Hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội trên thị trường thế giới

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Việt Nam vẫn có cơ hội đối với hàng may mặc xuất khẩu dù phải đối đầu với hàng Trung Quốc giá rẻ. Ông Lê Hòang Hồ, một Việt kiều Bỉ từng đầu tư làm ăn ở Việt Nam từ năm 1995 có những nhận xét lạc quan hơn các doanh nghiệp nhà nước. Ông Lê Hòang Hồ là Tổng Giám Đốc công ty Oasis ở TP.HCM, một liên doanh giữa doanh nghiệp tư nhân Việt Thổ và các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Bangkok Nam Nguyên phỏng vấn doanh nhân Việt kiều này qua điện thọai, mời quí thính già cùng nghe:

textile2_200.jpg
Công nhân Việt Nam làm việc ở một xưởng sản xuất áo quần thể thao cho hãng Nike ở TP. HCM, hôm 15-2-2005. Photo AFP

Thị trường cho hàng Việt Nam

Nam Nguyên: Xuất khẩu may mặc của ông qua những thị trường nào? Ông có nhận xét gì về tình hình xuất khẩu ngành hàng này.

Lê Hòang Hồ : Thị trường truyền thống của chúng tôi là Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là Châu Âu và Mỹ. Hiện nay đầu ra đối với chúng tôi không có khó khăn. Nhưng thực tế, trước tiên có vấn đề cạnh tranh với Trung Quốc nhất là khi VN chưa vào WTO, người ta không bị hạn chế về quota còn VN vẫn phải chịu.

Dù muốn dù không phí quota cũng ảnh hưởng một phần nào. Thứ nhì là vấn đề giá cả, nguồn sản xuất của TQ lúc nào giá cả cũng rất thấp cạnh tranh hơn VN hỏang từ 15 tới 30%. Thành thử Việt Nam cũng khó mà chen chân với TQ. Thứ ba nữa là về mặt nhân công, hiện nay ở VN rất khó tìm nhân công có tay nghề đàng hòang và muốn làm trong lãnh vực may.

Theo sự đánh giá của tôi, ngành may VN thiếu khỏang 30% nhân công lành nghề. Nghĩa là nếu nhà máy của anh có sức thu hút 1 ngàn công nhân, nhưng anh chỉ thu hút được 700 công nhân còn 300 máy còn lại bắt buộc phải để không. Tệ hơn nữa có nhiều nhà máy chỉ thuê được từ 30 tới 50% nhân công cần thiết, số máy còn lại đành để trống.

Ngành may mặc Việt Nam có thế mạnh là đội ngũ lao động dồi dào, dễ đào tạo. Giá lao động lại tương đối là thấp nhất thế giới.

Nam Nguyên: Hứơng giải quyết của công ty ông ra sao đối với những tồn tại của ngành dệt may, như nhân công lành nghề và cả vấn đề nguyên phụ liệu lẫn mẫu mã?

Lê Hòang Hồ: Nguyên phụ liệu thì hiện giờ bắt buộc phải nhập khẩu rất nhiều từ TQ, Đài Loan hay Nam Triều Tiên. Tới đây thì tôi được biết nhà nước tiến hành đầu tư trong lãnh vực này rất là cao, nhưng hiện nay dù muốn dù không chúng tôi vẫn phải lệ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu. Về vấn đề nhân công…tôi nghĩ là nên chọn con bài kiên nhẫn, tại vì theo tôi biết mỗi năm lớp trẻ VN ra thị trường làm việc khỏang 1 triệu 300 ngàn người. Có thể năm nay dệt may còn thiếu hụt sang năm còn thiếu hụt, nhưng ba năm nữa mức đầu tư vào các ngành nghề khác ít đi, thế nào cũng dư nhân công. Thêm vào đó chúng tôi phấn đấu tăng giá gia công để có có thể tăng tiền lương cho công nhân, thì như thế có thể thu hút nhiều nhân công.

Cạnh tranh với hàng Trung Quốc

Nam Nguyên : Thưa ông như thế giá thành sản phẩm sẽ cao thêm, dù ông cho biết là giá hiện nay đã cao hơn TQ. Xuất khẩu đi EU thời gian qua không còn chịu hạn ngạch vậy liệu có khả năng cạnh tranh với hàng TQ hay không?

