Quan hệ Mỹ-Việt hứa hẹn nhiều bước tiến khả quan


2005.06.23

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Chuyến công du Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam, ông Phan Văn Khải, đang là đề tài được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt chú ý, nhất là sau cuộc gặp gỡ giữa nguyên thủ 2 nước Việt-Mỹ diễn ra hôm 21/6 tại Toà Bạch Ốc.

BushKhai200.jpg
Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush bắt tay với Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải trước khi bắt đầu cuộc gặp gỡ tại Toà Bạch Ốc hôm 21-6-2005. AFP PHOTO/Tim SLOAN

Trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng thống George W.Bush đã hoan nghênh những tiến bộ trong công cuộc cải tổ kinh tế của chính quyền Hà Nội. Đồng thời, ông kêu gọi nhà nước Việt Nam nên nỗ lực hơn nữa trong các lĩnh vực như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường tính minh bạch trong khung pháp lý, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ.

2 bên cũng thoả thuận cùng tăng cường hợp tác chống khủng bố, tội phạm xuyên biên giới, buôn lậu ma tuý, tệ nạn buôn người, cùng các lĩnh vực quan tâm chung khác. Thủ tướng Khải phát biểu: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Ủng hộ nhưng không giúp đỡ

Về việc Việt Nam muốn gia nhập Tổ chức Mậu dịch thế giới, Tổng thống Bush đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với mục tiêu gia nhập WTO của Việt Nam vào cuối năm nay. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của giới chức Việt Nam, Hoa Kỳ không hề đề nghị giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ của quá trình này.

Mặc dù trước thời điểm cuộc hội kiến giữa 2 nhà lãnh đạo diễn ra, các tổ chức hoạt động nhân quyền và tôn giáo quốc tế cũng như cộng đồng người Việt hải ngoại đã mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi Tổng thống Bush nhân cơ hội này phải ưu tiên đề cập thẳng thắn đến vấn đề tự do nhân quyền và tôn giáo với người cầm đầu nhà nước Việt Nam trước khi bắt tay mậu dịch.

Bạn nghĩ gì về bản thông cáo chung này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Nhưng trên thực tế, Tổng thống Bush đã không tỏ thái độ chỉ trích nhà cầm quyền Hà Nội, mà ngựơc lại, ông hoan nghênh thoả ước đôi bên ký kết gần đây về tăng cường tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Còn trong văn bản ký kết chung công bố sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Khải, thì ghi rõ là 2 bên sẽ có các cuộc đối thoại cởi mở về các lĩnh vực quan tâm chung, trong đó có vấn đề nhân quyền và tôn giáo.

Vẫn theo văn bản này, Tổng thống Bush hoan nghênh những nỗ lực mới đây và đồng thời khuyến khích Việt Nam nên có những tiến bộ hơn nữa. Ông Bush cũng thông báo sẽ viếng thăm Việt Nam vào năm sau, nhân dịp thựơng đỉnh APEC, đáp lời mời của Thủ tướng Việt Nam.

Mối lo ngại từ Trung Quốc

Thái độ hoà dịu của Tổng thống Bush đối với vấn đề nhân quyền của Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn chính quyền của Washington đang chiếu cố nhiều đến nhân quyền trên thế giới. Giới phân tích cho rằng chiến lược nhẹ tay kỳ này phần nào phản ánh kỳ vọng của chính phủ Hoa Kỳ trong việc thắt chặt mối quan hệ về an ninh và kinh tế với Hà Nội, giữa lúc đang dấy lên mối lo ngại trước sự bành trướng quyền lực của Trung Quốc.

Vẫn theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nếu như sự hiện diện của quân lực Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam 30 năm trước có mục đích ngăn chặn ảnh hưởng của cộng sản Trung Quốc tại Châu Á, thì sự chào đón mà Washington dành cho Thủ tướng Việt Nam tuần này cũng không ngoài mục tiêu đó.

Thực tế cho thấy Bắc Kinh đã và đang nhanh chóng kết bạn với các quốc gia láng giềng. Điều này làm cho cả Mỹ và Việt Nam đều e ngại rằng ảnh hưởng về kinh tế và ngoại giao sẽ dần dà vun đúc cho sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam không thể ngã về phía Mỹ vì vẫn còn lo sợ trước bài học lịch sử hồi năm 1979, sau khi Việt Nam giúp Campuchea lật đổ quân Khmer đỏ thân Bắc Kinh. Ngược lại, Hoa Kỳ cũng chưa thể mật thiết hơn với Hà Nội cho đến khi nào Việt Nam có được các cuộc bầu cử tự do đa đảng và giảm thiểu những vi phạm về nhân quyền, dân chủ và tôn giáo. Nếu không, đường lối cổ suý dân chủ của chính quyền Bush sẽ trở thành sáo rỗng.

Cần cố gắng nhiều hơn nữa

Chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Khải là tín hiệu cụ thể cho thấy mức độ cải thiện quan hệ bang giao Việt-Mỹ, kể từ khi 2 quốc gia cựu thù bình thường hoá quan hệ ngoại giao song phương cách đây 1 thập niên, như lời phát biểu của Thủ tướng Việt Nam tại buổi hội kiến với Tổng thống Hoa Kỳ: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Mặc dù giới quan sát thời cuộc cho rằng cuộc gặp gỡ giữa 2 nhà lãnh đạo Việt Mỹ kết thúc tốt đẹp, hứa hẹn nhiều bước tiến khả quan, nhưng trước khi bước vào sân chơi mậu dịch quốc tế, Việt Nam cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa, chú trọng cải tổ nhiều hơn nữa nhất là về mặt luật pháp và bài trừ tham nhũng và lãng phí.

Trước mắt, nếu muốn được kết nạp vào WTO vào cuối năm tại cuộc họp cấp bộ trưởng ở Hong Kong, Việt Nam cần phải hoàn tất các cuộc đàm phán song phương với đối tác Hoa Kỳ trước tháng 9 tới đây.

Một khi các cuộc thương thuyết mậu dịch với Washington hoàn thành, quốc hội Mỹ lúc đó sẽ phải thảo luận việc thông qua 1 đạo luật công nhận Việt Nam được hưởng quy chế được hưởng quy chế mậu dịch bình thường, không phải bị duyệt xét hàng năm theo tu chính án Jackson-Vanik. Tuy nhiên, việc này e rằng sẽ gây nên 1 làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía quốc hội Hoa Kỳ mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ vấn đề đàn áp tôn giáo của Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.