Mỹ, Nhật tăng cường thế đồng minh chiến lược ở Châu Á


2005.02.27

Trần Sơn Nam

Cuối tuần vừa qua, tại thủ đô Hoa Kỳ đã có một buổi họp quan trọng giữa Mỹ và Nhật Bản để thảo luận về tình trạng an ninh chung tại Châu Á. Có mặt tại buổi họp là các Bộ Trưởng Ngoại và Quốc Phòng của hai nước.

Tuy buổi họp bề ngoài có tính cách thường xuyên, nhưng điều mới lạ là đây là lần đầu tiên Nhật Bản tỏ sự quan tâm cùng với Mỹ về tình hình tại eo biển Đài Loan và tại bán đảo Triều Tiên. Đài Á Châu Tự Do trao đổi ý kiến với ông Trần Sơn Nam về biến chuyển mới này.

Hỏi: Thưa ông Trần Sơn Nam, cuối tuần vừa qua, tại thủ đô Washington của Mỹ, đã có một buổi họp cấp Bộ Trưởng (Ngoại Giao và Quốc Phòng) giữa Mỹ và Nhật về tình hình chung ở Châu Á về mặt an ninh. Buổi họp có đề cập tới vấn đề quan trọng nào không mà Trung Quốc lại lên tiếng phản đối ?

Ðáp: Thưa, nếu chỉ nhìn vào bề ngoài thì đây là một buổi họp thường xuyên hàng năm giữa những giới chức cấp cao của hai nước về mặt an ninh để duyệt xét lại tình hình chung trong toàn vùng Châu Á. Sự có mặt của bà Condelezza Rice và ông Rumsfeld tại buổi họp cùng với hai Bộ Trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của Nhật Bản cũng là lẽ đương nhiên.

Nhưng điều mới lạ ở đây, làm cho giới quan sát quốc tế chú ý và người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng phản đối, là bản thông cáo chung Mỹ-Nhật được đưa ra sau buổi họp. Theo bản thông cáo này thì tình hình tại eo biển Đài Loan là mối quan tâm chung của hai nước về mặt an ninh.

Nhưng điều mới lạ ở đây, làm cho giới quan sát quốc tế chú ý và người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng phản đối, là bản thông cáo chung Mỹ-Nhật được đưa ra sau buổi họp. Theo bản thông cáo này thì tình hình tại eo biển Đài Loan là mối quan tâm chung của hai nước về mặt an ninh.

Thế đồng minh chiến lược giữa Mỹ và Nhật đã sẵn có từ những năm sau Thế Chiến 2, được coi là nền tảng căn bản của chính sách ngoại giao Mỹ ở Châu Á từ trước đến nay thì ai cũng rõ, nhưng với bản hiến pháp của Nhật ngăn cấm nước Nhật không được tham gia chiến tranh, người ta thường nghĩ là, nếu có, thì vai trò của Nhật cũng sẽ chỉ là để phòng thủ lãnh thổ mà thôi còn vai trò của Mỹ thì mới là vai trò đối phó với bên ngoài.

Nay thì vai trò của Nhật có thể rộng ra hơn trước, tích cực hơn trước vì bản thông cáo Mỹ Nhật nói đến cả tình hình tại eo biển Đài Loan như là một mối quan tâm chỉ riêng của Mỹ mà của cả Mỹ lẫn Nhật.

Hỏi: Thời gian gần đây, giới quan sát quốc tế thường nói đến một khuynh hướng mới của một số nhân vật trong chính giới Nhật muốn thay đổi một vài điều khoản trong bản hiến pháp để Nhật có thể hợp tác một cách tích cực hơn về mặt quân sự với những nước khác và cũng để tăng cường vào việc phòng thủ của chính nước Nhật, khuynh hướng này xem ra bị Trung Quốc chống đối, phải chăng đây là đầu mối sự phản đối của Trung Quốc đối với bản thông cáo mới đây của Mỹ và Nhật ?

Ðáp: Thưa, thật dúng như vậy. Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản là cả một tình trạng phức tạp. Về mặt kinh tế thì hai năm gần đây Trung Quốc nhập khẩu đủ mọi mặt hàng của Nhật (nhiều hơn là nhập khẩu hàng của Mỹ) làm cho mức tăng trưởng của nền kinh tế Nhật bắt đầu khởi sắc đồng thời Nhật cũng đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc, nhưng về mặt chính trị thì Trung Quốc luôn luôn nhắc nhở đến vai trò xâm lăng của Nhật trong trận chiến tranh Hoa-Nhật thập niên 30, phản đối việc Thủ Tướng Koizumi viếng thăm đền thờ những chiến sĩ anh hùng của Nhật.

Ngoài ra, mới cách đây năm ngoái, Nhật đã phải lên tiếng về vụ Trung Quốc xâm phạm hải phận của Nhật để tìm dầu và hai nước cùng chạy đua để thuyết phục Nga làm ống dẫn dầu qua Tây Bá Lợi Á theo dự án riêng biệt của mình.

