Phản ứng của dư luận Việt Nam về dự thảo luật thuế thu nhập

Việt Long, phóng viên đài RFA

Đề nghị hạ thấp mức khởi điểm chịu thuế thu nhập đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. Vì thế, từ ngày 20-5, các cấp lãnh đạo bộ tài chính Việt Nam đã phải lần lượt lên tiếng trấn an công luận, rằng tất cả những thông tin vừa qua mới chỉ là một trong nhiều phương án được đề xuất để cân nhắc. Mức khởi điểm để chịu thuế là bao nhiêu thì sẽ còn phải chờ lấy ý kiến của toàn dân vào giữa tháng 6 tới.

0:00 / 0:00
EconomicInvest200.jpg
Siêu thị Big C ở Hà Nội hôm 9-5-2006. AFP PHOTO

Đó là những diễn biến gần đây nhất xoay quanh bản dự thảo luật thuế gây xôn xao công luận. Việt Long hỏi thăm bạn Lê Phương, một công dân trẻ ở Hà Nội, để tìm hiểu phần ý kiến người dân.

Việt Long: Chào bạn Lê Phương. Nói về chuyện thuế thu nhập đang gây sôi nổi ở trong nước, thì sau khi các ông Bộ truởng và thứ trưởng bộ tài chính trấn an công luận về vụ thuế thu nhập thì nhiều người dân vẫn rất lo âu; bởi vì ngay trước đó thì phó tổng cục trưởng tổng cục thuế là bà Nguyễn Thị Cúc đã phát biểu rằng phương án đánh thuế thu nhập cá nhân đối với toàn dân đã được một số lãnh đạo cấp rất cao của nhà nước đồng tình, trong khi Nhà nước vẫn cố giải thích là áp thuế để đầu tư cho xây dựng, phát triển và cho an sinh xã hội? Bạn có ý kiến thế nào?

Lê Phương: Đồng ý rằng an sinh xã hội cần được đầu tư hơn, nhưng không thể tùy tiện áp đặt những tiêu chuẩn thuế của các nước đã phát triển vào Việt Nam được. Vì thu nhập và mức sống của họ cao gấp Việt Nam hàng chục hàng trăm lần.

Vả lại ở các nước dân chủ họ tính toán khoa học, hợp lý lắm. Trưng cầu dân ý thực sự. Còn Việt Nam chỉ toàn ép buộc tùy tiện thôi cho nên các quyết định chính quyền đưa ra thường vô lý cứ như trên trời rơi xuống. Bây giờ nhiều người dân mới chỉ là tạm thoát nghèo.

Nếu được hỏi ý kiến thực sự thì không ai người ta chấp nhận, với thu nhập 1 triệu đồng một tháng sống tằn tiện còn chật vật huống hồ bắt nộp thuế.

Dân đóng thuế, cán bộ tham nhũng

Việt Long: Thế trước khi phải gánh thêm thuế thu nhập, thì bạn thấy là người dân đã phải đóng thuế nhiều hay ít?

Lê Phương: Phải đóng lắm thứ quá rồi chứ không chỉ riêng cái thuế thu nhập cá nhân đang nói đâu. Ngay tiền điện tiền nước cũng đã phải nộp 10% thuế VAT rồi. Mà khi bỏ tiền ra nộp là có ngay cảm giác vừa xót vừa bực như bị ăn cướp. Bởi vì không thể dám chắc rằng tiền thuế mình bỏ ra sẽ không bị những tay tham nhũng hiện nay nó ăn bớt mất.

Việt Long: Nhưng mà nước nào thì dân cũng phải đóng những thứ thuế tương tự, không thì Nhà nước lấy đâu ra để mà xây dựng và phát triển cho dân hưởng, lại còn an sinh xã hội nữa chứ?

Lê Phương: Hiện nay, đảng-nhà nước tiêu tốn rất nhiều tiền của nhân dân, nhưng những gì họ cung cấp đó là y tế, giáo dục, giao thông và còn nhiều mặt khác nữa, nhìn chung đều rất tệ hại. Chẳng có gì đảm bảo rằng các dịch vụ an sinh xã hội dành cho dân chúng sẽ tốt hơn khi tăng thuế. Tại sao lại có tới mấy ngàn trẻ em bị teo cơ delta. Bao nhiêu tiền của đổ vào y tế đã chạy đi đâu rồi.

Việt Long: Bạn vui lòng chứng minh cụ thể về điều bạn vừa nói là tiêu tốn hằng tỉ mà lo cho dân rất là tệ?

Lê Phương: Họ sẵn sàng quyết toán hàng ngàn tỉ đồng, tiền mà các quan chức trong bộ máy đảng và nhà nước đã dùng để mua sắm xe hơi, ăn nhậu tiếp khách và hội họp kỷ niệm. Nhưng khi chỉ cần bỏ ra vài tỉ mà có thể mổ cho tất cả những bệnh nhi bị teo cơ delta thì lại không. Tại sao chỉ miễn phí cho một số vài trăm em. Những đứa khác nếu không có lòng tốt của một số người hảo tâm họ đóng góp cho chắc sẽ phải tàn tật suốt đời à.

Việt Long: Nhưng mà thiếu tiền thuế thì bạn nghĩ coi làm sao tránh được nạn ngân sách thâm thủng?

Lê Phương: Thâm thủng ngân sách thì nhà nước phải trừng phạt những bộ ngành, cá nhân tiêu pha vượt quá mức dự toán cho phép, phải chống tham nhũng thực sự, chứ không phải là bắt người dân nộp thêm thuế để bù vào.

Việt Long: Việt Nam lại còn luôn luôn bị thất thu thuế nữa. Ở những nước tiên tiến thì rất khó trốn thuế nhưng cũng vẫn bị thất thu ít nhiều, thế còn ở Việt Nam tại sao thuế bị thất thu?

Lê Phương: Thất thu chủ yếu vì nhiều chỗ nó móc ngoặc với các quan chức trong bộ máy đảng và chính quyền để trốn thuế. Dĩ nhiên họ có chia chác phần trăm để hưởng lợi với nhau cả, còn người dân thì bị bắt đóng thêm để bù vào. Nhiều người đang kêu là không biết có phải nhà nước tính thu thêm thuế của dân để bù cho vụ PMU18 không đấy.

Việt Long: Thì dù sao tới lúc này này thì dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân cũng phải xếp ngay lại để chờ lấy ý kiến toàn dân rồi. Bạn có cảm thấy yên tâm phần nào không, khi mà nhu cầu ngân sách cũng rầt cấp bách khiến cho các nhà tài chính tuy rằng có thể đoán trước là bị phản đối mạnh nhưng vẫn cứ phải đưa ra dự thảo thuế thu nhập này?

Lê Phương: Phải nuôi hai bộ máy song trùng đảng-nước ngày càng phình to thì tốn kém kinh khủng lắm chứ. Để có tiền biện pháp duy nhất mà họ có thể làm đấy là tăng thuế và thu thêm các loại thuế mới. Rất là lo bởi vì có thể để tránh những phản ứng mạnh của dân chúng thì nay họ tạm gác lại.

Nhưng biết đâu đấy một lúc nào đó vấn đề này sẽ có thể được nhắc lại. Dền dứ như vậy là để thăm dò trước. Cứ nhìn vụ giá điện. Dân kêu thì họ tạm ngừng một thời gian nhưng rồi kiểu gì mà chả tăng cho bằng được. Độc quyền mà. Kêu ai.