Hoàng Thanh Phong &Việt-Long, RFA
Trong mấy buổi phát thanh trước quý vị đã nghe hai ông Bùi Tín và Hoàng Thanh Phong nói đến vấn đề nhân sự trong đảng Cộng sản Việt Nam truớc đại hội khóa 10 của đảng này. Mời quý vị nghe tiếp những thông tin khác liên quan đến đề tài này, qua cuộc phỏng vấn của Việt-Long với ông Hoàng Thanh Phong, một người thạo tin và là chuyên viên kinh tế đang làm việc cho một cơ quan tại Việt Nam.
Các diễn tiến tiền Đại hội
Việt-Long: Hôm truớc ông đã nói một số điểm về vấn đề nhân sự cấp cao trong thời gian tiền đại hội đảng khoá 10. Nay chúng tôi muốn hỏi thêm ông về diễn tiến ở các hội nghị đảng bộ địa phương trước đại hội đảng, có điều gì đáng chú ý, nói lên khía cạnh nào trong vấn đề nhân sự này không?

Hoàng Thanh Phong: Sau khi Hội nghị Trung ương 12 kết thúc với việc không đưa ra danh sách chính thức các vị trí lãnh đạo cao cấp của đảng trong tương lai, các nguồn tin trong đảng những ngày này cho thấy đang có sự xáo trộn tư tưởng trong rất nhiều cán bộ, và mối quan tâm của rất nhiều người hiện nay là bộ chính trị của đảng đang cố gắng sắp đặt nhân sự cho các hội nghị đảng của các tổ chức cấp dưới, như của các hiệp hội như Hội Nhà Văn, nhà báo và ở các đảng bộ địa phương – mà sẽ họp đại hội từ bây giờ cho đến hết năm 2005.
Như vậy Hội nghị 12 coi như đã mở màn cho một cuộc tranh gìanh quyền lực vào các vị trí then chốt của đảng và chính quyền trong 5 năm từ 2007 đến 2012.
Việt-Long: Điển hình nhất là việc hai ứng viên của ông Truởng Ban Tư tuởng văn hoá Nguyễn Khoa Điềm đã bị gạt khỏi danh sách ứng tuyển ban chấp hành hội nhà văn. Đây có phải là cú phạt đền vào phe bảo thủ không?
Hoàng Thanh Phong: Quả là một cú sút vào khung thành, nhưng không phải phạt đền, không ghi bàn được, và cũng không phải hành động của phe đổi mới, nhưng nó chứng tỏ sự đối kháng của quần chúng do ảnh hưởng của phe cấp tiến này. Dù sao thì thế lực của ông Nguyễn Khoa Điềm vẫn còn mạnh lắm, tức là cánh ông Đỗ Muời Lê Đức Anh vẫn mạnh.
Thành phần nhân sự lãnh đạo
Việt-Long: Chúng tôi sẽ hỏi thêm về vịêc này sau. Thế việc chọn các nhân sự cấp cao nhất đã đến đâu?
Hoàng Thanh Phong: Đầu tiên thì phải nói là quyết định chọn lựa một tổng bí thư đảng mới đã rất khó khăn. Ngay khi kết thúc hội nghị hôm 13/7 thì ông Nông Đức Mạnh (năm nay 65 tuổi) vẫn chưa dứt khoát là có sẵn sàng từ bỏ vị trí hay không.
Trước áp lực của phe miền Nam và các nhân vật trẻ trong đảng là cần phải có thay đổi cơ bản trong các vị trí cao nhất, bao gồm cả việc kết hợp hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước lại làm một, thì ông Nông Đức Mạnh không hoàn toàn đồng ý, vì ông ta thấy là mình không đủ khả năng để đảm nhận một cương vị với quyền lực rất mạnh như vậy.
Trong tình hình thiếu sự quyết đoán của cá nhân ông Mạnh và thiếu nhất trí của Bộ chính trị, thì một số đại biểu phía Nam (trong đó có cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã đề cử ông Nguyễn Minh Triết (nay 63 tuổi) sẽ lên nhận chức vụ tổng bí thư, còn ông Nông Đức Mạnh thì được đề cử thay thế cho vị trí của ông Trần Đức Lương (nay 68 tuổi) để cho ông Lương về hưu.
Việt-Long: Giả thử là ông Triết là dân miền Nam được ngồi vào ghế TBT, thì chức Thủ tướng có phải là của người miền Bắc không?
