Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Chương trình giải phóng mặt bằng qua cách thu hồi đất của người dân đã được ban hành từ lâu. Nhà nước có chính sách đền bù cho chủ đất, tuy nhiên hiện tượng đại đa số nông dân sau đó lâm vào cảnh tiền bồi thường tiêu hết trong khi không thể tìm được việc làm ngày càng trở nên phổ biến.

Lý do nào dẫn đến tình trạng này, và tình hình cần được thay đổi bằng cách nào? Nhã Trân tìm hiểu thêm và tường trình.
Hiện tượng người dân trở nên trắng tay, lâm vào cảnh thất nghiệp, trong khi không còn một căn hộ hẳn hòi để ở chỉ một thời gian ngắn sau khi nhận khoản tiền bồi thường đất ngày càng tăng ở khắp nơi.
Theo tin tức mới nhất, hiện có hàng chục ngàn nông dân bắt đầu thất nghiệp, tuy nhiều người đã theo các lớp đào tạo nghề, dự định chuyển qua ngành mới.
Khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm
Khoản tiền đền bù đã tiêu gần hết mà vẫn chưa tìm được một việc làm nào để đảm bảo sự sống trong những ngày sắp tới. Viễn ảnh trắng tay khiến những nông dân này đang vô cùng lo lắng, không biết ngày mai sẽ sống cách nào, và cuộc đời họ, tương lai con cái họ, rồi sẽ ra sao.
Các nông dân đã nhường đất không được may mắn khi đi xin việc dầu đã cố gắng học nghề khác. Vì đâu nhóm người này không thể tìm được việc?
Theo ông Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia lâm, các nông dân này đa phần thuộc lứa tuổi ba đến bốn mươi, độ tuổi mà hầu như mọi doanh nghiệp trong nước quan niệm rằng không có khả năng tiếp thu công nghệ cao, do đó từ chối không nhận. Nhiều người đã chứng minh được năng lực cần thiết và giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề cũng vẫn bị khước từ.
Người dân có ý kiến gì về chính sách thu hồi đất và qui chế bồi thường cho họ? Theo ông Bùi. V. Đ thì: "Người dân sống hoàn toàn nhờ vào mảnh đất đó. Nếu [nhà nước] lấy đất đai của dân thì phải bồi thường số tiền đủ để người ta mua đất khác để sống. Giá đền bù thường thấp hơn giá thật sự của mảnh đất đó.
Và nếu chỉ bồi thường tiền không thôi thì sau khi tiêu hết tiền, dân biết làm gì để sống? Người ta thường chỉ nghĩ đến chuyện lấy đất của dân để xây dựng công trình này nọ, mà không quan tâm đến thân phận và đời sống của họ”.
Biện pháp giúp đỡ
Đứng trước tình trạng này ban lãnh đạo thành phố Hà Nội có những biện pháp gì nhằm giúp đỡ dân? Qua thảo luận mới đây ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nhà đất cho rằng người dân đã không được hướng dẫn cách sử dụng tiền một cách hiệu quả, như đầu tư, khiến số vốn mới mau chóng cạn kiệt trong khi người thì thất nghiệp, không sao tìm được cách làm ăn mới.
Bà Nguyễn Thị Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội thì cho là thành phố đã hỗ trợ cho vay vốn bên cạnh việc đào tạo tay nghề, thế nhưng chưa đạt hiệu quả vì nhiều người không tự tìm việc làm, thay vào đó lại trông đợi nhà nước giúp cho điều này.
Tin cho hay ông Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng lập quy hoạch vùng sản xuất cho nông dân mất đất từ 15 đến 20 năm để họ được yên tâm lao động sản xuất, trong khi thành phố nghiên cứu việc hỗ trợ thêm cho những người học nghề là 5 ngàn đồng cho mỗi mét vuông đất nhà nước đã thu hồi.
Đến khi các hỗ trợ mới của chính quyền địa phương được ban hành, những người nông dân tiếp tục sống trong âu lo và chờ đợi.