Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Hôm thứ Ba ngày 13 vừa qua, một buổi lễ trao giải Truman Reagan đến những người có thành tích tranh đấu cho tự do đã diễn ra tại toà đại sứ Ba Lan ở thủ đô Washington của nước Mỹ. Đây là lễ trao giải Truman Reagan lần thứ bảy, được tổ chức song song với buổi gây quĩ lần thứ ba của Sáng Hội Xây Dựng Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản, có sự đóng góp đáng kể của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở vùng thủ đô Hoa Kỳ từ lúc khởi đầu.

Sau lời chào mừng cũng như trình bày ý nghĩa buổi tiếp tân của ông đại sứ Janusz Reiter đến quan khách, tiến sĩ Lee Edwards, chủ tịch Sáng Hội Xây Dựng Tượng Đài Kỷ Niệm Nạn Nhân Cộng Sản Trên Thế Giới, trình bày quá trình chuẩn bị và gây quĩ để hoàn thành dự án từ năm 2003 đến giờ.
Các vị khách danh dự
Tiếp đó, ba vị khách danh dự được trao tặng giải thưởng cao quí Truman Reagan là cựu đại tướng Edward Rowny, từng được tổng thống Ronald Reagan của Hoa Kỳ mệnh danh là kiến trúc sư của sức mạnh trong hoà bình khi trao huy chương Presidential Citizens cho ông hồi năm 1989.
Vị thứ hai vinh dự nhận lãnh giải Truman Reagan là một người Ba Lan, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolồ Đệ Nhị, mà thông điệp yêu thương, cảm thông và hoà bình Ngài mang theo khi về thăm quê hương Ba Lan của Ngài năm 1979 đã là chất xúc tác giúp chuyển đổi bộ mặt chính trị của đất nước Ba Lan sau đó.
Vị khách thứ ba, bà Anna Walentynowicz, được nhắc tới như một nhân vật không thể thiếu trong cao trào Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, yếu tố quyết định dẫn tới sự chuyển đổi từ một thể chế độc đảng và kinh tế chỉ huy sang một chính thể đa đảng tự do cho Ba Lan khi mở đầu cuộc đình công toàn diện ở Gdansk hồi thập niên 1980.
Ý nghĩa buổi lễ

Trở lại với dự án Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản mà những người nhận lãnh trách nhiệm gây quĩ để xây dựng được mời đến toà đại sứ Ba Lan hôm ấy, Thanh Trúc ghi nhận có sự hiện diện của nhiều người Mỹ gốc Việt trong Tổ Chức Yểm Trợ Xây Dựng Tượng Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản bên cạnh nhiều người ủng hộ nằm ngoài tổ chức.
Trình bày ý nghĩa cảm nhận được từ buổi lễ, một vị khách được mời, ông Nguyễn Ngọc Bích, cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Một nữ lưu từng sát cánh với Sáng Hội Xây Tượng Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản do tiến sĩ Lee Edwards kêu gọi, cô Lữ Anh Thư, đoàn thanh thiếu niên Đa Hiệu, tổ chức qui tụ nhiều người trẻ Mỹ gốc Việt, cho biết buổi gây quĩ đầu tiên diễn ra tại tiểu bang Virginia năm 2003, đánh dấu sự đóng góp nhiều nhất và nhanh chóng nhất từ cộng đồng Mỹ gốc Việt tính cho đến lúc này: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Nói chuyện với Thanh Trúc, bà Anna Walentynowicz của Công Đoàn Kết Ba Lan Xô Li Daz Not thời bấy giờ, bảo rằng con người tự do có quyền tham dự vào cái hay cái dở của đất nước mình. Bà nói chủ nghĩa cộng sản tự trong căn bản đã là một thất bại, nhưng nên nhớ rằng muốn thay đổi thì phải thực hiện tiến trình đổi thay đó trong hoà bình.
Tại toà đại sứ Ba Lan hôm 13 tây, nhà báo Sơn Tùng, một trong những thành viên của ủy ban yểm trợ xây dựng tượng đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản, đã trao tận tay tiến sĩ Lee Edwards số tiền do cộng đồng Mỹ gốc Việt đóng góp trong lần gây quĩ thứ ba này: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Phát biểu với những người có mặt, nhà văn Sơn Tùng cho rằng Tượng Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản ở Washington có một giá trị lịch sử không thể chối cãi bởi nó nhắc nhở rằng đã có trên một trăm triệu người chết dưới bàn tay sắt của những chính phủ cộng sản từ Âu sang Á, trong đó có người Việt Nam. Ông nói tượng đài là minh chứng hùng hồn cho cuộc sống lưu vong của mấy triệu người Việt trên đất Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới.
Sự đóng góp của cộng đồng người Việt
Được hỏi đến bao giờ có thể khởi sự đặt viên đá đầu tiên cho tượng đài, tiến sĩ Lee Edwards trả lời rằng với số tiền trên 500 ngàn đã quyến góp được cộng với phần gây quĩ hôm nay và trong những ngày tới, việc khởi công tượng đài với kinh phí chừng 650 triệu đang nằm rất gần trong tầm tay của mọi người, nghĩa là giữa hay gần cuối 2007.
Vẫn theo lời ông, có thể nói tượng đài sẽ khó trở thành hiện thực nếu thiếu sự đóng góp nhiệt tình của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Ông khẳng định rằng vai trò của người Mỹ gốc Việt trong dự án này quả là chính yếu và không thể thay thế.
Thanh Trúc xin thưa thêm là sau những khó khăn trong thủ tục liên quan đến địa điểm xây cất, Hội Đồng Thành Phố Washington đã chấp thuận cho xây Tượng Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản tại góc đường Massachusetts và New Jersey mạn Tây Bắc, có thể nhìn thấy trên đường đến Capitol Hill tức toà nhà quốc hội Hoa Kỳ.
Đây là đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản đầu tiên trên thế giới, phỏng theo bức tượng mang tên Nữ Thần Tự Do mà các sinh viên Trung Quốc từng dùng làm biểu tượng cho cuộc tranh đấu đòi tự do dân chủ của họ ở Thiên An Môn năm 1989.
Sáng Hội Xây Dựng Tượng Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản là một tổ chức quốc tế có sự tham dự của nhiều nhân vật danh tiếng. Chủ tịch danh dự của sáng hội là đương kim tổng thống Hoa Kỳ George W Bush.
Dự án cũng được lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ hậu thuẩn. Ba vị đại diện dân cử Mỹ trực tiếp yềm trợ cho dự án là thượng nghị sĩ Jesse Helm, thượng nghị sĩ Clairborne Pell và dân biểu Dana Rohrabacker .
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi se trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.
Thông tin trên mạng:
- Honor the Victims of Communism and Those Who Love Liberty