Tình trạng buôn bán phụ nữ Việt Nam ở Đông Âu

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Vào khi Việt Nam bắt đầu cho phép mở những văn phòng tuyển người đi lao động ở nước ngòai, hay những dịch vụ môi giới lấy chồng nước ngòai, nhất là ở Đài Loan, thì cùng là lúc nảy sinh ra nhiều vấn đề phức tạp. Với lý do duy nhất là muốn thóat khỏi cảnh nghèo nên nhiều thiếu nữ ở Việt Nam, từ thôn quê đến thành thị, đã chấp nhận mọi chuyện để ra đi đến xứ người, với ước mong tìm được một công ăn việc làm thích hợp hầu kiếm ít tiền gửi về cho gia đình.

0:00 / 0:00
GdanskPoland200.jpg
Thành phố Gdansk, Ba Lan. Photo courtesy of wikipedia.

Thế nhưng, hầu hết đã rơi vào những thảm cảnh vô cùng bi đát. Thậm chím có người bị bán vào các ổ mãi dâm, bị hành hạ, đánh đập…Nuốt những giọt lệ chảy trong âm thầm, họ không dám cho gia đình còn ở Việt Nam hay biết những sự thực mà họ đang chịu đựng. Từ bao lâu nay, quí vị đã được nghe nói nhiều đến thân phận của các phụ nữ Việt và các công nhân bị đối xử tệ bạc tại Đài Loan hay Malaysia. Trong chương trình hôm nay, mời quí vị nghe câu chuyện về tình trạng buôn người ở Đông Âu.

Hiện tượng duy nhất

Ðể tìm hiểu về tệ nạn buôn người này, Phương Anh đã liên lạc với cô Tôn Vân Anh, hiện là thành viên của ban nghiên cứu Viễn Đông, thuộc Viện Công Giáo Dân Chủ Paderewski ở Ba Lan. Ngoài giờ làm việc, cô thường làm việc thiện nguyện cho các văn phòng xã hội. Nhờ đó, bản thân cô đã từng giúp các nạn nhân, nhất là những phụ nữ bị đưa từ Việt Nam sang làm việc trong các ổ mãi dâm. Cô cho biết:

“Hiện tượng buôn người, cụ thể là từ Việt Nam sang Đông Âu có lẽ là hiện tượng duy nhất mà có lẽ trong lịch sử di dân trái phép chưa bao giờ có. Nó bắt đầu toàn bộ khi nước Nga và Đông Âu chiến thắng Cộng Sản, cộng đồng người Việt bắt đầu hình thành tại đây khi Cộng Sản tại các nước này sụp đổ. Nạn buôn người rầm rộ nhất là tại Nga, đầu những năm 90… còn ở Ba Lan hay Tiệp Khắc là những năm 95 cho đến 2000.

Nguồn gốc của hiện tượng này nằm ở hai yếu tố: Thứ nhất là những nước vưà thoát khỏi Cộng Sản thì có nhiều vấn đề phải giải quyết ngay lập tức, nên họ lơ là những vấn đề di dân, vấn đề ngoại giao với những nước viễn đông, nhất là những quốc gia Cộng Sản. Thứ đến là cộng đồng người Việt ở Đông Đức, là nước láng giềng với Ba Lan đã từng có những kinh nghiệm không hay với cộng đồng người Việt đi xuất khẩu lao động tại Đức trước kia.

Đây cũng là yếu tố làm cho các chính sách di dân của Ba Lan không thiện cảm với người Việt của Ba Lan hay là Đông Âu nên họ không cấp visa cho nên người Việt Nam không có khả năng di cư sang một cách hợp pháp. Nhu cầu ở trong nước là nhu cầu xuất ngoại rất lớn, dẫn đến việc rất đông người Việt vượt biên sang Ba Lan và các nước Đông Âu một cách trái phép.

