Dự luật PNTR và quan hệ thương mại Mỹ - Việt


2006.07.20

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Hoàn tất đàm phán với Hoa Kỳ, triển vọng Việt Nam gia nhập tổ chức mậu dịch thế giới trong năm nay là điều rất có thể. Hiện Việt Nam chỉ còn chờ Quốc hội Mỹ thông qua quy chế thương mại bình thường hoá vĩnh viễn (PNTR) để bắt tay mậu dịch lâu dài với cường quốc từng được xem là cựu thù.

RichardArmitage150.jpg

Những lợi ích mà PNTR sẽ mang lại cũng như ý nghĩa của nó đối với mối quan hệ song phương Việt-Mỹ như thế nào? Mới đây tờ Washington Times có đăng bài phân tích của hai tác giả Richard Armitage, nguyên thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, và Randy Schriver từng là phụ tá ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á, về đề tài này. Trà Mi lược dịch và tổng hợp các thông tin liên hệ.

Một quá trình

Bài viết được bắt đầu với nhận định rằng hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai cựu thù không phải là một sự kiện, mà là cả một quá trình. Hơn một phần tư thế kỷ sau cuộc chiến Việt Nam, chính phủ Washington nay có cơ hội đạt được mục tiêu quan trọng trong nỗ lực phát huy tình giao hảo với Việt Nam bằng một quy chế PNTR.

Theo lời tác giả, quốc hội Hoa Kỳ nên nhanh chóng chuẩn thuận quy chế này như là một bằng chứng cụ thể đối với đôi bên và với cả khu vực Châu Á rằng người Mỹ thực hiện đúng tinh thần cam kết khép lại tất cả những khác biệt, chia rẻ của thời quá khứ xa xưa.

Về phía Hoa Kỳ, bình thường hoá quan hệ song phương chỉ là một trong số những nguyên nhân lý giải cho việc cần thiết phải cấp quy chế PNTR cho Việt Nam.

VirginiaFoote200.jpg
Bà Virginia Foote, Chủ Tịch Hội Ðồng Thương Mại Mỹ-Việt. Photo courtesy Vietnam Net.

Trọng tâm của các ý kiến ủng hộ ở Mỹ nhắm vào những lợi ích cho nền kinh tế Hoa Kỳ một khi Việt Nam trở thành hội viên của Tổ chức thương mại thế giới, mà PNTR chính là yếu tố tạo điều kiện cho Washington đạt được các lợi ích ấy.

Vẫn theo lời người viết, Việt Nam đã trở thành một thị trường mở rộng cho hàng xuất khẩu của Mỹ. Một khi quy chế PNTR được thực thi, trao đổi mậu dịch song phương sẽ mang về nhiều nguồn lợi hơn nữa cho các công ty Hoa Kỳ, kể cả các doanh nghiệp trong những lĩnh vực dịch vụ như viễn thông, phân phối, tài chánh và bảo hiểm.

Ngoài ra, PNTR cũng là một đòn bẩy cho sự cộng tác song phương sâu rộng hơn trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục, đến cả quân sự.

Quan điểm này đã từng được ông Thomas O’dore, Chủ tịch phòng thương mại Mỹ tại Hà Nội, ủng hộ, với lý do rằng Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn sẽ mở cánh cửa rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp Mỹ ở thị trường Việt Nam.

Chính Chủ tịch hội đồng thương mại Mỹ-Việt, bà Virginia Foote, người đã góp nhiều công sức vận động hoàn tất bản thoả thuận kết thúc đàm phán Việt-Mỹ về WTO và hiện đang tiếp tục vận động để Việt Nam được quy chế PNTR, trong cuộc trao đổi với đài chúng tôi cũng đã khẳng định:

"Dự luật cho Việt Nam hưởng quy chế PNTR mang ý nghĩa của một dự luật quan trọng về cả hai mặt ngoại giao và thương mại."

Vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực

Ngoài ra, bài báo còn nêu rõ PNTR cho Việt Nam còn mang lại những lợi ích khác cho Mỹ từ vùng Đông Nam Á, cũng như ảnh hưởng tích cực đến vị thế của Hoa Kỳ ở khu vực này. Với dân số tổng cộng hơn 600 triệu, mức GDP tổng hợp là gần 800 tỷ mỹ kim và vị trí địa lý chiến lược, đây quả là một khu vực kinh tế quan trọng.

