Giá gạo xuất khẩu tăng nhưng nông dân Việt Nam vẫn còn nghèo

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Bộ thương mại Việt Nam vừa chỉ đạo các doanh nghiệp ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo cho đến hết tháng 12 -2005. Nguyên do là xuất khẩu vượt chỉ tiêu, đe doạ tới an ninh lương thực trong nước. Xuất khẩu được nhiều, nhưng nông dân Việt Nam chân lấm tay bùn đã cải tạo được mức sống hay chưa.

FarmerRice150.jpg

Lượng gạo xuất khẩu trong 11 tháng vừa qua của các doanh nghiệp Việt Nam đã xấp xỉ 5 triệu tấn, tổng trị giá hơn 1 tỷ 300 triệu đôla. Một thành quả vượt bực cả về số lượng lẫn trị giá ngoại tệ đem về.

Mức giá gạo xuất khẩu tăng

Việt Nam năm nay được lợi lớn, nhờ giá gạo tăng nhiều trên thị trường thế giới. Nguyên do là vì nhu cầu nhập khẩu gạo ở các nước châu Phi gia tăng, chưa kể sự trở lại của thị trường nhập khẩu Indonesia và Iraq. Ngoài ra ở hầu hết các nước xuất khẩu gạo giá đầu vào tăng do ảnh hưởng giá xăng dầu, phân bón và cước phí vận chuyển.

Mức giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam năm nay tăng từ 30 tới 50 đôla một tấn: "Giá năm nay tăng hơn năm ngoái khoảng 40 đôla, giá xuất khẩu bình quân khoảng 250 đôla một tấn."

Từ đầu tháng 7 tới nay đây là lần thứ ba Bộ Thương Mại ra lệnh ngừng ký hợp đồng xuất khẩu. Những lần trước Bộ cấm rồi lại giải toả, sau khi bị phê bình là không nắm vững sản lượng lúa gạo thực tế. Đầu tiên nhà nước ấn định chỉ tiêu gạo xuất khẩu năm 2005 là 3 triệu 800 ngàn tấn, đến đầu tháng 10 điều chỉnh chỉ tiêu lên mức 4 triệu 500 ngàn tấn.

Quyết định mới nhất của Bộ Trưởng Thương Mại Trương Đình Tuyển chỉ đạo ngừng ký hợp đồng xuất khẩu cho tới hết năm 2005, làm nhiều doanh nghiệp lúa gạo lo ngại. Cho tới ngày 5-12 Bộ thương Mại chưa giải thích rõ ràng là ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo giao ngay trong năm 2005, hay cấm luôn cả những thương vụ giao hàng trong năm 2006.

Vụ thu hoạch sắp tới ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa gạo chủ yếu của Việt Nam, sẽ lên đến đỉnh điểm vào tháng hai, tức trong khoảng 90 ngày nữa. Doanh nghiệp sẽ không chủ động được công tác thu mua và thị trường xuất khẩu.

Giá cả hiện nay rất tốt cho nông dân, nhưng dù xuất khẩu được nhiều với giá tốt, nhưng đời sống người nông dân vẫn không khá được. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long người dân trồng lúa với diện tích manh mún lắm, một hộ làm không được bao nhiêu.

Theo Tin Nhanh Việt Nam, thời điểm cuối năm là lúc giao dịch xuất khẩu ký kết hợp đồng nở rộ, ngừng trong lúc này là bỏ mất nhiều khách hàng. Theo thông lệ riêng trong tháng 12 cuối năm, các hợp đồng ký kết có thể lên tới 800 ngàn tấn.

Giá lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng cao trong tháng 11, có nơi mua lúa ướt ngay tại ruộng với giá gần 2.500 đồng một Kg. Giá gạo nguyên liệu nông dân bán cho cho doanh nghiệp thu mua lên tới 3.300 đồng một kg. Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, thì cuối tháng 11 giá gạo bán lẻ tại các chợ cũng tăng từng ngày, gạo thường 4 ngàn một kg, gạo thơm jasmine 5 ngàn. Gạo thơm Thái Lan nhập lậu bán ở chợ 5.600 đồng một Kg.

Đời sống người nông dân

Với tình hình xuất khẩu lúa gạo năm nay thắng lợi đem về cho nhà nước gần 1 tỷ 400 triệu đôla, nhưng đời sống người nông dân trồng lúa vẫn chưa khá lên được. Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, trụ sở ở TP.HCM nhận định:

“Giá cả hiện nay rất tốt cho nông dân, nhưng dù xuất khẩu được nhiều với giá tốt, nhưng đời sống người nông dân vẫn không khá được. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long người dân trồng lúa với diện tích manh mún lắm, một hộ làm không được bao nhiêu.”

Một trong các nguyên do ảnh hưởng thu nhập nông dân là sự bất cập về công cụ và phương tiện sản xuất, từ máy gặt đập liên hợp cho tới hệ thống kho bãi, nhà máy xay xát. Sự thất thoát và thiếu cơ khí hoá khiến giá thành hạt lúa tăng, phẩm chất gạo không ổn định.

Theo một công bố của Bộ Nông nghiệp Phát Triển Nông Thôn được báo Tiền Phong trích thuật, thì trên toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, công việc gặt lúa bằng máy mới chỉ thực hiện được khoảng 1% tổng diện tích. 99% trăm thu hoạch còn lại là do công sức người nông dân và cái liềm gặt lúa, công việc hoàn toàn thủ công như bao đời nay.

Tài liệu của Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn xác định rằng, với sản lượng 18 triệu tấn lúa thì mỗi năm vùng đồng bằng sông Cửu Long thất thoát khoảng 720 ngàn tấn, nếu chỉ tính giá lúa 2 ngàn một kg thì người nông dân đã mất đi gần 1,500 tỷ đồng.