính phủ Mỹ sẽ theo chia sẻ chiến lược của giới lãnh đạo Châu Âu là tưởng thưởng cho Iran một vài quyền lợi kinh tế nếu Iran đồng ý ngưng chương trình hạt nhân.
Thiện chí của Hoa Kỳ
Cho đến nay, tuy Mỹ chưa có quyết định chung kết nhưng Toà Bạch Ốc cho hay tổng thống ngả theo ý tưởng của Châu Âu để có thể đề nghị cho Iran gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO và các quyền lợi kinh tế khác nữa.
Quyết định của Hoa Kỳ cũng là cách để Mỹ cho các nước Châu Âu thấy rõ thiện chí hoà điệu với các nước và cho thấy Tổng Thống Bush có sự uyển chuyển về mặt ngọai giao và cũng là để hàn gắn các nứt rạn đến từ sự khác biệt trong cuộc chiến Iraq.
Một số dư luận chỉ trích rằng Bạch ốc đã bỏ đường lối cứng rắn với Iran để đổi lại thái độ mềm dẻo, nhưng phát ngôn viên McCllelan cho hay: "chúng tôi muốn nắm chắc việc Iran không thủ đắc võ khí nguyên tử, tất cà chúng tôi đang cùng một tốc độ, cùng đưa ra một thông điệp cho Iran." Điều này quá rõ ràng vì trong một hai năm qua, giới lãnh đạo Châu Âu tuy đã nhiều lần kêu gọi Mỹ nhập cuộc thương nghị, Hoa Kỳ chưa bao giờ muốn gia nhập các cuộc thương thuyết đang diễn ra giữa Iran và 3 xứ Châu Âu vì Hoa Kỳ chưa muốn nói chuyện thẳng với Iran.
"Iraq không là Iran"
Nhưng lần này trong các cuộc thảo luận trong chuyến Âu Du, Bạch Ốc muốn cho các nước đồng minh thấy rõ lối đối phó khác nhau “Iraq không là Iran” và rằng Hoa Kỳ muốn giải quyết vấn đề Iran bằng đường lối ngọai giao. Lần này là đoàn kết với các nước đồng minh cho mục đích chung.
Ông McCllelan nói rằng đây là cách ủng hộ các nước thân hữu hữu Châu Âu phương cách thành đạt mục tiêu chung là chấm dứt tham vọng của Iran sở đắc võ khí nguyên tử và đó là trọng tâm , do từ cuộc thảo luận tốt đẹp ở Châu Âu trong tuần qua chúng ta có thể tiến bước và mọi chú tâm nên hướng về Iran , và hành động của Iran nên là tuân hành nghĩa vụ quốc tế. Hoa Kỳ có thể có những chọn lựa khác. Tuy nhiên thái độ kiên nhẫn của Hoa Kỳ trước vấn đề của Iran có thể cũng có thể được thử thách và nó không thể ngắn thua sự kiên nhẫn mà Mỹ đã dành cho Bắc Hàn.
Hoa Kỳ cũng chọn con đường ngọai giao và công thức 6 bên thảo luận, qua đó ngoài Hoa Kỳ còn có Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật và Nga đã được tiến hành. Ba vòng đầu bế tắc, vòng 4 Bắc Hàn tẩy chay nhưng Hoa Kỳ tiếp tục chờ đợi. Mới đây Trung Quốc loan báo Bắc Hàn có thề tái tham dự các vòng thương nghị kế tiếp. Hoa Kỳ cũng có thể có quyết định nhanh chóng với 3 nước đồng minh và bà Ngọai trưởng Condoleezza Rice có thể đã thảo luận với ngọai trưởng của Anh, Pháp, Đức trong cuộc da yến tối hôm qua.
Thượng nghị sĩ Joseph Biden, Dân Chủ, có thế lực trong Ủy Ban Quan Hệ Ngọai Giao của Thương VIện Hoa Kỳ đã nói rằng ông thấy Tổng Thống đã chuẩn bị để thêm nhiều củ cà rốt trên bàn, nhưng ông cũng nói, trong cùng lúc đó Tổng Thống Bush cũng muốn bảo đảm là các vị Châu Âu đồng ý sử dụng “cây gẫy” sau này nếu việc nhử bằng các quyền lợi kinh tế thất bại.
Những bài liên quan
- Chương trình hạt nhân của Iran không là mối đe dọa tức thời
- Phát huy nhân quyền là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ
- Mỹ, Nhật tăng cường thế đồng minh chiến lược ở Châu Á
- Hoa Kỳ phản đối việc bãi bỏ lệnh cấm vận võ khí đối với Trung Quốc
- Vẫn còn một số dị biệt giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Schroeder