Kiến nghị của nhà báo Phan Thế Hải về Báo cáo Chính trị Đại hội X (phần 1)
2006.02.07
Viêt Hùng, phóng viên đài RFA
Nhà báo Phan Thế Hải, hiện là phóng viên kinh tế của báo điện tử VietnamNet từ trong nước, vừa đệ nạp Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam một bản kiến nghị dài 9 trang góp ý về dự thảo Báo cáo Chính trị Ðại hội 10. Từ Hà Nội, ông Phan Thế Hải nói với Việt Hùng của Đài Á Châu Tự Do:
Ô. Phan Thế Hải: Ngày Tết thông thường thì tháng Giêng là tháng ăn chơi. Cũng rất nhiều cám dỗ về bạn bè, vui vẽ, nhưng tôi thì cũng dành thời gian này đọc hết khoảng 20.000 chữ. Đọc xong thì tôi cảm thấy chưa hài lòng. Chưa hài lòng bởi vì thực tình nói mình cũng kỳ vọng nhiều về đột phá. Cái tít thì nó cũng đề ra một chữ khá hấp dẫn, đó là "đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới".
Chữ toàn diện này bao hàm cả chiều sâu và chiều rộng, bao hàm cả hệ tư tưởng lẫn phương pháp chỉ đạo. Nhưng tôi đọc thì tôi cảm thấy rằng là công cuộc đổi mới nếu dùng chữ toàn diện như thế này thì tôi e rằng nó cũng hơi to tát và nó không tương xứng với lời lẽ của báo cáo này. Đặc biệt một số vấn đề cơ bản thì cũng chưa làm rõ. Không biết là quan niệm của tôi có quá khắt khe hay không?
Việt Hùng: Theo tinh thần tôn trọng những ý kiến khác biệt thì ông có đưa ra 5 điểm để góp ý với bản dự thảo báo cáo lần này. Phải chăng những ý kiến của ông là những ý kiến ông trình bày với độc giả và thính giả trong và ngoài nước hay là những ý kiến đó ông đã đóng góp để gởi cho Ban chấp hành trung ương ạ?
Ô. Phan Thế Hải: Tôi có phác thảo ra và tôi có gởi cho Ban chấp hành trung ương. Tôi soạn ra 9 trang cơ bởi vì những điều mình nói thì mang tính là văn nói, khi mình viết ra thì nó phải có dẫn chứng và cội nguồn ngôn ngữ đàng hoàng, bằng những chân lý để thuyết phục người khác. Tôi đã có gởi và mới gởi chiều hôm nay thôi. Chắc là các ông cũng nhận được nhưng phản hồi thế nào thì phải còn chờ đợi.
Đảng quyền hay Pháp quyền
Việt Hùng: Hôm mùng 5/2/2006, trong năm điểm ông đưa ra, chúng ta có thể vắn tắt lại: Điểm thứ nhất, ông đề nghị là phải làm rõ vấn đề "nhà nước pháp quyền XHCN" với "nhà nước pháp quyền" và quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản?
Ô. Phan Thế Hải: Tức là tôi muốn nói rõ là nhà nước mình là đảng quyền hay pháp quyền. Nhà nước pháp quyền hay đảng quyền thì nó phải rõ. Thí dụ như trong văn kiện này dùng rất nhiều từ như xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhưng ngược lại vẫn khẳng định rằng đảng lãnh đạo một cách tuyệt đối và toàn diện.
Từ những cách làm như thế này mà mình không nói rõ. Tôi nói một cách đơn giản như là, Việt Nam người ta vẫn bức xúc vì bộ máy cồng kềnh và kém hiệu lực. Cái cồng kềnh này nó thể hiện một bộ máy quản lý, 64 tỉnh thành thì có 64 ông chủ tịch, 64 ông bí thư tỉnh ủy, có 64 văn phòng ủy ban và có 64 hệ thống văn phòng tỉnh ủy... và ở huyện cũng vậy.
Nhà nước pháp quyền hay đảng quyền thì nó phải rõ. Thí dụ như trong văn kiện này dùng rất nhiều từ như xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhưng ngược lại vẫn khẳng định rằng đảng lãnh đạo một cách tuyệt đối và toàn diện.