Thử thách lớn nhất của Nhật là làm sao giữ vững được mối quan hệ với Trung Quốc, tình trạng ổn định ở trong vùng sẽ tùy thuộc vào cung cách nước này đối xử với nước kia. Nhật Bản là một cường quốc lớn, và Trung Quốc cũng đang trở thành một cường quốc lớn, hai nước cùng giầu, cùng có lịch sử vẻ vang và truyền thống, nhưng tôi nghĩ là họ không ưa nhau lắm

Về quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Đại sứ Mỹ ở Nhật. ông Howard H.Baker, có đưa ra nhận xét : “Thử thách lớn nhất của Nhật là làm sao giữ vững được mối quan hệ với Trung Quốc, tình trạng ổn định ở trong vùng sẽ tùy thuộc vào cung cách nước này đối xử với nước kia. Nhật Bản là một cường quốc lớn, và Trung Quốc cũng đang trở thành một cường quốc lớn, hai nước cùng giầu, cùng có lịch sử vẻ vang và truyền thống, nhưng tôi nghĩ là họ không ưa nhau lắm”

Hỏi: Thưa ông, về lời phản đối bản thông cáo chung Mỹ Nhật thì người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh có đưa ra lập luận nào vững chắc không ?

Ðáp: Thưa, lời lẽ trong bản thông cáo chung cũng thuộc loại ngôn ngữ hết sức ngoại giao vì sau khi nói rằng vấn đề Đài Loan là mối quan tâm chung về mặt an ninh của Mỹ và Nhật, bản thông cáo chỉ nói là “chúng tôi chia sẻ một mục đích chung là ủng hộ và thúc đẩy một giải pháp hòa bình bằng đối thoại để giải quyết vấn đề”.

Trung Quốc dĩ nhiên vì thấy Nhật có thể nhập cuộc cùng với Mỹ (trong trường hợp Mỹ bắt buộc phải giúp Đài Loan theo một đạo luật của Quốc Hội Mỹ gọi là Taiwan Relation Act) liền lên tiếng phản đối sự thỏa thuận Mỹ Nhật là một hành động xen vào việc nội bộ của Trung Quốc vì Đài Loan chỉ là một tỉnh thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Thực ra, nguyên nhân sâu xa của những biến chuyển mới này là: theo quan điểm của Nhật Bản và Mỹ thì người ta lo ngại về những cố gắng tăng cường quân sự của Trung Quốc trong mấy năm vừa qua, đặc biệt là trong lãnh vực hỏa tiễn và tầu ngầm (trong số đó có cả những tầu ngầm nguyên tử mua của Nga), vượt hẳn ra ngoài nhu cầu đối phó với Đài Loan, còn theo quan điểm của Trung Quốc thì người cũng lo ngại không kém về chiều hướng của Nhật muốn tái võ trang trở lại và việc mở rộng phạm vi hoạt động về mặt chiến lược cho Nhật Bản chính là triệu chứng của chiều hướng đó.

Hỏi: Theo chỗ chúng tôi được biết thì bản thông cáo chung Mỹ Nhật cũng đề cập đến việc thúc đẩy Bắc Hàn trở lại bàn hội nghị 6 nước ở Bắc Kinh, Phải chăng đây có sự mâu thuẫn ?

mối quan tâm sâu xắc của Mỹ và Nhật là việc Bắc Hàn tạm đình hoãn việc tham dự hội nghị 6 nước tại Bắc Kinh

Ðáp: Quả thật, kèm theo với bản thông cáo về Đài Loan, một bản thông cáo đặc biệt khác của Mỹ và Nhật cũng nói là “mối quan tâm sâu xắc của Mỹ và Nhật là việc Bắc Hàn tạm đình hoãn việc tham dự hội nghị 6 nước tại Bắc Kinh”.

Nhưng, nếu một mặt gián tiếp cảnh cáo Trung Quốc về Đài Loan, trong khi đó thì lại trông chờ Trung Quốc thúc đẩy Bắc Hàn trở lại bàn hội nghị 6 nước là một sự mâu thuẫn thì chính Trung Quốc cũng phải đối phó với một mâu thuẫn khác.

Một mặt không muốn cho Mỹ và Nhật liên minh chặt chẽ với nhau trong khi đó thì vẫn phải giúp đỡ Mỹ Nhật trong việc giải quyết tình trạng tại bán đảo Triều Tiên, vì nếu không giúp thì chính tình trạng bất ổn ở đây có thể sẽ là lý cớ để Nhật Bản tái võ trang trở lại, điều mà chắc chắn Trung Quốc không muốn thấy.

Đối với những nước trong cuộc, Mỹ, Nhật và Trung Quốc, tất cả là một bài toán phức tạp về mặt chiến lược, một bước đi nhầm có thể ảnh hưởng tai hại đến tình trạng ổn định của toàn vùng Châu Á- Thái Bình Dương. Vì vậy mà mặc dầu bản thông cáo chung Mỹ Nhật có kêu gọi Nhật nên giữ một vai trò lớn hơn trong việc phối hợp với những lực lượng quân sự của Mỹ ở Thái Bìng Dương, người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Boucher, cũng đưa ra lời trấn an là: “Chúng tôi và Nhật Bản là hai nước đồng minh.

Mỗi khi có một tình trạng căng thẳng ở Châu Á, dầu ở miền bán đảo Triều Tiên hay tại eo biển Đài Loan hay bất kỳ ở một nơi nào khác, chúng tôi cũng thảo luận với chính phủ Nhật”. Nhưng trấn an hay không trấn an thì giới quan sát quốc tế cũng coi bản thông cáo Mỹ Nhật tuần trước đây là một nuớc cờ mới nâng cao thế đồng minh chiến lược giữa Mỹ và Nhật trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Cả hai điểm nóng trong vùng vẫn còn đó là eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. Người ta mong rằng nước cờ mới đó sẽ đóng góp nhiều vào việc củng cố tình trạng ổn định trong toàn vùng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.