Hoàng Thanh Phong: Đúng là nếu giả thuyết đó hiện thực thì có vấn đề vị trí Thủ tướng sẽ phải được chuyển cho miền Bắc, và ông Vũ Khoan (nay 68 tuổi) đã là ứng cử viên số một. Cho đến lúc này thì Bộ chính trị cũng chưa đưa ra một ý kiến kết luận nào, mà còn chờ cho các đại hội đảng bộ của các đoàn thể và địa phương tiếp tục cân nhắc.
Rõ ràng các cuộc thảo luận hiện nay vẫn phụ thuộc rất nhiều vào ông Nông Đức Mạnh, người sẽ có ý kiến quyết định đi hay ở trong những tháng tới đây. Tuy nhiên dư luận cho là dù ông Vũ Khoan được coi là được Hoa Kỳ ủng hộ nhất vì coi là khuôn mặt cởi mở về thương mại, nhưng ông này lại không mấy hăng hái, tỏ ra e sợ là không có toàn quyền hạn, mà sẽ bất lực trong chức vụ Thủ tướng, vì không bảo ban được các lãnh đạo các địa phương nay đã được phân chia quá nhiều quyền hạn và quyền lợi.
Dù sao, như thế vẫn không có nghĩa là ông Khoan sẽ không chịu ra làm Thủ tướng. Còn việc lựa chọn ông Mạnh hay ông Triết lại phải phụ thuộc vào sự vận động của hai phe Bắc hay Nam. Hiện thì cuộc vận động của hai phe còn đang trong giai đọan gay cấn, chưa thể kết luận được ai sẽ là ngườI quyết định.
Tổng bí thư và Chủ tịch nước
Việt-Long: Thế chuyện kết hợp hai chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước làm một thì nay được tính đến đâu?
Hoàng Thanh Phong: Tại đại hội đảng 9 hồi đầu năm 2001, đã có nhiều ý kiến là hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước cần được kết hợp lại do một người nắm giữ, nhưng khi đó ông Nông Đức Mạnh mới lên làm tổng bí thư đã không chịu chấp nhận - lý do là ông ta ý thức được khả năng hạn chế của mình nên không dám ôm đồm hai công việc.
Chủ đề “kết hợp lại” này cũng đã có lúc được nêu trước Hội nghị trung ương 12, nhưng với quyết tâm giành cho mình vị trí Chủ Tịch nước, ông Nguyễn Khoa Điềm (62 tuổi) đã không ủng hộ cho bất cứ sự kết hợp nào như vậy. Lý do là vì miền Trung có một vị trí đặc biệt cả về chính trị lẫn kinh tế - chính trị vì nó bao trùm cả vùng Tây Nguyên mà đang có các vấn đề nghiêm trọng trong quan hệ với các dân tộc thiểu số, kinh tế vì đang có nhiều dự án kinh tế lớn bắt đầu được khởi động - vì vậy phải có một vị trí đại diện đầy đủ của miền Trung trong cơ cấu quyền lực cao nhất của bộ máy nhà nước.
Việt-Long: Thế hai nhân vật giữ lá cờ đầu của phe bảo thủ là ông Đỗ Muời với ông Lê Đức Anh có ảnh hưởng mạnh trong việc xếp đặt nhân sự này không?
Hoàng Thanh Phong: Tiếng nói của hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh rất quan trọng. Trên thực tế thì uy tín của cả hai ông đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, nhưng vì Bộ Chính Trị hiện do các nhân vật thân cận với hai ông này thao túng, thí dụ như Nguyễn Tấn Dũng (56 tuổi), Phan Diễn (68 tuổi) hay Nguyễn Khoa Điềm, cho nên, trước một viễn cảnh của chia rẽ sâu sắc, thì có xu hướng là nên để ông Nông Đức Mạnh tiếp tục, vì ông Mạnh có bản chất dễ thoả hiệp, thiếu quyết đoán, và được coi là một ông bình vôi dễ thao túng, dễ gật gù.
Ai đi, ai ở?
Việt-Long: Còn các chức vụ uỷ viên trong trong bộ chính trị thì ông có ý kiến gì?
