Minh Thùy, phóng viên đài RFA tại Đức quốc
Gần như một truyền thống, mỗi năm khi Tết đến, sau khi cúng ông bà tổ tiên ở nhà thì phần đông người Việt ở nước Đức đều rủ nhau đến Chùa vui Tết, đón mừng năm mới. Dù thời tiết năm nay giá lạnh, có nơi nhiệt độ là âm 10 độ C, nhưng từ 6 giờ chiều ngày 30 Tết, chánh điện Chùa Viên Giác ở Hannover và chùa Phật Huệ ở Frankfurt đã chen chật người lớn và trẻ con.

Người Việt cũng như các sắc dân ngoại kiều khác ở nước Đức đều sống phân tán, rải rác trên toàn liên bang Đức. Ngay người Trung Hoa ở Đức rất đông mà cũng không hề có China Town như ở London, Rome hay Amsterdam.
Vì vậy, Tết - không phải chỉ là dịp vui chơi mà còn là cơ hội để bạn bè, họ hàng từ các thành phố khác về Chùa gặp nhau, chúc Tết nhau.
Trong không khí rộn ràng ngày Tết cổ truyền, trẻ con súng sính áo mới, người lớn và giới trẻ chen chân ở các gian hàng thức ăn, bánh trái, xem văn nghệ hay gieo quẻ xin xăm, thấy Thích Hạnh Tấn, trụ trì chùa Viên Giác cho biết sinh hoạt đón Xuân ở chùa: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Đoàn văn nghệ Bremen
Riêng thành phố Bremen rất nổi tiếng với đoàn văn nghệ dân tộc, đang tập dượt những tiết mục mới cho Xuân năm nay. Ông Trần văn Các, hội trưởng Hội người Việt tị nạn tại đây nói: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Ở Berlin, Hội chợ Tết do Nhà Việt Nam tổ chức vào tuần sau, ở khu Marzahn đúng 6 giờ chiều hôm 30 Tết (giờ giao thừa ở Việt Nam) và chiều mùng một Tết thì tưng bừng tiếng pháo, do xin được phép đốt pháo. Người Việt bên đông Berlin năm nay tụ tập vui Tết theo từng hội đoàn như Hội người Việt Hải Phòng, Hội phụ nữ chợ Đồng Xuân hay Hội những đồng nghiệp cũ cùng đi lao động hợp tác trước kia. Anh Đoàn Hải ở khu Marzahn nói về ngày Tết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Và ở từng gia đình, người Việt nam đón Tết ra sao? Có thể nói phần lớn người ở đây dù xa quê hương gần 30 năm, vẫn còn giữ các tục lệ của ngày Tết, từ lễ cúng đưa ông Táo về Trời, cúng tổ tiên đêm giao thừa, chúc Tết mừng tuổi ông bà cha mẹ, lì xì cho trẻ con, cúng ông thiên, rước ông Táo về nhà...Bà Nguyễn thị Liêm ở Bremen nói: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Đi lễ chùa
Cổng Chùa Phật Huệ ở Frankfurt chưa hình thành xong, sân chùa được nới rộng, nhưng vẫn không đủ chỗ cho hơn 2000 người từ các nơi về dự Tết, có người từ Erfurt, đông Đức, có người ở tận Stuttgart, München phía nam Đức, đặc biệt có rất đông người Đức đi theo bạn bè Việt Nam hay chỉ vì thích thú với phong tục Tết cổ truyền của Việt Nam nên đến tham dự để tìm hiểu, và cũng theo người Việt đến xin lộc từ thầy Thích Thiện Sơn.
Cô Silvia Hesser, đi cùng người bạn trai Đức đến chùa, sau khi ăn thử món mì xào, món bún bò Huế chay, vào chánh điện tò mò ngắm mọi người đang gieo quẻ xin xăm, cô nói chân thành và xúc động.
Ở đây không có hội hoa Xuân nhưng từ trên bàn thờ Phật nơi chánh điện đến tận cửa chùa đều thấy nở đủ sắc hoa. Hai cây mai, hai cây đào lớn thì là hoa giả nhưng vẫn làm cảnh chùa tươi đẹp hơn. Chương trình văn nghệ có vở hài kịch Táo quân về Trời thu hút đông người xem, rất thú vị vì tất cả diễn viên đều là phụ nữ.
Năm nay giới trẻ về vui Tết ở chùa rất đông, trong số này có nhiều sinh viên Việt Nam qua Đức du học, các bạn trẻ đi từng nhóm với cả bạn Đức. Anh Lê bình Tâm, sinh viên ngành xây dựng tại Đại học Darmstadt nói lên suy nghĩ của mình như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Tiếng trống lân, tiếng pháo nổ rộn ràng ngoài sân chùa làm mọi người đều thấy nao nức, một mùa Xuân mới đang đến, đem lại hy vọng và niềm tin mới. Thầy Thích Hạnh Tấn trụ trì chùa Viên Giác gửi lời chúc mừng đến Đài Á châu Tự do.