Việt Nam không nên lơ là trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Tình trạng chính quyền địa phương lơ là phòng chống dịch cúm gia cầm tái phát, khiến ban chỉ đạo quốc gia phải lên tiếng yêu cầu lập lại trật tự như thời gian trước tết Bính Tuất.

birdflu7_150.jpg
Chính quyền địa phương lơ là phòng chống dịch cúm gia cầm tái phát. AFP PHOTO

TP.HCM là một trong các địa phương trọng điểm về vấn đề này. Nam Nguyên đã phỏng vấn ông Phạm Văn Minh, giám đốc công ty kinh doanh và giết mổ gia cầm ở Saigon về vấn đề vừa nói.

Nam Nguyên: Ông đánh giá thế nào về đợt tổng kiểm tra 25 và 26/2 tại TP.HCM về vận chuyển, giết mổ kinh doanh gia cầm?

Phạm Văn Minh: Tôi nghĩ là trong thời gian vừa qua có sự lơ là trong công tác kiểm tra, kiểm soát để phòng chống dịch cúm gia cầm. Đợt tổng kiểm tra này có mục đích để chấn chỉnh lại những hoạt động về kinh doanh giết mổ gia cầm.

Nhưng tôi nghĩ là nên làm thường xuyên chứ không phải định kỳ, nên làm hàng tuần hàng tháng chứ không phải là gián đoạn một thời gian lâu như vậy. Đợt kiểm tra này sẽ nhắc nhở những người trong ngành có liên quan để họ làm tốt hơn.

Nam Nguyên: Thông tin cho biết có 10.000 nhà hàng quán ăn ở TP.HCM đăng ký cam kết sử dụng gia cầm đã qua kiểm dịch và có nguồn gốc rõ ràng. Thực hiện việc này và kiểm soát như thế nào, theo kinh nghiệm một người kinh doanh chuyên ngành như ông?

Phạm Văn Minh: Không một bộ phận chức năng nào ở trên mà có thể kiểm soát được việc này, theo tôi cần giao nhiệm vụ cho từng phường từng khu vực một và việc làm này cũng cần làm thường xuyên. Còn không khéo thì việc kiểm tra sẽ mang tính hình thức và người kinh doanh sẽ thực hiện theo cách đối phó.

Nam Nguyên: Vẫn là câu chuyện cung cầu, nếu không có đủ sản phẩm gia cầm sạch qua giết mổ tập trung, thì gà lậu trứng lậu sẽ xuất hiện trên thị trường. Gỉai bài tóan khó này thế nào, theo ý ông?

Phạm Văn Minh: Vâng thì lại phải trở lại vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm. Hôm qua 27/2 Bộ NN&PTNT đã trình chính phủ một dự án về tổ chức xây dựng lại hệ thống chăn nuôi giết mổ gia cầm.

Dự án trị giá khoảng 7.900 tỷ đồng thực hiện từ 2006-2010. Riêng trong hai năm 2006-2007 sẽ cần khoảng 800 tỷ cho những dự án trọng điểm ưu tiên.

Tôi nghĩ là muốn chống việc giết mổ lậu, muốn kiểm soát được, thì phải đặt ra việc xây dựng cơ bản, bao gồm cả hệ thống chăn nuôi tập trung, hệ thống giết mổ công nghiệp có kiểm soát, đi kèm với hệ thống phân phối sản phẩm an toàn. Nếu triển khai được sớm thì tự nhiên chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ thủ công ngoài luồng sẽ không còn tồn tại được.

Nam Nguyên: Xin ông cập nhật mức tiêu thụ sản phẩm gia cầm hiện nay ở TP.HCM. Quyết định cho tái chăn nuôi ở các tỉnh, những khu vực cho phép, có giúp hạ nhiệt giá cả gia cầm hay chưa?

Phạm Văn Minh: Tôi không có thống kê chính xác, nhưng trứng thì số lượng phải trên triệu quả, còn gia cầm thì vẫn đang khan hiếm và giá tăng cao. Nếu không có dịch cúm xảy ra thì thành phố tiêu thụ khoảng 150 ngàn con một ngày, còn vì dịch cúm thì tuỳ thời điểm có lúc còn 20 ngàn con tới 50 ngàn con một ngày.

Hiện nay do khan hiếm gia cầm, thành phố HCM tiêu thụ khoảng 50 ngàn con bao gồm cả sản phẩm tươi lẫn đông lạnh. Nếu tổ chức tốt việc giết mổ công nghiệp thì thị trường có khả năng tiêu thụ 100 ngàn con một ngày.

Quyết định tái chăn nuôi ở các vùng cho phép thì cũng phải hai tháng nữa mới có lứa sản phẩm đầu tiên, vì thế giá cả gia cầm chưa hạ nhiệt. Tôi nghĩ là phải một tháng nữa thì mới có khả năng giá cả giảm xuống được.

Nam Nguyên: Xin cảm ơn ông Phạm Văn Minh về các thông tin vừa nói.