Gia Minh, phóng viên đài RFA
Dân gian ít hiểu biết cho rằng thiên tai là hành động của trời. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, với các phương tiện khoa học hiện đại, con người có thể dự báo trước những biến chuyển bất thường của thời tiết như lụt, bão, hạn hán… để có thể tránh và giảm thiểu mọi thiệt hại do tình trạng khốc liệt mà thiên tai tạo nên.

Vậy công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam lâu nay được tiến hành ra sao?
Gia Minh hỏi chuyện ông Lê Huy Ngọ, Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương của Việt Nam, và được ông cho biết về những công tác thường xuyên cũng hoạt động ứng phó một khi xảy ra thiên tai như sau:
Thường kỳ thì phải có kế hoạch dài hạn như xây dựng cơ sở tránh và chống thiên tai, đó là củng cố đê điều, hồ chứa nước, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư ở những nơi nhạy cảm- ven biển, ven sông… Những việc này là theo phương châm phòng ngừa là chính.
Nhưng khi xảy ra sự cố thì phải ứng phó kịp thời và đẩy trách nhiệm của nhà nước và địa phương theo phương châm ‘phân cấp bốn tại chỗ’. Đó là phải có lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, có sự tương thân tương ái của cộng đồng, có hệ thống thông tin tuyên truyền.
Gia Minh: Đã có kế hoạch như thế nhưng vừa qua vẫn xảy ra chết người, vậy Ban phòng chống lụt bão rút ra những bài học gì?
Lê Huy Ngọ: Bão số 7 là bão lớn lại tiếp theo bão số 6. Hệ thống đê điều phải trải qua một thử thách lớn, và thời gian khôi phục rất là ngắn, cấp tốc nên chất lượng khôi phục kém; hậu quả là một số đê ở Nam Định và Thanh Hoá đã vỡ. Mất người nào đều đau đớn, nhưng đó là mức thấp nhất.
Kinh nghiệm rút ra là nắm vững diễn biến của thời tiết để có quyết sách về di dời dân cư, tổ chức lực lượng sẵn sàng ứng phó. Thứ hai phải nắm vững các vùng xung yếu để chủ động đưa lực lượng đến ứng phó. Thứ ba là phối hợp giữa nhân dân và lực lượng vũ trang.
Bạn hoặc người thân có bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 7? Bạn muốn kể lại câu chuyện của mình với mọi người? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Gia Minh: Bão thì có thể dự báo, nhưng lũ quét thì ập đến đột ngột thì phải làm gì?
Lê Huy Ngọ: Về mặt khoa học thì lũ chưa thể dự báo như bão như mưa nên chỉ có thể cảnh báo. Chúng tôi thông báo cho dân những vùng có khả năng bị lũ quét, cắm bảng báo: những vùng sông thường sạt lỡ, những vùng núi dốc cao có mưa từ 150- 200m. Khi có mưa lớn thì chính quyền địa phương phải di dời dân.
Gia Minh: Ban chỉ đạo có phối hợp với các cơ quan khoa học thế nào trong công tác này?
Lê Huy Ngọ: Hiện chúng tôi đang làm việc với Viện Vật Lý Địa Cầu, Viện Khoa học Việt Nam, trong các dự án về lũ quét, sạt lở sông, sạt lở biển.
Gia Minh: Về công tác gia cố đê hiệu quả thế nào?
Lê Huy Ngọ: Trước đây PAM có hỗ trợ nhưng lâu rồi 20 năm rồi. Hiện chúng tôi có dự án bổ sung là củng cố đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam. Dự án gia cố đê Sông Hồng hiệu quả hơn.
Gia Minh: Việt Nam có chia xẻ và học hỏi kinh nghiệm phòng chống thiên tai với nước khác thế nào?
Lê Huy Ngọ: Việt Nam thường xuyên nhận được hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Họ quan tâm đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng trong vấn đề thiên tai. Việt Nam cũng đóng góp vào các hội nghị về thiên tai, như hội nghị đang họp ở Bắc Kinh, về kinh nghiệm 'bốn tại chỗ' của chúng tôi, phát huy truyền thống của cộng đồng, vai trò của chính quyền.
Gia Minh: Xin cám ơn ông.