Vì sao công nhân FDI Việt Nam đình công hàng loạt?


2006.01.06

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Trong những ngày qua, các vụ đình công của hàng chục ngàn công nhân đã được quan tâm đặc biệt. Các cấp chính quyền và công đoàn họp hành liên tục để đối phó. Thế nhưng cách đối phó hữu hiệu nhất là giải quyết được nguyên ủy của vấn đề. Lê Dân tìm hiểu thêm và trình bày một số chi tiết đáng lưu ý như sau.

StrikeFDI200.jpg
Trong những ngày qua, các vụ đình công của hàng chục ngàn công nhân đã được quan tâm đặc biệt. Photo courtesy of Vietnam Net.

Cuộc đình công của hơn 20 ngàn công nhân ở hai công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là Freetrend và Kollan ở khu chế xuất Linh Trung tại Thành phố Hồ Chí Minh là những giọt nước đầu tiên làm tràn chiếc ly "bức xúc" bấy lâu nay trong tập thể những lao động làm việc cho tư bản ngoại quốc.

Chiếc ly "bức xúc"

Chiếc ly "bức xúc" ấy không chỉ bao trọn vấn đề lương tiền và quyền lợi như phía doanh nghiệp FDI và công đoàn cùng nhà cầm quyền khẳng định. Mà nó còn có những uất ức do bị đối xử thiếu nhân phẩm từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Điển hình nhất và mới nhất là sự việc xảy ra tại công ty Hansoll Vina ở khu công nghiệp Sóng Thần hôm thứ Tư vừa qua.

Khi một nữ đốc công người Hàn Quốc cho là có hai nam công nhân định xúi dục đình công nên bà đã giật lấy bảng tên hai công nhân này. Hai anh nhanh chân chạy trốn như mọi công nhân khác thường làm mỗi khi bị chủ nước ngoài tỏ thái độ nóng nảy.

Bà "chuyên gia Hàn Quốc" tức giận, ném chiếc máy bộ đàm đang cầm trên tay vào hai công nhân Việt Nam. Tuy nhiên, "cái cục tức giận" nặng hàng kílô đó không trúng mục tiêu, mà lại rơi vào đầu một nữ công nhân khác, khiến cô này ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu. Thế là trên 3,600 công nhân đồng loạt bỏ việc, kéo nhau tràn ra đường.

Thế nhưng phía chính quyền đã làm những gì để tìm hiểu và giải quyết rốt ráo tình trạng đình công hàng loạt đó ? Sáng thứ Năm tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, lực lượng Thanh niên Xung phong, đoàn viên Thanh niên Cộng sản, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an huyện Thủ Đức, Công an tỉnh Bình Dương, Cán bộ Công đoàn, Cán bộ Liên đoàn Lao động....đã bủa ra khắp mọi nẻo đường nhằm tìm cách phát hiện sớm các vụ đình công.

Bạn nghĩ gì về những vụ đình công này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Đổ trách nhiệm

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Huy Cận, cho biết công đoàn luôn luôn ủng hộ sự tồn tại phát triển của doanh nghiệp và đã tăng cường cán bộ cho các khu chế xuất-khu công nghiệp để ngăn chận mọi cuộc đình công. Còn đại tá Lê Thanh Bình, phó giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định sẽ xử lý những người kêu gọi đình công, chấn chỉnh để không xảy ra những tình trạng tương tự.

Tại những buổi họp giữa chính quyền và doanh giới FDI đã có những lời cảnh cáo về "bọn xấu", về các "tổ chức khích động" được đưa ra, như mỗi khi cần tìm một nguyên ủy để lý giải.

Tuy nhiên lối đổ trách nhiệm như xưa đã không mấy hiệu quả, qua lời nhận xét của một viên chức doanh nghiệp FDI bày tỏ với chúng tôi:

“Trong những lần họp nghe một số chuyên gia và một số lãnh đạo của những công ty khác và cơ quan công an người ta vẫn nói như vậy. Có một tổ chức nào đó, đứng đàng sau các vụ đình công. Thế nhưng nếu mình suy nghĩ thì cái tổ chức nào đó, làm như vậy thì nó được lợi cái gì, lợi cho ai. Mình phải suy nghĩ, chứ không phải ai nói cái gì mình cũng cho là như vậy được.”

Nguyên uỷ của vấn đề

Nguyên ủy của vấn đề, ngoài việc uất ức vì bị đối xử thiếu nhân phẩm, công nhân tại các doanh nghiệp FDI chủ yếu là mong được điều chỉnh lương bổng. So với các nước trong khu vực thì lương công nhân FDI tại Việt Nam là thấp nhất, mà doanh giới gọi hoa mỹ là "có tính cạnh tranh cao".

Lương tối thiểu tại các doanh nghiệp FDI ở Kampuchia là 45 đôla một tháng, tương đương 710 ngàn đồng Việt Nam. Tại Thái Lan và Philippines con số này là từ 70 đến 100 đôla, tại Trung Quốc 63 đôla.

Đã vậy, lương tính bằng đôla Mỹ, nhưng công nhân FDI Việt Nam lại bị bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội cột chặt vào tỉ giá 1 đôla ăn 13, 910 đồng, trong thực tế thì hối suất cao hơn nhiều, kể cả trên thị trường chính thức lẫn thị trường chợ đen.

Hơn 16 năm trước, vào lúc Luật Đầu tư Nước ngoài có hiệu lực lần đầu tiên vào năm 1989, quy định mức lương tối thiểu đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là từ 45 đến 50 đôla.

Nhưng không hiểu vì lý do gì, đúng 10 năm sau, khi Quyết định số 53 của Chính phủ và Quyết định số 708 của bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội cùng đưa ra vào năm 1999, lại giảm xuống thành 3 mức là 35, 40 và 45 đôla mà thôi.

Ảnh hưởng đến nền kinh tế

Từ ngày đó, nếu nhìn thêm vào hai yếu tố chủ chốt khác là mức tăng trưởng GDP đã tăng hơn 50% và giá tiêu dùng tăng khoảng 40% thì công nhân tại các khu chế xuất và khu công nghiệp hiển nhiên là bị đẩy xuống mức lợi tức thấp nhất, trong khi công sức bỏ ra mỗi ngày không thể xuống theo.

Duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao là điều hết sức quan trọng cho đất nước, nhưng sự tăng trưởng đó muốn bền vững phải có công sức của hàng trăm ngàn lao động Việt Nam. Với tình trạng bức xúc, đình công, thì đầu tư nước ngoài sẽ sớm nản lòng và chuyển sang địa bàn khác, theo nhận định của một viên chức Việt Nam làm cho doanh nghiệp FDI:

“Những công ty đang bị đình công như công ty Freetrend hay Kollan, khách hàng mà nghe như vậy thì họ sẽ không rót đơn hàng về đây nữa. Các đầu tư nước ngoài cho biết do đó họ không còn lý do gì, cơ hội gì để lưu lại nước Việt Nam. Khi ra đi họ sẽ thải ra mấy chục ngàn công nhân, thử nghĩ hậu quả đó như thế nào.” Tầm quan trọng của đầu tư nước ngoài đã rõ, nhưng không vì thế mà phải hy sinh quyền lợi của công nhân, mà dù có muốn cũng không thể bắt họ hy sinh mãi được, trong lúc chính những nhà đầu tư nước ngoài chủ doanh nghiệp FDI cũng sẵn sàng tăng thêm lương bổng cho công nhân. Quả bóng hiện đang nằm trong chân nhà nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.