Sự cồng kềnh này mà không xác định rõ thì rõ ràng là một doanh nghiệp muốn làm ăn đôi lúc thông qua một dự án ở tỉnh, nhưng tỉnh ủy người ta vẫn có thể thẩm định lại hoặc người ta có thể có ý kiến phản bác. Mà sự phản bác này đôi lúc là rào cản, mà rào cản này rõ ràng là đẻ ra những sự thỏa thuận hoặc những cách thức để người ra vượt qua rào cản đấy. Trong báo cáo này thì không nói rõ vấn đề đó.
Ngay điều 4 của hiến pháp thì được bản báo cáo này nhắc lại với một ý mà theo tôi nghĩ rằng nó hơi rườm rà. Rườm rà ở đây thì người ta nói chẳng hạn như "đảng CSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, và của dân tộc".
Một ý nó rườm rà và đôi lúc nó mâu thuẫn như thế. Thí dụ như đội tiên phong của dân tộc thì đã là đủ ý rồi, thế mà còn nhấn mạnh thêm là của giai cấp công nhân hay của nhân dân lao động gì đó thì rõ ràng chữ nghĩa rườm rà và gây cho người ta sự rối rắm.
Chủ nghĩa Mác-Lê ở Việt Nam?
Việt Hùng: Đó là vấn đề thứ nhất, thế còn ý thứ hai tức là chúng ta không nên vận dụng chủ nghĩa Mác Lê như một tín ngưỡng?
Ô. Phan Thế Hải: Đấy, như là một quốc đạo. Chuyện tín ngưỡng thì rõ ràng là anh biết rồi, riêng niềm tin thì mình không can thiệp sâu được. Bản thân ai cũng thế thôi, người ta có niềm tin thì mình tôn trọng người ta. Nhưng tôn trọng với tư cách mình coi đó là một phần của đời sống chứ không phải là đưa họ vô quốc đạo.
Ở đây có tình trạng là chủ nghĩa Mác Lênin được đưa vào giảng dạy ở Việt Nam từ trường phổ thông. Con cái nhà tôi đi học thì ở đó nó đã học rồi. Đặc biệt là bao nhiêu cán bộ nhà nước, tầng giám đốc, phó giám đốc muốn được đề bạt thì cũng phải qua học về chương trình HCM.
Tôi nghĩ là học cũng được thôi nhưng do ai thích hoặc do sự lựa chọn thì người ta học để nghiên cứu, chả sao cả. Nhưng học gần như là một sự bắt buộc, như là một quốc đạo thì rõ ràng tôi không tán thành chuyện đó.
Việt Hùng: Tức là không nên đặt chủ nghĩa Mác Lê là một quốc đạo làm một hướng đi của Việt Nam?
Ô. Phan Thế Hải: Điều thứ ba tôi muốn nói nữa là vấn đề về định hướng chủ nghĩa xã hội và vấn đề quốc hiệu Xã Hội Chủ Nghĩa. Khái niệm quốc hiệu Xã Hội Chủ Nghĩa thì rõ ràng là nó đi vô Việt Nam cả độ hơn nửa thế kỷ rồi. Thực tiễn xảy ra như thế nào, khi bài học ở Đông Âu và Liên Xô thì đã được chứng minh rồi.
Đặc biệt là vấn đề công hữu hóa thì gắn liền với việc tước đoạt, gắn liền với việc giai cấp công nhân đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Cái này là một khái niệm không khích lệ đối với sự sáng tạo của dân chúng, mà nền kinh tế đã đi đến chỗ bế tắc và không có động lực.
Bây giờ chẳng hạn mình đưa ra kinh tế thị trường thì gần như là vẫn còn lơ lửng. Một số người có động cơ làm giàu nhưng cứ lo lắng rằng với định hướng XHCN thì liệu một ngày nào đó, khi mình đủ béo rồi thì mình có bị ăn thịt không? Hay là mình có bị công hữu hóa không? Có đưa mình ra đấu tố hay không?
