Thuốc nội địa không cạnh tranh nổi với dược phẩm ngoại nhập

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Nhiều mặt hàng dược phẩm nội địa được đánh giá là có chất lượng cao, tương đương với các loại thuốc ngoại nhập, nhưng trên thị trường, thuốc Tây dường như vẫn lấn áp và vẫn được ưa chuộng hơn thuốc nội.

0:00 / 0:00
pharmacyVN200.jpg
Một tiệm bán thuốc ở Việt Nam.

Những nguyên nhân nào ngăn cản sự phát triển của các cơ sở sản xuất-kinh doanh dược phẩm trong nước? Tổng hợp thông tin từ báo Asia Pulse, Trà Mi ghi nhận.

Phẩm chất cao...

Thuốc nội địa có phẩm chất cao, nhưng vẫn không cạnh tranh nổi với dược phẩm ngoại nhập. Về chất lượng thuốc do Việt Nam sản xuất, Bộ Y Tế nói rằng nhiều sản phẩm thuốc nội có giấy chứng chỉ chất lượng GMP có thể thay thế các loại dược phẩm nhập khẩu, hoặc thậm chí là được xuất khẩu sang các thị trường các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Châu Phi, Miến Điện, Ukraina, và Thái Lan.

Tuy nhiên, tỷ lệ thuốc nội được sử dụng tại các bệnh viện trong nước chỉ ở mức chừng 19-20%, mặc dù thời gian gần đây, xu hướng dùng thuốc mang nhãn "Made in Việt Nam" có khá hơn trước.

Phát biểu với tờ Asia Pulse, ông Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức, cho biết trong số trên 200 chủng loại thuốc khác nhau được sử dụng tại bệnh viện hồi năm ngoái, chỉ có hơn 40 loại là được sản xuất nội địa, chiếm tỷ lệ chỉ 1-5. Nhiều phân khoa của bệnh viện vẫn còn phụ thuộc chủ yếu vào các dược phẩm nhập khẩu.

Tuy doanh thu dược phẩm nội địa đạt gần 250 triệu đô la của năm 2003 đã tăng lên xấp xỉ 300 triệu Mỹ kim vào năm 2004, nhưng các nhà sản xuất dược phẩm trong nước vẫn chưa có được vị trí vững chắc trên thị trường.

Không được ưa chuộng nhiều

Trung bình gía thuốc nội địa chỉ bằng nửa giá thuốc nhập ngoại, nhưng người tiêu thụ trong nước không mặn mà với dược phẩm nội địa. Nguyên nhân vì sao? Trà Mi đã hỏi thăm một bác sĩ chuyên khoa nhi tại TPHCM, và được bác sĩ cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Thuốc nội không bán chạy bằng thuốc ngoại nhập phần lớn cũng là vì chưa thực sự tạo được lòng tin của y bác sĩ, cũng như sự tín nhiệm của bệnh nhân. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt và thiêng vị giữa 2 loại thuốc bào chế trong nước và nhập cảng, như lời giải thích của vị bác sĩ tại Sài Gòn: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Kỹ thuật thương mại kém

Báo Asia Pulse trích dẫn nhận xét của Bộ Y Tế Việt Nam hôm 13 tháng này, rằng kỹ thuật quảng cáo-tiếp thị thương mại kém chính là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ngành dược nội địa. Thực tế cho thấy chiến dịch quảng cáo của các công ty dược nước ngoài luôn được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, tốn kém, lại thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, vì thế, thu hút được giới y khoa và người tiêu thụ.

Một nguyên nhân khác mà giới chuyên môn cho là đáng chú ý là thuốc sản xuất trong nước có thời hạn sử dụng và dự trữ ngắn, kỹ thuật bảo quản chưa cao, và hướng dẫn sử dụng cũng chưa rõ ràng. Đó là đánh giá từ phía người tiêu thụ, còn phía các nhà sản xuất thì nói rằng thiếu hụt tài chánh và năng lực sản xuất giới hạn cũng là những yếu tố đáng kể, kiềm hãm sự phát triển ngành dược trong nước.

Cải tiến kỹ thuật

Để giúp ngành dược phát triển kinh doanh và tạo thế đứng trên thị trường, Bộ Y Tế đã yêu cầu các công ty dược phẩm trong nước cải tiến kỹ thuật, áp dụng các phương thức sản xuất hiện đại để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Song song đó, Bộ cũng đề nghị các bệnh viện và y giới nên tăng cường sử dụng dược phẩm nội địa. Ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất, các công ty dược phẩm, với các bệnh viện, ngành dược cũng cần phải lưu ý hơn đến các phương thức quảng bá-tiếp thị hữu hiệu, nâng cao ý thức người tiêu thụ, để khuyến khích họ sử dụng dược phẩm Made in Vietnam.

Việt Nam hiện có 165 công ty sản xuất dược phẩm, trong số này có 48 đơn vị đã được nhận chứng chỉ chất lượng GMP.