Việt Nam không chấp nhận hệ thống đa công đoàn

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam hôm 26-9 chưa thống nhất được vấn đề đưa đình công hợp pháp vào bộ luật lao động sửa đổi. Nhiều đại biểu yêu cầu phải phân biệt khái niệm tranh chấp lao động tập thể về quyền của người lao động cũng như tranh chấp tập thể về lợi ích của họ.

StrikeFDI200.jpg
Công nhân của một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bình Dương đình công hôm 4-1-2006. AFP PHOTO

Nam Nguyên phỏng vấn luật sư Trần Vũ Hải văn phòng ở Hà Nội về các vấn đề liên quan. Trước hết Luật sư Trần Vũ Hải cho biết:

Luật sư Trần Vũ Hải: Tôi nghĩ cũng khá phức tạp, tất nhiên người ta muốn nói quyền của người lao động là được lao động…nhưng quyền được lao động do đó được trả công cũng là một lợi ích. Giới luật sư chúng tôi khi bảo vệ các đương sự luôn luôn nói là quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Bởi vì thực thế rất khó phân biệt, và chúng tôi đặt vấn đề phân biệt để làm gì? Có những cái quyền được qui định trong bộ luật, còn có những lợi ích được thể hiện ra là được bao nhiêu, như thế nào. Thế nhưng được bao nhiêu được như thế nào cũng phải dựa trên bộ luật tức là quyền, như thế quyền và lợi ích gắn chặt với nhau.

Trên thực tế người dân, người lao động thông thường và ngay cả giới luật sư chúng tôi cũng không có nhu cầu để phân biệt, chúng tôi thấy rằng thực tế hai điều ấy chỉ là một. Tóm lại vấn đề phân biệt chỉ mang tính chất học thuật, không thực tế không làm được.

Nhu cầu của xã hội

Việt Nam xảy ra hàng ngàn cuộc đình công nhưng chưa bao giờ người ta áp dụng luật đình công, cần có luật đình công thiết kế như thế nào để người lao động có thể áp dụng đúng luật, người chủ lao động cũng vậy.

Nam Nguyên: Thưa Luật sư luật hoá quyền đình công đưa vào luật lao động có là một nhu cầu xã hội ở Việt Nam hay không?

Luật sư Trần Vũ Hải: Tôi nghĩ chắc chắn là có, nhưng đưa vấn đề đình công vào luật lao động hay làm một luật riêng thì lại là câu chuyện khác. Quan điểm của tôi là nên có luật đình công riêng, vì nó có thể liên quan tới nhiều cơ quan nhà nước, thậm chí cả tố tụng cả trọng tài lao động v..v..

Một luật riêng là hay hơn , sẽ hoá giải được nhiều thứ mà không nhất thiết phải đụng chạm tới luật lao động. Cần có một luật đình công đầy đủ chi tiết để có thể giải quyết nhiều thứ, thí dụ thế nào là tranh chấp tập thể thế nào là cá nhân, biểu hiện thế nào xử lý ra sao…trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động khi có tranh chấp…vai trò công đoàn ra sao…và khi đã qui định đình công hợp pháp thì hậu quả xảy ra sẽ như thế nào đối với người lao động và cả đối với người sử dụng lao động.

Thí dụ người lao động đình công có bị trù hay không… hoặc chủ doanh nghiệp sẽ được trừ chi phí phát sinh do hậu quả đình công về mặt thuế vụ chẳng hạn….Luật về đình công là phải cộng thêm hậu quả đi kèm theo và các vấn đề cần giải quyết.

Việt Nam xảy ra hàng ngàn cuộc đình công nhưng chưa bao giờ người ta áp dụng luật đình công, cần có luật đình công thiết kế như thế nào để người lao động có thể áp dụng đúng luật, người chủ lao động cũng vậy.

Nghĩa là luật đình công phải đi vào cuộc sống phải điều chỉnh cuộc sống phải đáp ứng nguyện vọng của cuộc sống…chứ không phải để đáp ứng nguyện vọng nào đó của một tầng lớp người nào đó. Cả giới chủ và người lao động đều phải đáp ứng.

Tranh đấu hợp pháp

Nam Nguyên: Thưa Luật sư, nếu có một luật đình công đầy đủ thì ông nghĩ là công nhân có thể tranh đấu hợp pháp ? Và mọi việc sẽ được giải quyết theo pháp luật ?

Luật sư Trần Vũ Hải: Tôi cho rằng sau này khi có đình công người ta sẽ qui chiếu theo điều luật cụ thể để giải quyết. Đừng nghĩ rằng làm ra luật đình công để hạn chế đình công, nhưng cũng đừng nghĩ rằng luật sẽ khuyến khích đình công, mà theo tôi đấy là những vấn đề cuộc sống sinh ra và phải giải quyết. Luật phải phù hợp thế giới và hoàn cảnh Việt Nam, từ đó giảm đình công bất hợp pháp và tăng tỷ lệ đình công hợp pháp lên, nghĩa là phải nới lỏng các điều kiện về đình công.

Hầu hết các cuộc đình công hiện nay ở Việt Nam là không có sự tham gia của công đoàn. Tôi nghĩ rằng vai trò của công đoàn liên quan tới đình công, liên quan tới việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động ở những nơi có khả năng bị xâm hại, thì công đoàn làm chưa tốt.

Nam Nguyên: Thưa Luật sư Việt Nam trong giai đoạn mở cửa hướng theo kinh tế thị trường, vai trò công đoàn tỏ ra kém hữu hiệu. Múôn cải tổ phải làm gì và bắt đầu từ đâu ?

Luật sư Trần Vũ Hải: Hầu hết các cuộc đình công hiện nay ở Việt Nam là không có sự tham gia của công đoàn. Tôi nghĩ rằng vai trò của công đoàn liên quan tới đình công, liên quan tới việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động ở những nơi có khả năng bị xâm hại, thì công đoàn làm chưa tốt.

Đặt vấn đề là làm gì để công đoàn tốt hơn thì đây là một vấn đề quá khó. Vào công đoàn là không bắt buộc, còn cán bộ công đoàn nếu không trả lương theo hệ thống công đoàn thì lại do ông chủ chi trả, trong trường hợp này ông chủ sẽ kiểm soát công đoàn… Tôi cho rằng công đoàn phải dấn thân vào chỗ khó, nhưng đây lại là một câu chuyện hoàn toàn khác…

Nếu công đoàn xông pha mạnh mẽ quá thì chính quyền địa phương không thích và giới chủ là các nhà đầu tư nước ngoài cũng không thích, họ có thể tìm cách cản trở công đoàn. Đây là một câu chuyện phải nhìn theo nhiều chiều…về phần chính phủ Việt Nam, theo tôi cũng có sự lo ngại… nếu hiểu như thế sẽ thông cảm hơn cho tổ chức công đoàn hiện nay.

Bù lại, trong trường hợp này luật pháp Việt Nam nên nới lỏng tạo điều kiện đình công hợp pháp, chứ ở Việt Nam theo tôi nghĩ rất khó để thiết lập hệ thống nhiều công đoàn khác nhau. Có sự lo ngại như trường hợp Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan, chính quyền Việt Nam lo ngại công đoàn bị lợi dụng để biến thành tổ chức chính trị. Theo tôi khó có thể đem ra bàn chuyện hệ thống nhiều công đoàn ở Việt Nam.

Nam Nguyên: Xin cảm ơn Luật sư Trần Vũ Hải. (Xin theo dõi chi tiết cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh)