Việt Nam cho phép các cơ sở khoa học và công nghệ được phép hoạt động chính danh

Ðỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Báo chí xuất bản tại Việt Nam cuối tuần này cho hay, từ nay trở đi, các cơ sở khoa học và công nghệ được phép hoạt động như những doanh nghiệp chính danh tức là có quyền sản xuất, kinh doanh , trực tiếp xuất, nhập khẩu nguyên liệu, trang bị và tự huy động vốn đầu tư trong hay ngoài nước.

BusinessElectric150.jpg
Các đơn vị nghiên cứu khoa học có quyền xuất nhập khẩu tất cả các mặt hàng mà pháp luật không cấm đoán. AFP PHOTO

Vấn đề này được giới truyền thông và doanh nghiệp xem là “vô tiền khoáng hậu” qua các tựa đề nổi bật trên các báo như: cởi trói cho chất xám; cơ sở khoa học, công nghệ sẽ được mặc hai áo; các nhà khoa học thực sự cảm thấy làn gió đổi mới; thu nhập hấp dẫn nhất.

Làn gió mới

VN Net cho biết là phải mất 10 năm kể từ khi đảng ban hành nghị quyết 2 về chính sách mới đối với khoa học và giáo dục, bây giờ các nhà khoa học thuộc những đơn vị khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và công nghệ mới thực sự cảm thấy làn gió mới, bấy lâu họ trông đợi.

Từ nay trở đi, các đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ có quyền triển khai kế hoạch sản xuất từ A đến Z, tức là họ có quyền xuất nhập khẩu tất cả các mặt hàng mà pháp luật không cấm đoán.

Về phương diện quản lý, điều hành xí nghiệp, người trưởng cơ sở có quyền quyết định toàn bộ biên chế của tổ chức, bao gồm việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỹ luật, biệt phái, cho nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng thuê mướn nhân viên.

Bạn nghĩ gì về quyết định mới này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Ngoài ra, thủ trưởng đơn vị khoa học, công nghệ có quyền mời chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam hợp tác và cử cán bộ ra nước ngoài tu nghiệp.

Lên tiếng với báo chí tại Hà Nội mới đây, tiến sĩ Lê Đình Tiến, thứ trưởng bộ khoa học và công nghiệp tuyên bố, việc thực hiện nghị định mới sẽ chấm dứt tình trạng nhức nhối lâu nay, là nhiều người sau khi được vào biên chế, thì cứ an tâm ở yên một chỗ cho tới khi nghỉ hưu, mà không cần phải cố gắng hay phấn đấu gì cả, dù biết năng lực mình yếu kém hay bị xem là lười biếng.

Một viên chức hữu trách khác nói rằng, nghị định mới về việc cởi trói cho chất xám nhằm tránh nguy cơ người đứng đầu đơn vị trục lợi, đưa người thân tín của mình vào giữ các chức vụ then chốt nhất trong tổ chức.

Ông Hoàng, giám đốc xí nghiệp ở quận 3 Saigon nhấn mạnh rằng, đây là một biện pháp đúng đắn mà sớm muộn gì nhà nước cũng phải thực hiện, vì đáp ứng được yêu cầu thiết thực của doanh giới. Ông mong rằng, trong tương lai việc cải tiến hoạt động các cơ sở khoa học, công nghệ sẽ thông thoáng hơn nửa.

Quyết định hợp thời

Trong khi đó, ông Vũ, giám đốc một xí nghiệp tại quận Bình Thạnh thì nói, việc nới rộng quyền hạn của các trưởng cơ sở khoa học, công nghệ là một quyết định hợp thời, vì nếu cứ tiếp tục theo lề lối quản lý như hiện giờ, thì các nhà đầu tư nản lòng và các chuyên gia Việt Nam sinh sống ở hải ngoại rất e ngại và họ không bao giờ muốn trở về nước, góp phần xây dựng xứ sở.

Một số báo giải thích thêm rằng qua nghị định 115, các đơn vị và cơ sở khoa học, công nghệ sẽ được khoác 2 áo. Bên cạnh chiếc áo thứ nhất, các đơn vị hay tổ chức vẫn là cơ sở nghiên cứu như từ trước tới giò, nay họ được mặc thêm cái áo thứ 2, tức là được công nhận và cho phép hoạt động như một doanh nghiệp chính doanh.

Được biết, trong số 1200 tổ chức khoa học, công nghệ cả nứơc, hiện nay có có 560 đơn vị do nhà nước quản lý, gọi là công lập. Khoảng một nửa tổ chức công lập sẽ áp dụng nghị định 115 về việc cởi trói cho chất xám, bắt đầu thực hiện từ năm tới và tổng kết năm 2008.

Đến cuối tháng 12 năm 2009, tất cả các tổ chức khoa học, công nghệ công lập sẽ phải tự trang trải kinh phí tức là chuyển thành một doanh nghiệp khoa học, công nghệ. Đơn vị nào không có khả năng chuyển đổi thì sẽ bị sát nhập hay giải thể.