Hơn nữa, chính phủ Washington cũng cần sự cộng tác toàn diện của khu vực này trong cuộc chiến bài trừ khủng bố, chống vũ khí hạt nhân và bệnh dịch.

Tôi không đồng ý với ý kiến đó. Tôi cho rằng chuyện thúc đẩy Hà Nội cải tiến nhân quyền, tự do tôn giáo phải được thực hiện song song với việc cho Việt Nam hưởng quy chế PNTR, không nên gắn liền hai vấn đề làm một. Chúng ta đang ở giai đoạn cần hợp tác với Việt Nam để giúp Việt Nam cải tiến mọi mặt.

Phân tích những lợi ích từ việc cấp PNTR cho Việt Nam, tác giả cũng đề cập đến sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng ngày càng lớn mạnh.

Người viết cho rằng trong lúc những quốc gia Đông Nam Á hưởng lợi từ các cơ hội đầu tư và mậu dịch của Trung Quốc, thì cũng là lúc tại Châu Á ngày càng xuất hiện nhiều tranh cãi xung quanh việc liệu rằng bộ mặt chính trị của khu vực sẽ bị ảnh hưởng ra sao trứơc sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh.

Vấn đề tranh luận này đặc biệt mạnh mẽ tại Việt Nam, nhất là khi người ta nhìn lại những khó khăn đã từng nảy sinh trong mối quan hệ Việt-Trung trong quá khứ.

Dĩ nhiên thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam không phải là một việc làm chiến lược của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, nhưng nó sẽ là một thông điệp chứng minh với các nứơc trong vùng rằng Washington giữ vững thiện chí là một thành viên tích cực cộng tác lâu dài trong các vấn đề chung của khu vực, cũng như chứng tỏ rằng Mỹ sẵn sàng bắt tay với các nước cựu thù vì nền hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung.

Yếu tố thúc đẩy cải tổ nội bộ

Ngược lại, đối với Việt Nam, PNTR sẽ là yếu tố thúc đẩy các quá trình cải tổ nội bộ. Tấm thẻ hội viên WTO đòi hỏi Hà Nội phải chứng tỏ tinh thần tuân thủ luật lệ và phát huy tính minh bạch hơn nữa trong mọi lĩnh vực, và điều này sẽ góp phần tích cực cho lĩnh vực nhân quyền và tự do chính trị nội bộ của Việt Nam.

Rõ ràng là cho tới nay nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn còn những điều đáng quan ngại. Tuy nhiên, tác giả bày tỏ tin tưởng rằng một khi buộc phải vận hành hệ thống thương mại dựa trên các quy luật của quốc tế thì Việt Nam sẽ dần tiến lên một quốc gia tự do, dân chủ hơn.

Hiện Việt Nam đang cố gắng vận động để có được một quy chế PNTR mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Trong khi có nhiều ý kiến đề nghị Nhà Trắng nên gắn liền quy chế PNTR với các vấn đề về nhân quyền, tự do tôn giáo, thì Thượng nghị sĩ Max Baucus, nhà bảo trợ chính của dự luật cho Việt Nam được hưởng quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn, lại cho rằng:

“Tôi không đồng ý với ý kiến đó. Tôi cho rằng chuyện thúc đẩy Hà Nội cải tiến nhân quyền, tự do tôn giáo phải được thực hiện song song với việc cho Việt Nam hưởng quy chế PNTR, không nên gắn liền hai vấn đề làm một. Chúng ta đang ở giai đoạn cần hợp tác với Việt Nam để giúp Việt Nam cải tiến mọi mặt.”

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Theo bà Virginia Foote thì các viên chức Nhà Trắng ủng hộ dự luật PNTR cho Việt Nam đề nghị quốc hội nên thông qua dự luật này trứơc khi Tổng thống Geogre W.Bush lên đường sang thăm Việt Nam nhân thượng đỉnh APEC diễn ra vào cuối năm nay.

Tin tức từ Geneva, trụ sở của WTO, hôm nay cũng cho biết có thể Việt Nam sẽ chính thức được công nhận là hội viên WTO vào tháng 10 tới đây.

Thông tin trên mạng

- The Washington Times: Trade with Vietnam - By Richard Armitage and Randy Schriver

- FTD - Statistics - Country Data - US Trade Balance with Vietnam

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.