Mục sư phản đối Trung Quốc bị dọa giết

0:00 / 0:00

Nguyễn Bình, thông tín viên đài RFA

Từ Campuchea, bất bình trước hành động xâm lấn của Trung Quốc trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Mục sư Vũ Hứa Khang, 70 tuổi, đang truyền đạo Tin Lành trong cộng đồng người Việt tại Campuchia đã đến Đại Sứ Quán Trung Quốc tại nước này vào sáng ngày 17 tháng 12 vừa qua để bày tỏ quan điểm của mình, trong đó đề nghị Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Một ngày sau đó, tức sáng ngày 18 tháng 12, có 2 thanh niên xách súng đến tận nhà Mục Sư ở ngoại ô Phnom Penh dọa sẽ giết ông nếu ông còn nói đến 2 quần đảo đang tranh chấp nói trên.

Trả lời phóng viên Nguyễn Bình của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do tại Phnom Penh, Mục sư Vũ Hứa Khang kể lại:

“Sáng sớm ngày 18 có hai người đến gõ cửa. Không biết tại sao họ biết hội thánh của chúng tôi ở đây. Đây là địa điểm chúng tôi dạy Kinh Thánh cho hết cả một đất nước, 20 tỉnh và 4 thành phố. Cái điểm này là một điểm...

Hai người này hình dáng của thanh niên và đi một xe lớn, rồi có hai cây súng ngắn và giắt ở lưng đó, và có dây đàng hoàng trông thấy luôn. Họ nói rằng thôi đừng có đi phản đối cái chuyện Trung Quốc với lại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nữa; nếu mà phản đối việc đó là họ bắn tôi.”

Nguyễn Bình: Theo Mục Sư, 2 người thanh niên cầm súng đến nhà Mục Sư thì họ là người gì? Người Việt Nam hay người Trung Quốc ạ?

Mục sư Vũ Hứa Khang: Như vậy là có một người nói ấm ớ tiếng Trung Quốc và một người nói tiếng Việt Nam rất rõ.

Nguyễn Bình: Thưa Mục Sư, mấy ngày vừa qua Mục Sư đã làm gì để phản đối Trung Quốc chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Mục sư Vũ Hứa Khang: Dạ, có làm như thế này. Chúng tôi có một xe đến đó là 27 người và 6 xe mô tô. 6 xe mô tô là 12 người và 27 người trên xe lại chỗ đại sứ quán đó, nhưng mà chúng tôi chỉ gặp người gác ở đó thôi. Và chúng ta lại đó ngụ ý là nói với các ông rằng chúng tôi không chịu việc Trung Quốc lấn hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đâu.

Chúng tôi lại đó thì chúng tôi nói với chỗ ngoài cổng đó và kế đó thì chúng tôi cũng có gặp giấy người ta dán ở đó nữa. Và chúng tôi biết được về việc này thì chúng tôi phản đối, chúng tôi không chịu về việc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc lấn chiếm. Đó là sai lầm đó ông.

Sau đó thì chúng tôi không thấy ai ra nữa thì chúng tôi quay về nhà. Tôi thiết nghĩ rằng chúng tôi không có làm việc gì khó khăn cho một ai hết. Chúng tôi chỉ muôn nói rằng là không nên làm những việc đi lấn chiếm của một đất nước nhỏ. Một đất nước lớn đánh chiếm nước nhỏ là sai. Đó là cái thứ nhứt. Cái thứ hai nữa là chúng tôi thường dạy cho mọi người dân là phải tuân theo 10 điều răn trong Kinh Thánh.

Chúng tôi nằm trong việc dạy Kinh Thánh, do đó mà chúng tôi nói về Điều 10. Điều 10 trong Kinh Thánh chúng tôi dạy cho mọi người là (chúng tôi cũng thực hiện nữa) "Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận và người cũng đừng tham vợ người hoặc tôi trai tớ gái bò lừa hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận người.

Đó, như vậy là tôi thấy nói về việc đảo Trường Sa và Hoàng Sa thì người Trung Quốc xâm lấn như vậy là không đúng. Bởi vậy tôi cũng phản đối rằng không được phép như vậy. Chúng tôi không nhất trí và tất cả các con người trong Chúa của chúng tôi trên thế giới là cũng không nhất trí về điểm đó đâu. Chúng tôi là những người Thiên Chúa, chúng tôi không thích chuyện lấn chiếm một đất nước khác, trong Kinh Thánh nói rõ ràng lắm.

Do đó, trong Điều 6 nữa. Điều 6 có nói "Ngươi chớ giết người" nữa. Nếu mà từ chuyện lấn chiếm như thế này thì phải cãi lộn, cãi lộn thì phải là đổ máu, giết người, thì như vậy chúng tôi không có chịu.

Nguyễn Bình: Hiện tại Mục Sư có lo sợ gì không ạ?

Mục sư Vũ Hứa Khang: Dạ, tôi thì nửa lo nửa không. Ví dụ như họ hà hiếp thì chúng tôi biết ra sao! Còn về việc chúng tôi có Chúa thì chúng tôi không có sợ chết.

Nguyễn Bình: Mục Sư có đến gặp cơ quan an ninh để xin người ta giúp đỡ không?

Mục sư Vũ Hứa Khang: Dạ, tôi cũng rất muốn gặp cơ quan an ninh để người ta giúp đỡ cho để ngừa cái việc giết người hoặc là đổ máu trên một đất nước. Nó sai phạm vào trong cái luật của Kinh Thánh mà chúng tôi đang dạy đó.

Nguyễn Bình: Dạ, cảm ơn Mục Sư rất nhiều đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.