Phí bảo hiểm y tế Việt Nam sẽ tăng 30% trong thời gian tới

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Loại hình bảo hiểm y tế mới xuất hiện tại Việt Nam trong những năm gần đây cho nhiều người hy vọng về mặt phúc lợi xã hội sẽ đuổi kịp theo đà tiến của một số nước tiến bộ trong vùng. Tuy nhiên sau khi loan báo kết số dư được trên 2 ngàn tỷ đồng, phí bảo hiểm y tế vừa được loan báo sẽ tăng thêm 30%.

0:00 / 0:00
InsuranceAdvertise150.jpg
Phí bảo hiểm y tế Việt Nam sẽ tăng 30% trong thời gian tới. AFP PHOTO

Trong những năm qua, việc quỹ bảo hiểm y tế dư được trên 2 ngàn tỷ đồng cũng đã từng gây dư luận bàn tán vì đây là một định chế phục vụ phúc lợi xã hội, chứ không hề là một đơn vị kinh doanh.

Theo quyết định số 2559 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thì định suất được sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế không được vượt quá 90% tổng kinh phí đối với cơ sở nội ngoại trú, không quá 45% tổng kinh phí đối với cơ sở chỉ khám chữa bệnh ngoại trú.

Tham gia tự nguyện

Như vậy, cộng với khoản 20% đồng chi trả của bệnh nhân, thì kết số dư trên 2 ngàn tỷ đồng không phải là điều phải ngạc nhiên.

Do dư luận thắc mắc về kết số dư này, cùng với những than phiền về tình trạng khám chữa bệnh không đạt yêu cầu, Bảo hiểm Xã hội quyết định mở rộng dịch vụ y tế cho người tham gia tự nguyện, bỏ quy định bệnh nhân đồng chi trả 20%, danh mục thuốc và dịch vụ y tế được mở rộng thêm và bỏ trần thanh toán....

Điển hình như từ cuối năm ngoái, bộ Y tế chính thức ban hành thông tư số 03 loan báo danh mục hơn 1 ngàn kỹ thuật dịch vụ gồm kỹ thuật cao, chi phí lớn sẽ được Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả, bao gồm 6 loại thủ thuật, 15 loại xét nghiệm, 154 phẫu thuật theo chuyên khoa, X quang can thiệp và chẩn đoán hình ảnh.

Đến tháng Hai năm nay, chỉ vừa ra Tết, Bảo hiểm Y tế Việt Nam loan báo chỉ trong năm 2005, số thu bảo hiểm y tế đạt 2 ngàn 800 tỷ đồng, trong khi mức chi trả lên tới 3 ngàn tỷ đồng, xem như lỗ mất 200 tỷ đồng. Lý do được đưa ra là mức chi trả tăng đột biến so với những năm trước sau khi thực hiện quy định mới với việc mở rộng quyền lợi cho người tham gia, cộng thêm việc người bệnh không còn phải cùng chi trả 20% khi thanh tóan chi phí điều trị.

Thế nhưng qua cuộc phỏng vấn mới thực hiện tuần trước, một trong những công nhân viên chức tại Sàigòn được hưởng bảo hiểm y tế trong các năm qua cho biết về việc đóng góp vào quỹ khám chữa bệnh và khoản đồng chi trả 20% mỗi khi đi bệnh viện: "Có trừ trong lương mình ra rồi. Thí dụ 20%, thì mình chịu 6%, còn công ty chịu mười mấy phần trăm đó, là 20% tổng cộng."

Do chi phí tăng

Cũng trong thời gian đó, hồi đầu tháng, ông Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban Giám định Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trao đổi với báo chí cho biết phí bảo hiểm y tế sẽ tăng 30% do chi phí tăng, dù thừa nhận rằng phần lớn các kỹ thuật cao thuộc danh mục hơn 1 ngàn loại hình dịch vụ đã ban hành vẫn chưa được bảo hiểm y tế chi trả.

