Việt Long, phóng viên đài RFA
Một đại hội quan trọng do đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức vừa kết thúc. Giới quan sát từ Hà Nội có nhận xét đặc biệt về cuộc hội họp mà bề ngoài có vẻ bình thường này. Việt-Long phỏng vấn ông Hoàng Thanh Phong, một chuyên viên kinh tế làm việc cho một cơ quan trong nước, và là người quan tâm đến thời cuộc.

Việt Long: Hôm thứ ba đến thứ năm vừa qua ở Hà Nội có diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước, và dường như trong đại hội có một số điều đáng chú ý, ông có thể trình bày cùng thính giả của chúng tôi được không?
Hoàng Thanh Phong: Trước tiên là trong những năm trước đây, khi Đảng còn có nhiều uy tín trong xã hội, thì việc tổ chức các sự kiện lớn như Đại hội thi đua yêu nước không có vị trí quan trọng, vì các đại hội đều nặng về hình thức mà nghèo nàn về nội dung. Trong 48 năm tính từ đại hội đầu tiên năm 1952 đến năm 2000, chính quyền CS chỉ tổ chức có 5 kỳ đại hội loại này.
Chỉ đến kỳ đại hội thi đua Yêu nước kỳ 6, được tổ chức tháng 11 năm 2000, tức là chỉ trước đại hội đảng 9 họp tháng 4/2001 có 5 tháng, vào lúc bắt đầu có các rạn nứt trong ban lãnh đạo cao nhất của đảng - giữa các ông Lê Khả Phiêu và Đỗ Mười-Lê Đức Anh, thì bộ chính trị ở Hà Nội mới nhận thấy là họ cần có thêm các sự kiện để giúp củng cố điều mà họ coi là quan trọng nhất – đó là sự đoàn kết nội bộ - và đại hội thi đua yêu nước kỳ 6 đã được triệu tập trong một tinh thần vội vã như vậy.
Mục tiêu chính trị sâu xa
Việt Long: Như vậy thì ý ông cho là Đại hội mang danh nghĩa là thi đua yêu nước nhưng mang một mục tiêu chính trị sâu xa, vì sự chia rẽ trầm trọng trong đảng? Phải không ạ? Nhưng trong đại hội có thể hiện được nhiều hình ảnh đoàn kết không?
Hoàng Thanh Phong: Vâng, thưa ông, Thi Đua Yêu nước kỳ 7 này là hội nghị thứ 2 được tổ chức trước đại hội đảng - để cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước có thêm cơ hội phô trương hình ảnh của họ trước một tập hợp đông đảo của những người có đóng góp vào sự phát triển của đât nước trong những năm vừa qua.
Thi Đua Yêu nước kỳ 7 này là hội nghị thứ 2 được tổ chức trước đại hội đảng - để cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước có thêm cơ hội phô trương hình ảnh của họ trước một tập hợp đông đảo của những người có đóng góp vào sự phát triển của đât nước trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian họp mặt thì những người tham dự không hề thấy các ông Phiêu, ông Mười hay ông Anh bắt tay hay nói chuyện “đoàn kết” với nhau, và cũng có rất ít người quây quần nói chuyện với ông Mười hay ông Anh, một hiện tượng hiếm thấy ở Việt Nam. Các bạn cũng biết đấy, thông thường trước đây thì mấy ông đó có nhiều người muốn gần gũi trong bất cứ cơ hội nào mà các ông đó xuất hiện trước công chúng.
Việt Long: Ngoài mục đích biểu lộ đoàn kết, thì Đại hội còn có các nội dung gì ?
Hoàng Thanh Phong: Việc giới thiệu các ông Đõ Mười hay Lê Đức Anh đứng bên cạnh ông Võ Văn Kiệt là một động tác khéo léo để biểu lộ là ban lãnh đạo cao nhất vẫn đoàn kết, vào thời điểm mà các rạn nứt giữa các nhân vật của trung tâm quyền lực đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, tới mức khó có thể hàn gắn được.
Một cử chỉ khác cho thấy sự mất đoàn kết đã trở thành một quan ngại sâu sắc là ngay trong bài phát biểu khai mạc, ông Phan Văn Khải đã nhấn mạnh là Đại hội là để biểu thị tinh thần đoàn kết.
Ý nghĩa chính trị quan trọng
Việt Long: Còn về mặt hình thức thì đại hội thi đua năm nay có gì khác trúơc không? Có nêu được ý nghĩa chính trị quan trọng nào không ạ?