Một số người có động cơ làm giàu nhưng cứ lo lắng rằng với định hướng XHCN thì liệu một ngày nào đó, khi mình đủ béo rồi thì mình có bị ăn thịt không? Hay là mình có bị công hữu hóa không? Có đưa mình ra đấu tố hay không?
Chuyện này thì lịch sử đã xảy ra rồi chứ không phải là không. Cũng vì chính lý do này cho nên rất nhiều người có tiền thì người ta cũng không yên tâm lắm và người ta đầu cơ dưới nhiều dạng, có thể là một số người đã có tài khoản hiện để ở nước ngoài, làm phân tán nguồn lực. Đây cũng được coi là một nút cổ chai mà anh chưa tháo gỡ.
Bây giờ người ta hay nói đến chuyện "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh". Cội nguồn của ý nghĩa này là "quốc phú dân cường" là khái niệm của đạo Khổng, đạo Nho đã có từ lâu rồi. Còn vấn đề "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh" là một tiêu chí của cách mạng tư sản Pháp năm 1789.
Thế bây giờ anh nhận vơ cái này là của chủ nghĩa xã hội thì không phải. Những thứ đó thì rõ ràng mình cứ nói thẳng là tôi định hướng đất nước theo đó chứ không phải là định hướng theo chủ nghĩa xã hội.
Những thứ đó thì phải làm rõ, nếu không rõ thì dẫn đến người dân biết rằng anh vay mượn ngôn từ. Với tư cách cá nhân thì có thể chấp nhận được. Còn nếu như một đảng cầm quyền thì như thế rõ ràng là chưa trung thực lắm.
Mạnh dạn cởi bỏ những trói buộc
Việt Hùng: Qúy vị đang theo dõi cuộc nói chuyện với nhà báo Phan Thế Hải hiện đang làm việc tại VietnamNet.
Ô. Phan Thế Hải: Thứ tư là phải mạnh dạn thúc bỏ những trói buộc do tự mình tạo ra. Cơ chế lâu nay mình đã mở ra rồi nhưng bây giờ phải tiếp tục thúc bỏ nữa tại vì còn rất nhiều cái không cần thiết. Ý tôi muốn nói là phải mạnh dạn thúc bỏ những trói buộc do mình tạo ra.
Việt Hùng: Ý kiến thứ năm tức là tôn trọng những ý kiến khác biệt?
Ô. Phan Thế Hải: Năm ý mà tôi muốn kiến nghị với văn kiện là phải bổ xung hoàn thiện và đặc biệt là phải làm rõ.Làm rõ theo kiểu như tôi nói. Văn kiện của đảng đối với Việt Nam rất quan trọng, nó là một văn bản chính thống và nó tác động đến toàn bộ sinh hoạt đời sống chính trị của xã hội và đất nước.
Tất nhiên là có hai ý khác nhau, có trường hợp người ta ngầm thừa nhận và có trường hợp người ta thừa nhận công khai. Cũng như vấn đề đảng viên làm kinh tế. Vấn đề đó nó đã diễn ra cách đây mấy chục năm rồi, nhưng chuyện anh làm chưa được thừa nhận một cách chính thống thì khác.
Bây giờ tất nhiên chuyện này là nó được thừa nhận bằng dự thảo văn kiện nghị quyết đại hội đảng, dĩ nhiên là nó muộn màng nhưng vẫn còn hơn không.
Việt Hùng: "Muộn màng những vẫn còn hơn không", câu nói của nhà báo Phan Thế Hải từ Hà Nội đã kết thúc phần đầu cuộc trao đổi liên quan đến bản kiến nghị dài 9 trang gửi Ban Chấp Hành Trung Ương về Bản Báo Cáo Chính Trị Ðại Hội 10.