Lê Hòang Hồ : Tôi nghĩ, tuy giá thành mình cao so với TQ, nhưng giá thành cũng phụ thuộc guồng máy, cái guồng máy của TQ hiện giờ nó còn thấp, nhưng trong một vài năm tới guồng máy đó sẽ trở thành guồng máy của những hãng xưởng khổng lồ. Thành thử ra giá thành cũng theo đó mà cao lên.

Cộng thêm nửa là giá trị tiền Nhân Dân Tệ. Có thông tin nói rằng, dù muốn dù không TQ cũng sẽ phải tăng giá trị tiền Nhân Dân Tệ lên khỏang 15 tới 20% theo lời yêu cầu của Mỹ và khối Châu Âu. Như thế chắc anh thấy là sẽ có một sự quân bình nào đó.

Nam Nguyên : Thế có nghĩa Việt Nam vẫn còn cơ hội?

Lê Hòang Hồ : Vẫn có cơ hội, tôi hy vọng rằng vẫn có cơ hội nếu mình nhìn một cách thực tế. Tôi đã qua TQ rồi tôi thấy cái giá rẻ là cái mặt bên ngòai thôi. Nhưng mà thực tế cũng không biết là chính phủ TQ có trợ giá hay là không.

Nam Nguyên : Các sản phẩm may mặc mà công ty ông xuất khẩu bao gồm các mặt hàng nào?

“...Tôi nghĩ không chỉ lãnh vực giày dép, mà tất cả những lãnh vực khác của Việt Nam hiện nay là giống như vậy. Kể cả dệt may, thực phẩm, đồ gỗ...thì hầu hết hàng của Việt Nam đều mang nhãn hiệu của nước ngoài...

Lê Hòang Hồ : Quần áo cho trẻ em, quần dài, quần jeans cho người lớn , áo jacket cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Dệt may VN và việc gia nhập WTO

Nam Nguyên : Ông có thể nói về kim ngạch xuất khẩu không?

Lê Hòang Hồ : Nói về kim ngạch thì cũng là nói về một sự giả tạo. Cái kim ngạch đó có được trong khi nguyên phụ liệu mình phải nhập gần như 100% …(cười)…nói là mình xuất một cái quần trị giá 5 đô la nhưng thật ra là mình chỉ xuất cái phần gia công của mình mà thôi. Mình tạo ra những con số mà nó không đứng vững trong cơ chế kinh tế nào hết.

Nam Nguyên : Ý ông nói công nghiệp dệt may của VN vẫn là một công nghiệp thiên về gia công ?

Lê Hòang Hồ : Tôi nghĩ là đến 80 hay 90 % là thiên về gia công.

Nam Nguyên : Giả dụ VN gia nhập WTO vào giữa sang năm, lúc đó công ty của ông sẽ phát triển xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường đó ?

Lê Hòang Hồ : Tôi nghĩ thế này, thí dụ xưởng chúng tôi cho ra mỗi tháng 100 ngàn sản phẩm chẳng hạn, thì chúng tôi chỉ dồn cho thị trường Mỹ 40 hay 50% thôi. Những số còn lại mình vẫn giữ cho khách hàng truyền thống ở Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Dồn hết vào một giỏ hàng cho Mỹ tôi thấy rất là nguy hiểm.

Nam Nguyên : Công ty của ông có yếu tố việt kiều và nứơc ngòai, lại chuyên về xuất khẩu hơn là việc bán hàng ở trong nứơc. Vậy thì khi VN gia nhập WTO, lọai công ty như của ông sẽ thuận lợi hơn hay khó khăn hơn?

Lê Hòang Hồ : Tôi nghĩ nếu một công ty chuyên xuất khẩu gần như 100% sản phẩm cũa mình như chúng tôi, thì khi gia nhập WTO, so sánh với các công ty khác chúng tôi có thế mạnh hơn. Là tại vì chúng tôi đã có những khách hàng truyền thống ở nước ngòai rồi, vì thế chúng tôi không mất thời gian để đi tìm khách hàng nữa… một khi mở cửa rồi đương nhiên chúng tôi thẳng thắn mà đi trên con đường mình đã vạch sẵn từ trứơc tới giờ. Ký kết với khác hàng và làm cho người ta.

Nam Nguyên : Xin cảm ơn ông.