Trí thức Việt Nam ở nước ngoài và việc phát triển Công Ngệ Thông Tin ở Việt Nam
2005.08.28
Trường Văn, phóng viên đài RFA
Ngày 20 tháng 8 vừa qua Hội Nghị “Cộng đồng người Việt ở nước ngoài với sự phát triển Công Nghệ Thông Tin nước nhà” được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó vào ngày 16 tháng 8, một khóa hội thảo về đề tài “Trí thức người Việt ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng đất nước” cũng được tổ chức tại Hà Nội.
Cả hai cuộc hội nghị, hội thảo này đều nhắm vào việc tìm cách lôi kéo đội ngũ trí thức Việt Nam tại nước ngoài về nước. Liệu mục đích đó có dễ dàng đạt được hay không, xin mời quý thính giả theo dõi bài tường trình sau đây của Trường Văn về cảm nghĩ của trí thức trẻ đang họat động trong ngành công nghệ thông tin tại Hoa Kỳ về việc này.
Một quyết định không đơn giản
Không như trí thức Ấn Ðộ hoặc trí thức Thái Lan thường trở về nước họ làm việc, quyết định trở về của trí thức Việt Nam ở hải ngọai là một quyết định không đơn giản, đòi hỏi nhiều suy nghĩ, trăn trở.
Có bạn trẻ cho rằng đã có một số người về thì mình cũng về được: “Không ngại về chuyện bị chỉ trích vì đã có người về.” Nhưng cũng có một số khác có nhiều ràng buộc gia đình, hay khác biệt chính kiến thì việc này không đơn giản: “Ba là một cựu quân nhân, hơn 20 năm trong quân ngũ lại bị đi tù dưới chế độ cộng sản nên ông không muốn cho con cái về. Do đó không thể nào làm trái ý kiến của gia đình. Nếu người thân trong gia đình không vui thì làm sao cho người khác vui được. Tuy nhiên việc này tùy thuộc vào quan điểm của từng gia đình.”
Lương bổng, điều kiện sinh sống
Ngoài ra, lương bổng, điều kiện sinh sống, cũng là những yếu tố quyết định đi hay ở: “Ít nhất cũng phải được trả mức lương tương ứng như ở Hoa Kỳ, điều kiện ăn ở đàng hoàng. Nhiều người lương cả trăm ngàn một năm, Việt Nam khó lòng đài thọ, còn những ngừoi mới ra trường đòi ít lương thì những hiểu biết họ bị hạn chế.”
Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Bạn khác cho rằng sự hợp tác giữa Việt kiều và nhà nước Việt Nam bị trục trặc trong vấn đề suy nghĩ. Việt kiều cho rằng mình về nước là hy sinh rồi còn nhà nước lại nghĩ rằngViệt kiều về nhà nước thì phải lo này lo kia. Hai bên không có thái độ sòng phẳng.
“Mối quan hệ Việt Kiều và nhà nước phải sòng phẳng như mối quan hệ giữa người chủ và nhân viên của mình ở Mỹ. Lương trả cao thì nhân viên cố gắng làm việc. Nhân viên lúc nào cũng phải nổ lực làm cho tốt.
Việt Kiều đừng nghĩ rằng mình về nước là hy sinh. Nhà nước thì đừng nghĩ rằng nhà nước tạo cơ hội để Việt kiều về đóng góp. Hai bên lúc nào cũng nghĩ mình thiệt hại. Như vậy sự hợp tác không thể nào lâu dài được.”
Việc đem tiền về nước để đầu tư cũng khó vì còn nhiều nghi ngờ về những rắc rối, trở ngại do chính quyền Việt Nam gây nên.
“Luật lệ không rõ ràng, nay thế này mai thế khác. Thuế bắt Việt Kiều phải đóng không rõ ràng, úp mở. Việc chống tham nhũng cũng vậy, ngoài mặt thì như vậy nhưng không biết bên trong ra sao. Biết bao nhiêu Việt kiều mang tiền về nước đầu tư rồi bị chụp mũ là trốn thuế, bị tù đày...”
Thành thử vấn đề là tạo dựng lòng tin không phải trên luật lệ giấy tờ mà phải trên việc làm. Muốn thu hút nhân tài về thì toàn bộ chủ trương và chính sách, quy định về pháp lý, cần được rà soát lại cho phù hợp với hoàn cảnh và tâm tư của các chuyên viên.
Những bài liên quan
- Người Việt Nam và dân nghèo ở Nepal
- Ngày Hội Văn Hóa Việt Nam do người Mỹ gốc Việt tại Virginia tổ chức
- Vietnam Culture Camp cho những gia đình người Mỹ có con nuôi Việt Nam
- Làm thế nào kêu gọi trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài trở về
- Nhóm Viet Helping Hand hoạt động tại Việt Nam
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 11-8-2005) (II)
- Cuộc sống khó khăn của người Việt tha hương trên xứ Chùa Tháp (III)
- Cuộc sống khó khăn của người Việt tha hương trên xứ Chùa Tháp (II)
- Cuộc sống khó khăn của người Việt tha hương trên Xứ Chùa Tháp (I)
- Việt Helping Hand, tổ chức bất vụ lợi của giới trẻ Việt khắp thế giới
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 4-8-2005)
- Làm sao hoá giải vết hằn trong lòng người Việt ở nước ngoài?
- RSF tố cáo Việt Nam tăng cường kiểm soát Internet trong nước
- Phản ứng trước thông tư 02 về quy định quản lý Internet
- Công nhân Việt Nam bị tai nạn lao động ở Đài Loan