Trong buổi phát thanh tới, nhà báo Phan Thế Hải sẽ trở lại để trình bày về những nguyên do của cái gọi là Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như trăn trở của một người cầm bút trong làng báo Việt Nam, mời quí vị nhớ đón nghe. Việt Hùng, Ðài Á Châu Tự Do
Bạn nghĩ gì về những đề nghị của nhà báo Phan Thế Hải? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vieweb@rfa.org
Nhà báo Phan Thế Hải của báo điện tử VietnamNet nguyên là phóng viên kinh tế tờ Tin Tức Kinh Tế Việt Nam. Gần đây dư luận trong nước biết đến ông như một phóng viên trẻ, có tư duy và nhiều tâm huyết, thể hiện qua một số sách và bài viết trong phần nhận định và mục kinh tế của VietnamNet.
Trong số những sách và bài viết phải kể đến cuốn: "Ðồng Tiền Khôn" dày 300 trang vừa được nhà xuất bản Thanh Niên phát hành, và những cuốn khác như: “Sửa Mình Ðể Thích Ứng Với Cuộc Chơi", "Ðặng Tiểu Bình, nhà cải cách kinh tế hàng đầu của Thế kỷ 20”, “Cuộc khủng hoảng đã được báo trước”...
Bên cạnh đó độc giả còn biết đến những bài viết của ông như "Chỉ số tự do kinh tế" và cách "bỏ phiếu bằng chân" hay "Ðồng tiền khôn" và gần đây là bài "Tôn trọng những ý kiến khác biệt", cùng với nhiều bài viết khác về những vấn đề kinh tế, chính trị ở Việt Nam...
Theo dòng sự kiện:
- Kiến nghị của nhà báo Phan Thế Hải về Báo cáo Chính trị Đại hội X (Phần 2)
Thông tin liên quan
Các tin, bài liên quan
- Kiến nghị 5 điểm của nhà báo Phan Thế Hải cho Dự thảo Báo cáo chính trị (phần 1)
- Ðảng CSVN: sẵn sàng đối thoại nhưng không chấp nhận can thiệp
- Hội nghị Trung ương 13 chưa quyết định được về nhân sự lãnh đạo (phần 2)
- Hội nghị Trung ương 13 chưa quyết định được thành phần nhân sự lãnh đạo (phần 1)
- Vấn đề nhân sự Hội nghị Trung Ương 13 qua cuộc nói chuyện với ông Lê Hồng Hà (phần 2)
- Vấn đề nhân sự Hội nghị Trung Ương 13 qua cuộc nói chuyện với ông Lê Hồng Hà (Phần 1)
- Việt Nam: Đảng viên sẽ được phép mở doanh nghiệp và làm kinh tế
- Nhìn lại năm cũ và tính chuyện năm mới
- Hội luận về Hội nghị 13 Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN nhóm họp hội nghị lần thứ 13 khoá IX
- “Ðảng cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ một cơ hội quá lớn”
- Nhận định của ông Lê Hồng Hà về giới trí thức “yêu nước” trong và ngoài đảng
- Cựu Đại tá Phạm Quế Dương nói về sự ra đi của ông Trần Xuân Bách
- Ông Trần Xuân Bách từ trần tại Hà Nội, thọ 83 tuổi
- Ông Lê Hồng Hà: “bối cảnh chính trị tại Việt Nam đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng tiền biến chuyển”
- Ông Lê Hồng Hà bàn về công tác lý luận chuẩn bị cho Đại Hội X đảng CSVN
- Ý nghĩa của những hoạt động nội bộ và ngoại giao của Việt Nam trong tháng qua
- Luật phòng chống tham nhũng có thực sụ hiệu quả?
- Phân tích và đánh giá tình hình chính trị tại Việt Nam
- Nhận định bài viết định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội của ông Ðỗ Mười
- Ông Lê Hồng Hà nhận định về bài của ông Ðỗ Mười khi bàn về định hướng XHCN
- Ông Đặng Văn Việt gửi thư cho Bộ Chính Trị yêu cầu không thi hành kỷ luật ông Đoàn Duy Thành (II)
- Ông Đặng Văn Việt gửi thư cho Bộ Chính Trị yêu cầu không thi hành kỷ luật ông Đoàn Duy Thành
- Tình trạng biến chất của đảng CSVN hiện nay
- Công tác chuẩn bị cho Ðại Hội 10 của Ðảng CSVN sắp tới