Trong thực tế, vấn đề bảo hiểm y tế xem chừng không ai nắm vững khiến tình hình rối ren. Một trường hợp điển hình được tờ Tuổi Trẻ nêu lên là Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang đang phải kêu trời vì quỹ khám chữa bệnh thiếu hụt trầm trọng, trong khi các doanh nghiệp dược dọa ngưng cung cấp thuốc vì bệnh viện mang nợ quá nhiều.

Bác sĩ Võ thị Mười Hai, phó giám đốc bệnh viện, cho Tuổi Trẻ biết là năm 2006 số bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện Tiền Giang tăng gấp đôi so với cả năm 2005, hiện có tới 110 ngàn người.

Trong cuộc trao đổi ngắn với chúng tôi, bác sĩ Võ thị Mười Hai cho biết lý do: "Là vì Bảo hiểm Y tế cho bảo hiểm tự nguyện, nên số người đăng ký tăng lên nhiều."

Theo bản quyết toán chi phí bảo hiểm y tế của bệnh viện quý 4, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Tiền Giang còn ghi nợ bệnh viện gần 1 tỷ 200 triệu đồng, lý do là "vượt quỹ khám chữa bệnh".

Đó là chưa kể việc Bảo hiểm Xã hội từ chối thanh toán 349 triệu đồng mà bệnh viện đã chi cho bệnh nhân điều trị nội trú trong quý 4 năm ngoái. Lý do được đưa ra là các khoản thuốc và vật tư y tế đó nằm ngoài danh mục như dây máy thở, mặt nạ thở khí dung, điện cực dán để đo điện tim, bông gòn....

Quả bóng kinh phí

Đó là tình trạng mà bác sĩ Hà văn Lợi, trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp bệnh viện Nhân Dân 115 gọi là "quả bóng kinh phí" bây giờ lại được Bảo hiểm Xã hội đẩy sang các cơ sở điều trị. Làm sao các bệnh viện không bội chi trong khi bệnh nhân ngày càng tăng.

Bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, phó giám đốc bệnh viện Nhân Dân Gia Định, trong cuộc họp tại Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng Tư vừa qua, cho rằng trước đây bệnh viện và Bảo hiểm Y tế thống nhất những khoản vượt chi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế. Thường là bảo hiểm thanh toán lại cho bệnh viện, nay lại từ chối, khiến bệnh viện lâm vào cảnh khó xử.

Bác sĩ phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Tiền Giang trần tình về hoàn cảnh gay go đó: "Kêu thì vẫn kêu, nhưng khám chữa bệnh thì vẫn phải tiến hành vì đó là nhiệm vụ của bệnh viện."

Ở các trung tâm y tế quận huyện, tình hình bội chi xảy ra gần như không chừa đơn vị nào. Có trung tâm y tế "nợ" hơn 3 tỷ đồng, chủ yếu là nợ tiền thuốc. Một dược sĩ nói rằng "để hạn chế bội chi và mang nợ, đương nhiên bệnh viện phải sử dụng thuốc rẻ tiền. Cũng với cùng số tiền như trước, mà muốn duy trì hoạt động với số bệnh nhân đông hơn thì chắc chắn phải giảm chất lượng.

Đó là tình trạng khiến người dân chán nản về loại hình phúc lợi xã hội, mà đáng lẽ phải được đại đa số hoan nghênh.

“Nói thì nói vậy, chứ mình cầm cái thẻ bảo hiểm tới mấy bệnh viện họ coi mình như con ghẻ vậy. Họ mất công phải làm ba cái giấy tờ thủ tục, mà muốn nhận lại chi phí đó phải chờ qua hệ thống, thủ tục này kia nọ...nên họ đâu có thích.”

Ông Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban Giám định Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho báo chí biết là nếu không mở rộng được quyền lợi bệnh nhân thành ra nói dối. Nhưng mở rộng quá nóng vội cũng không phù hợp với khả năng hiện có. Vì vậy, để giảm bớt nguy cơ mất cân đối quỹ, sẽ mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và tăng phí đóng thêm khoảng 30% so với mức hiện nay.