Hiện tượng buôn người, cụ thể là từ Việt Nam sang Đông Âu có lẽ là hiện tượng duy nhất mà có lẽ trong lịch sử di dân trái phép chưa bao giờ có. Nó bắt đầu toàn bộ khi nước Nga và Đông Âu chiến thắng Cộng Sản, cộng đồng người Việt bắt đầu hình thành tại đây khi Cộng Sản tại các nước này sụp đổ.

Đó là lúc nạn buôn người đi đồng hành với nạn vượt biên trái phép. Việc buôn người này có sự trợ giúp và lobby của Cộng Sản. Thể chế của Cộng Sản VN vẫn còn mạnh mẽ, thế nên mua chuộc được một số quan chức của những người“ hậu Cộng Sản”, đi cùng với sự lobby của CSVN tại đây. Thế nên, tình trạng người Việt sang bất hợp pháp cũng kéo dài.

Chúng tôi ước tính là riêng tại Đông Âu, người vượt biên trái phép có thể lên tới hơn 500,000. trong vòng 10 năm trở lại đây. Đây là một nguồn lợi khổng lồ thu được từ những người vượt biên trái phép hoặc một người phụ nữ được bán ra các ổ mãi dâm, trung bình là khoảng 5000 Euro, chưa kể số tiền những người này kiếm được để gửi về VN dù làm ăn bất hợp pháp tại các nước Đông Âu này.

Chúng tôi cho rằng đây là điều CSVN muốn thu tóm vùng Đông Âu này, để xây dựng một cộng đồng VN sống bất hợp pháp và hoàn toàn phụ thuộc vào sự quản lý của CS, một khi rời đất nước, đến khi đã di cư sang một nước dân chủ rồi.”

Không thể thống kê con số

Cũng theo lời của cô Vân Anh, mỗi năm, trong số 50.000 người Việt vượt biên trái phép ấy, thì số phụ nữ bị bán vào các ổ mãi dâm lên đến 50% . Cô nói tiếp:

“Rất nhiều phụ nữ mang con nhỏ đi vượt biên. Qua các lời kể của các nạn nhân, chúng tôi biết rằng 100% các phụ nữ đều có nguy cơ bị buôn vào các ổ mãi dâm. Thế nhưng, con số lâm nạn tới đâu thì chúng tôi không thể thống kê được, bởi vì các tổ chức người vượt biên ngày càng tinh vi, làm cho nạn nhân không thể nào liên hệ với thế giới.”

Trong quá trình làm việc giúp đỡ các nạn nhân, theo lời các nạn nhân kể lại, các phụ nữ đều trải qua một cuộc hành trình vô cùng gian truân. Cô cho biết:

“Trước hết, là đi từ Bắc Việt Nam, con số đi từ Nam rất ít. Bởi vì ở Bắc, cái nạn tham nhũng nó nhiều hơn. Chỉ cần mua hộ chiếu hay là các tổ chức đưa người sang nước ngoài, hoạt động khá mạnh mẽ ở miền Bắc trong những năm 90 và 2000, người trung gian đưa đường đến nạn nhân, bảo là chúng tôi có thể đưa đi các nước làm việc và tại các nước này có nơi ăn chốn ở ổn định thì nạn nhân ban đầu nộp từ 2 cho đến 3000 euro, để sang được nước Nga.

Họ thường đi bằng visa hay hộ chiếu hợp pháp. Quá trình khổ ải bắt đầu từ Nga. Từ Nga, cũng chính là nơi các phụ nữ Việt Nam bị cướp tiết hạnh, bị hãm hiếp rất nhiều, và khi từ Nga, họ còn bị trấn lột đồ tư nhân, hay tiền của. Quá trình tiếp theo hoặc đi bằng xe “ ti” hay là bằng đường bộ, có những khi phải chạy bộ qua những quãng đường rừng rất lạnh, rất là vất vả để mà sang được các nước Đông Âu.

