Cuộc vận động của cộng đồng người Việt Hải Ngoại để giữ Việt Nam trong danh sách CPC


2005.09.25

Ðằng Phong, phóng viên đài RFA

Ngày 15 tháng Chín vừa qua là thời hạn chót để Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quyết định giữ hay loại Việt Nam ra khỏi danh sách Những Quốc Gia Cần Đặc biệt Quan Tâm về Tự Do Tôn Giáo, tức danh sách CPC. Và dĩ nhiên chính phủ Việt Nam không muốn Việt Nam bị liệt kê vào trong danh sách này, nhưng người Việt sống tại Hải Ngoại thì sao?

VnCanadianProtestKhai200.jpg
Cộng đồng người Việt tại Canada biểu tình phản đối Thủ tướng Phan Văn Khải. Photo by Truong Minh Tri

Đằng Phong đã tìm hiểu quan điểm của những người Việt sống tại Hoa Kỳ, Canada, và Australia. Mời quý vị theo dõi.

Trong tháng vừa qua, các cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng và Hải Ngoại nói chung đã rất mong chờ đợi quyết định từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, để biết rằng Việt Nam sẽ tiếp tục bị liệt kê vào danh sách các Quốc Gia Cần Quan Tâm vê Tự Do Tôn Giáo hay không.

Tại một số thành phố đã có những người khởi động chiến dịch xin chữ ký để gởi về cho Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Condoleezza Rice, yêu cầu tiếp tục lưu giữ Việt Nam trong danh sách CPC. Một số người quan tâm hơn thì đã điện thoại và gởi điện thư cho những thân nhân và bạn bè của họ để kêu gọi sự ủng hộ và vận động xin chữ ký, gởi về cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Nguyên nhân

Lý do gì đã khiến những người Việt Nam quan tâm đến danh sách CPC và làm công việc nói trên? Ông Đỗ Minh Đức, phó chủ tịch cộng đồng người Việt tại Houston cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Việc công dân Hoa Kỳ đi vận động xin chữ ký để gởi về cho các chính giới không phải là một việc lạ. Nhưng khi một người đi xin chữ ký để gởi về cho một chính phủ không phải là của nước mình, thì quả thật đó là một việc đáng kể.

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Đó là trường hợp của ông Vũ Chí Linh tại Montreal, Canada, là nơi mà dân số Việt Nam rất khiêm nhường. Ông đã xuống đường xin chữ ký để gởi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vì xem đó là trách nhiệm của ông.

Nhưng dù sao đi nữa, Hoa Kỳ và Canada là hai nước sát liền nhau, và những cộng đồng người Việt tại hai nơi này rất gần gũi với nhau. Thế nhưng ngay tại những xứ xa xôi như Úc Châu, người Việt Nam cũng đã khởi đầu một chiến dịch tương tự. Ông Phạm Tấn, sống tại thành phố Melbourne thuộc tiểu bang Victoria, Úc đã giải thích như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Gửi thư đến các tổ chức nhân quyền

Ngoài những thư từ các người Việt tại Hoa Kỳ, Canada, và Úc Châu vừa kể, một số tổ chức phi chính phủ thường theo dõi tình trạng nhân quyền tại các quốc gia như tổ chức giám sát nhân quyền Human Rights Watch cũng đã viết thư khuyến cáo đến Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Condoleezza Rice.

Đài của chúng tôi cũng được biết là Tỳ Kheo Thích Không Tánh, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất hiện nay đang sống tại Chùa Liên Trì ở Sài Gòn, cũng đã gởi thư về Bộ Trưởng Rice để kể về trường hợp bị hạn chế của ông, và yêu cầu Bà Rice giữ nguyên Việt Nam trong danh sách CPC.

Có lẽ nhiều lá thư mà Bộ Trưởng Rice đã nhận gần đây liên quan đến vấn đề Việt Nam và danh sách CPC, trên nguyên tắc sẽ không được chấp nhận. Nhưng dù được chấp nhận hay không, một điều Bà Rice sẽ phải ghi nhận trong khi quyết định, là có rất nhiều người trên khắp thế giới tin rằng tình trạng tự do tôn giáo nói riêng, và tình trạng nhân quyền tại Việt Nam nói chung, hiện nay đang có vấn đề.

Chúng tôi là Đằng Phong, tường thuật từ Hoa Thịnh Đốn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.