Hoàng Thanh Phong: Tại đại hội 10 tới đây theo dự kiến thì sẽ có sự về hưu của các uỷ viên bộ chính trị như Phan Văn Khải (72 tuổi), Trần Đức Lương, Phạm Văn Trà (70 tuổi) và Trương Tấn Sang (57 tuổi), trong khi các ông Trương Quang Được (66 tuổi) thì dự kiến sẽ lên giữ chức Chủ Tịch quốc hội tiếp tục là uỷ viên bộ chính trị, ông Nguyễn Phú Trọng (62 tuổi) tiếp tục ở lại bộ chính trị và sẽ được chuyển sang giữ một vị trí mới là Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, ông Nguyễn Văn An (68 tuổi) sẽ thay thế ông Phạm Thế Duyệt ở vị trí chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, còn ông Duyệt thì sẽ về nghỉ hưu.
Các ông Phan Diễn và Trần Đình Hoan (66 tuổi) sẽ vẫn tiếp tục ở trong bộ chính trị. Còn ông Trương Vĩnh Trọng hiện trong ban bí thư trung đảng sẽ lên làm Bí thư thành ủy Thành phố HCM.
Bạn nghĩ gì về thành phần nhân sự lãnh đạo tại Việt Nam? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Ông Lê Hồng Anh, người khá thân cận và ngang tuổi với ông Nguyễn Tấn Dũng thì sẽ rút lui, và hiện ứng cử viên sô một thay thế là tướng Nguyễn Văn Hưởng, phụ trách ngành an ninh, và cũng là một người được ông Lê Đức Anh đỡ đầu.
Trong khi đó thì các nhân vật thuộc phe của ông Lê Đức Anh đang củng cố được vị thế.
Với khả năng ông Vũ Khoan lên thay ông Phan Văn Khải, thì ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục giữ vị trí phó thủ tướng, và ai thì cũng biết là ông Dũng thuộc nhóm rất trung thành với ông Lê Đức Anh. Còn nếu ông Vũ Khoan không chịu làm Thủ tướng thì có rất nhiều khả năng là ông Dũng sẽ lãnh đạo chính phủ, chứ không ai khác.
Các chức vụ quan trọng
Việt-Long: Ông có thông tin gì về những chức vụ quan trọng khác? Hay là nếu ông Nông Đức Mạnh vẫn làm Tổng Bí thư thì sao?
Hoàng Thanh Phong: Cũng đang có các cuộc vận động tích cực của một số nhân vật để vào các vị trí quan trọng trong thời gian tới. Nếu ông Nông Đức Mạnh tiếp tục làm Tổng bí thư và ông Nguyễn Minh Triết sẽ ra nhận chức vụ Thường trực Ban Bí thư trung ương, thì ông Nguyễn Khoa Điềm, nay 62 tuổi, đang vận động để giành lấy vị trí mà ông Trần Đức Lương sẽ bỏ lại.
Ông Nguyễn Khoa Điềm có một số đồng minh quan trọng, mà một trong đó là ông Hồ Tiến Nghị, năm nay 65 tuổi, hiện đang là trợ lý chính trị hay cánh tay phải của ông Nông Đức Mạnh, và là người đang muốn ngấp nghé chiếc ghế Trưởng ban Văn hoá Tư tưởng trung ương do ông Điềm sẽ nhường lại.
Ông Hồ Tiến Nghị trước đây đã giữ chức vụ Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và nắm giữ công tác tư vấn thông tin cho ông Mạnh mấy năm nay. Một tiêu chí mà ông Nghị đưa ra để tranh cử vào vị trí quan trọng đó là người lãnh đạo công tác Văn hoá tư tưỏng cho nước VN thời hội nhập kinh tế với toàn cầu phải có trình độ về ngoại ngữ Anh văn - một khả năng mà từ trước đến nay không một ông trưởng ban Văn hoá tư tưỏng nào có được.
Việt-Long: Còn một phó Thủ tướng khác là ông Phạm Gia Khiêm, liệu có dự cuộc đua cấp cao không?
Hoàng Thanh Phong: Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, năm nay 61 tuổi, đang ngấp ngé và chuẩn bị cho vị trí mới là Bộ trưởng Ngoại giao, kiêm phụ trách khối Kinh tế đối ngoại - còn ông Nguyễn Dy Niên nay 70 tuổi, mà được coi là người cuối cùng do ông Lê Khả Phiêu đưa vào chính quyền còn sót lại thì sẽ về hưu.
Được biết là ông Phạm Quang Nghị (55), bộ trưởng Văn hoá cũng đang cố gắng vận động để giành chiếc ghế do ông Vũ Khoan bỏ lại và nếu thành công thì ông Phạm Quang Nghị sẽ là một trong ba phó thủ tướng tương lai.
Việt-Long: Xin cám ơn ông Hoàng Thanh Phong.