Hoàng Thanh Phong: Về hình thức, thì Hội nghị thì vẫn đi theo lối mòn cũ - với các bài phát biểu đầy khuôn sáo của các vị lãnh đạo, rồi thì các cuộc họp mặt của những người được coi là có công đóng góp cho đất nuớc, và có thể nói, đây là dịp để ban Văn hóa Tư tưởng tuyên truyền rằng nhân dân trong cả nước vẫn hướng về đảng trong mọi hành động và suy nghĩ của họ.
Tuy vậy đại hội năm nay còn có một ý nghĩa chính trị quan trọng khác: ban lãnh đạo của đảng muốn tạo ra một động lực mới – hay có thể nói là muốn xây dựng một niềm tin mới cho nhân dân – về vai trò trung tâm của đảng, vào lúc lòng tin của công chúng vào chế độ đang có sự suy giảm, có nhiều dư luận bất mãn trong nhân dân về sự yếu kém hay bất lực của các thành viên Bộ Chính Trị - trước các hiện tượng tham nhũng tràn lan, hay vi phạm pháp luật tràn lan của các cán bộ từ trung ương đến địa phương.
Tuy vậy đại hội năm nay còn có một ý nghĩa chính trị quan trọng khác: ban lãnh đạo của đảng muốn tạo ra một động lực mới – hay có thể nói là muốn xây dựng một niềm tin mới cho nhân dân.
Việt Long: Ông có thể dẫn chứng điểm nào trong nội dung đại hội mà nói lên được ý nghĩa đó không?
Hoàng Thanh Phong: Về nội dung, thì trong thông điệp quan trọng tại hội nghị, ông Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh là đảng từ nay sẽ phải cải tổ bộ máy tổ chức để từ nay sẽ đánh giá năng lực cán bộ đảng dựa trên thành tích cụ thể từ phong trào yêu nuớc, một việc mà nếu làm được, thì sẽ có thể dẫn đến các thay đổi lớn trong việc chọn lựa ra thế hệ cán bộ lãnh đạo mới cho đất nước.
Có nghĩa là các cán bộ sẽ phải có thành tích trong hoạt động thực tiễn, từ lao động, sản xuất, chứ không phải chỉ là những tay chuyên luồn lọt hay mua chức mua quyền.
Dụng ý của ông Nông Đức Mạnh
Việt Long: Đề nghị ông vui lòng nói rõ hơn về dụng ý này?
Hoàng Thanh Phong: Tuyên bố của ông Mạnh thực chất là một động thái rất tinh vi để nhằm giúp đảng tăng cường ảnh hưởng trong xã hội.
Vì trên thực tế là nếu theo dõi kỹ các bài giới thiệu về cuộc đời của những người đã tham gia Đại hội thi đua thì ta có thể thấy là nhiều người có các thành tích tiêu biểu, hay có hoạt động đóng góp cho đất nước là xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của họ, chứ không phải vì họ đã nghĩ đến đảng hay chính quyền, càng không phải vì họ muốn được biểu dương.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của ông Nông Đức Mạnh, thì từ nay đảng sẽ phải có bộ phận chuyên trách để kịp thời theo dõi và phát hiện gương tốt để biểu dương, và như vậy thì đảng sẽ có thể khoe rằng thành tích của tất cả mọi người đều có công chăm lo của đảng.
Bạn nghĩ gì về nhận xét này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Còn trong bài phát biểu trước khi kết thúc Hội nghị, thì ông Phan Văn Khải nói công khai là đảng cần phải nắm lấy mọi cơ hội để biến sức sáng tạo của nhân dân thành sức mạnh của đảng, sau khi ông thừa nhận là đảng đã có sai lầm trong việc không chú trọng đến công tác thi đua khen thưởng từ sau khi đât nước đã thống nhất năm 1975.
Ông cũng cam kết sẽ tăng cường ngân sách và tổ chức cho Bộ máy theo dõi công tác Thi đua trong chính phủ.
Việt Long: Thưa quý thính giả câu hỏi kế tiếp của chúng tôi là hội nghị này có gì liên quan đến đại hội Đảng sang năm, nhất là vấn đề nhân sự sẽ được quyết định trong đại hội 10 sắp tới. Nhưng phải dành câu trả lời của ông Hoàng Thanh Phong cho một kỳ phát thanh sau. Mong quý vị đón nghe.