Trước hết, là đi từ Bắc Việt Nam, con số đi từ Nam rất ít. Bởi vì ở Bắc, cái nạn tham nhũng nó nhiều hơn. Chỉ cần mua hộ chiếu hay là các tổ chức đưa người sang nước ngoài, hoạt động khá mạnh mẽ ở miền Bắc trong những năm 90 và 2000, người trung gian đưa đường đến nạn nhân, bảo là chúng tôi có thể đưa đi các nước làm việc và tại các nước này có nơi ăn chốn ở ổn định thì nạn nhân ban đầu nộp từ 2 cho đến 3000 euro, để sang được nước Nga.

Đến khi sang được các nước Đông Âu rồi, bọn đưa đường còn bắt bí vì người Việt mình không có một điểm tựa nào, không biết luật pháp của nước sở tại, và không biết được quyền con người của mình là phải được bảo vệ, thế nên hoàn toàn bị bọn buôn người khủng bố tinh thần. Có những nạn nhân đã kể lại cho tôi là khi sang đến nước Nga, thì bọn đưa đường gọi về cho gia đình bảo là nếu không nộp tiếp một số tiền khoảng 10000 dollars thì hôm sau sẽ nhận được xác của con về…

Sự khủng bố tinh thần nó liên tục diễn ra như vậy. Ngoài sự khủng bố như vậy, các nạn nhân còn bị chết đói chết khát vì kiệt sức, hoặc là cả đoàn bị ngạt trong xe tải, rất nhiều trường hợp đau thương như vậy. Cái quãng đường như thế diễn ra khoảng 1 tháng, có người thì đi khoảng 1 năm, 2 năm, mới sang được Đông Âu.”

Khủng bố tinh thần

Thưa quí vị và các bạn, với tình cảnh khốn khổ như lời của chị Tôn Vân Anh vừa trình bày, các nạn nhân là phụ nữ bị buộc phải lệ thuộc vào bọn đưa người vượt biên trái phép. Thế rồi, họ bị đưa vào các ổ mãi dâm để làm việc…có khi còn bị thủ tiêu nếu tìm cách thoát thân, hay lên tiếng với bất kỳ ai. Có những trường hợp khi trốn thoát được thì phải sống chui nhủi và luôn nơm nớp lo sợ bị trả thù. Hiện nay, vì sự việc ngày càng lớn, nên tại Ba Lan đã có các tổ chức bảo vệ phụ nữ hay nhân quyền đã bắt đầu chú ý can thiệp. Cô Tôn Vân Anh cho hay:

“Gần đây các con số các phụ nữ may mắn thoát ra khỏi các ổ đó và đến được với các tổ chức trợ giúp nhân quyền hay là trợ giúp phụ nữ tăng lên, cho nên sự việc được chú ý hơn trong các tổ chức của Ba Lan. Họ cũng kêu gọi chính quyền cũng như các tổ chức dân chủ người Việt tại các nước Đông Âu này chú ý hơn là lobby với chính quyền. Một khi nạn buôn người, nạn vượt biên trái phép còn diễn ra giữa Việt Nam và Đông Âu thì vấn nạn buôn bán phụ nữ sẽ không thể nào triệt tiêu hết được.”

Khi được hỏi về phản ứng của tòa Đại Sứ Việt Nam và chính quyền Ba Lan, cũng như tại các nước Đông Âu, cùng các cơ quan truyền thông trước tình trạng này, cô Tôn Vân Anh nói tiếp: (xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Quí vị vừa nghe câu chuyện của những người vượt biên trái phép và nạn buôn người cũng như buôn bán phụ nữ tại các nước Đông Âu, cụ thể là tại Ba Lan. Phương Anh xin dừng nơi đây và kỳ sau, mời quí vị nghe tiếp phần hai về tình trạng xảy ra tại Tiệp Khắc cùng ý kiến của những người Việt hiện đang sinh sống tại đây. Thân ái chào tạm biệt quí vị và các bạn.